Bangladesh đột phá trong phát triển xanh

NAM VIỆT 07/02/2023 15:30

(QNO) - Bangladesh hiện chiếm một nửa trong tổng số nhà máy xanh hàng đầu thế giới, theo chứng nhận LEED.

Khuôn viên tại một nhà máy xanh ở Bangladesh. Ảnh: The Star
Khuôn viên một nhà máy xanh ở Bangladesh. Ảnh: The Star

Bangladesh - quốc gia khu vực Nam Á được tôn vinh là nhà vô địch toàn cầu về các nhà máy được chứng nhận LEED - hệ thống đánh giá, chứng nhận công trình xanh do Hội đồng Công trình xanh Mỹ (USGBC) phát triển.

Theo đó, Bangladesh có 63 đơn vị may mặc được xếp hạng bạch kim trong khi 110 đơn vị khác được xếp hạng vàng, 10 đơn vị được xếp hạng bạc. 

Chứng nhận bạch kim là hạng mục cao nhất trong hệ thống xếp hạng của tiêu chuẩn LEED trong khi vàng là cao thứ hai và bạc là thứ ba. Ngoài ra còn có loại thứ tư dành cho các đơn vị công nghiệp chỉ đáp ứng các yêu cầu tối thiểu.

Cạnh đó, theo Hiệp hội Các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), hơn 500 nhà máy may mặc khác tại Bangladesh đang chờ chứng nhận LEED của USGBC cho các sáng kiến xanh.

Các doanh nhân tại Bangladesh bắt đầu chú trọng xây dựng các công trình được chứng nhận LEED sau hai thảm họa công nghiệp: vụ hỏa hoạn tại xưởng may mặc thời trang Tazreen Fashions vào năm 2012 và sự sụp đổ của khu phức hợp công xưởng may mặc Rana Plaza vào năm 2013 - để từ đó thu hút nhiều nhà bán lẻ và thương hiệu quốc tế nhiều hơn.

Ông Mohiuddin Rubel - Giám đốc của BGMEA cho biết, các sáng kiến của LEED chỉ ra rằng ngành may mặc tại Bangladesh hoạt động kinh doanh phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn và môi trường toàn cầu.

Các thương hiệu và nhà bán lẻ quần áo quốc tế không bắt buộc phải trả thêm tiền cho hàng hóa có nguồn gốc từ các ngành công nghiệp được chứng nhận LEED mặc dù các nhà sản xuất này chi hàng triệu USD để làm xanh nhà máy.

Tuy nhiên, nhiều người mua thích đặt hàng tại các đơn vị xanh vì họ biết hàng hóa được sản xuất tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và môi trường.

Công nhân may mặc tại Bangladesh trong giờ ăn trưa, Ảnh: The Stars
Công nhân may mặc tại Bangladesh trong giờ ăn trưa. Ảnh: The Stars

Fazlee Shamim Ehsan - chủ sở hữu nhà máy sản xuất hàng dệt kim Fatullah Apparels tại Bangladesh được chứng nhận bạch kim cho biết, người mua có thể thay đổi suy nghĩ về việc trả giá cao hơn đôi chút cho các mặt hàng có nguồn gốc từ các đơn vị xanh trong tương lai, đây cũng là xu hướng tiêu dùng.

“Chúng tôi đầu tư chi phí để làm xanh các nhà máy, không chỉ vì giá tốt hơn mà còn để bảo vệ môi trường trong khi kinh doanh. Nhưng để giữ chân khách hàng, chúng tôi sẽ tạo giá sản phẩm cạnh tranh hơn vì lợi ích lâu dài của nhà cung cấp, các thương hiệu bán lẻ…” - Fazlee Shamim Ehsan nói. 

Để nhận được chứng nhận LEED, các công trình xây dựng cần tuân thủ các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng và tạo ra một môi trường xanh như tăng hiệu quả thoát nước, giảm lượng khí thải, nâng cao chất lượng môi trường sống, tăng khả năng thích ứng của công trình với sự thay đổi của môi trường và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo một cách tối ưu. Đến nay, Việt Nam có 4 nhà máy được xếp hạng bạch kim.

NAM VIỆT