Dự toán thu ngân sách giai đoạn 2023-2025: Cân nhắc cẩn trọng, dự lường biến động
Chỉ tiêu tăng thu ngân sách mỗi năm trong giai đoạn 2023-2025 của Quảng Nam là 9%. Theo kế hoạch này, năm 2023, 2024 và 2025 lần lượt sẽ thu khoảng 26.680 tỷ đồng, 29.051 tỷ đồng và 31.640 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng giữa thu nội địa và xuất nhập khẩu không tương đồng.
Dự toán thu xuất nhập khẩu sẽ chỉ tăng trưởng bình quân 5%/năm (khoảng 18.284 tỷ đồng); chỉ tiêu cho từng năm là 5.800 tỷ đồng, 6.090 tỷ đồng và 6.394 tỷ đồng. Số thu nội địa được tính toán mỗi năm sẽ phải tăng ít nhất 10%, lần lượt các năm sẽ là 20.880 tỷ đồng, 22.961 tỷ đồng và 25.246 tỷ đồng.
Trông chờ vào khu vực tư nhân
Theo Sở Tài chính, thu xuất nhập khẩu chủ yếu dựa vào số thuế nhập khẩu bộ linh kiện lắp ráp ô tô của Thaco Auto (hơn 90%). Thu nội địa sẽ phải dựa chủ yếu vào sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ước định của các cơ quan tài chính, doanh nghiệp nhà nước trung ương sẽ góp 2.135 tỷ đồng, bao gồm: năm 2023 khoảng 650 tỷ đồng, năm 2024 sẽ tăng 8,5% (705 tỷ đồng) và tăng 10% vào năm 2025 với 780 tỷ đồng.
Số thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương ước 206 tỷ đồng (năm 2023 & 2024 mỗi năm thu khoảng 68 tỷ đồng, năm 2025 tăng thêm 2 tỷ đồng (70 tỷ đồng). Thu từ FDI chỉ khoảng 3.840 tỷ đồng (năm 2024 sẽ tăng 7% và năm 2025 chỉ tăng 3%).
Đóng góp nguồn tài chính lớn nhất vào ngân sách nhà nước luôn thuộc về khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh. Dự kiến sẽ thu khoảng 48.093 tỷ đồng, bao gồm: năm 2024 sẽ thu tăng 11,2% (16.001/14.329 tỷ đồng), năm 2025 sẽ tăng 11% (17.763/16.001 tỷ đồng).
Các sắc thuế còn lại (lệ phí trước bạ, thu nhập cá nhân, tiền sử dụng đất, phí và lệ phí) chiếm 16,5% tổng thu nội địa, lần lượt là: 1.010 tỷ đồng (320 tỷ đồng, 340 tỷ đồng - tăng 6,3% và 350 tỷ đồng - tăng 3%), 2.320 tỷ đồng (700 tỷ đồng, 770 tỷ đồng - tăng 10% và 850 tỷ đồng - tăng 10%), 7.600 tỷ đồng (2.300 tỷ đồng, 2.520 tỷ đồng - tăng 9,6% và 2.770 tỷ đồng - tăng 10%) và 502 tỷ đồng (166 tỷ đồng, 167 tỷ đồng và 169 tỷ đồng).
Theo các cơ quan tài chính, con số ước định này (kể cả việc tăng ít hay nhiều của các sắc thuế) đã được dự lường, tính toán, phân tích các yếu tố về cơ chế, chính sách, năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp... trong 3 năm đến.
Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính cho hay, nền kinh tế vẫn chưa hết khó khăn. Thủy điện phụ thuộc nước trời, kinh doanh của doanh nghiệp địa phương không ổn định, không có tăng trưởng, nguồn thu FDI chủ yếu từ nhà máy bia Heneiken Việt Nam - Quảng Nam thiếu ổn định, không đủ năng lực cạnh tranh giữa thị trường bia, có xu hướng góp ngân sách giảm dần.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu nội địa thuộc về khu vực tư nhân, chủ yếu vẫn Thaco Group, nhưng dự báo sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh thị phần khốc liệt nên sẽ tăng trưởng không lớn. Dự toán tài chính cho 3 năm đến đã tương đối chính xác theo phân tích các diễn biến của thị trường, sự biến động các nguồn thu của nền kinh tế địa phương.
Khó dự lường
Kế hoạch tài chính 5 năm (2021 - 2025) đề ra chỉ tiêu dự toán thu ngân sách tăng trưởng bình quân 9%/năm (nội địa tăng 10%/năm). Giai đoạn 2021 - 2023 dự tính tốc độ thu ngân sách chỉ tăng trưởng bình quân 4,5%/năm (thu nội địa tăng bình quân 7%/năm). Thực thu không như dự báo.
Năm 2021 tăng 9,3% (thu nội địa tăng 9,5%), năm 2022 bất ngờ tăng đến 35,6% (thu nội địa tăng 28,8%) và năm 2023 dự kiến sẽ tăng 12,6% so dự toán năm 2022 (chỉ bằng 83% so thực thu năm 2022), trong đó thu nội địa chỉ tăng 9,9% dự toán 2022, chỉ bằng 83,8% thực thu 2022.
Theo nhận định của các cơ quan tài chính, kinh tế sẽ ổn định, phát triển kể từ năm 2024 và bùng nổ vào năm 2025, bình quân 16%/ năm (thu nội địa 15%/năm). Nguồn thu sẽ tăng trưởng mạnh dựa vào sự tăng trưởng của ô tô, FDI, thu phí, lệ phí, tiền sử dụng đất, thuê đất của dự án Nam Hội An, các dự án trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai, tiền sử dụng đất các dự án vùng Đông (sau khi đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng thu hút đầu tư gia tăng...).
Việc dự báo thu ngân sách được cho đã tính toán, dựa vào thực lực của nền kinh tế. Tuy nhiên, lịch sử thu ngân sách nội địa Quảng Nam đã từng cho thấy sự bất xứng, phập phồng, thiếu bền vững và không dễ ước định.
Một bảng phân tích số liệu từ Cục Thuế giai đoạn 2016- 2020, dù hoàn thành dự toán, nhưng số thu ngân sách nội địa biến động quá lớn. Năm 2017 chỉ tăng 3,8%, năm 2018 tăng 33,5%, năm 2019 rớt xuống khi giảm 99,5% và năm 2020 giảm 17% so năm trước.
Dễ dàng nhìn thấy 3 năm đầu giai đoạn 2016 - 2020 có mức tăng trưởng bình quân đến 25%/năm, còn 2 năm cuối của thời kỳ (2019 & 2020) giảm, đã dẫn đến tốc độ tăng thu nội địa bình quân 11,4%, thấp hơn 3,6% so nghị quyết.
Mỗi năm, chỉ tiêu thu thuế đều tăng, ít nhất 9% hay 10%. Thực tế sẽ rất khó để thực hiện. Không một ai biết trước trong vài năm đến sẽ có thêm những chính sách biến động hay điều chỉnh cơ chế làm giảm thu.
Quyết định giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước phải nộp của năm 2022 của Chính phủ “cứu” cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách địa phương.
Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính nói, khó có thể xây dựng kế hoạch thu chính xác. Dự toán kế hoạch tài chính dài hạn chỉ có tính tham khảo, không quá quan trọng. Có thể định lường, dự báo cho một năm và căn cứ để điều hành ngân sách. Tuy nhiên, với đà tăng trưởng như hiện tại, sẽ thu xếp được nguồn lực thu nội địa (2021 - 2025) có tốc độ tăng trưởng bình quân 10,2%/năm, đạt chỉ tiêu, kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lầm thứ XXII đã đề ra.