Phố hoa
Tết, Quảng trường 24/3 (TP.Tam Kỳ) lại rộn ràng những bước chân và sắc hoa rực rỡ, tiếp tục khẳng định nhu cầu hưởng thụ của cư dân, gắn với một đặc trưng đã thành sự đợi chờ thường niên: phố hoa.
1. Bất chấp đợt mưa rét bất thường những ngày đầu năm mới, dòng người vẫn nườm nượp đổ về Quảng trường 24/3, địa điểm “check-in” khá thú vị từ nhiều năm nay đối với người dân.
Mỗi năm một phong cách, một thiết kế, gắn với linh vật là con giáp của năm, tạo thành chốn lui tới thăm thú mỗi dịp xuân về. Thay cho cách trang trí được đánh giá là có phần lặp lại những năm trước đây, năm nay, Quảng trường 24/3 thực sự khoác lên một màu áo mới, với dấu ấn nổi bật là những căn nhà phủ đầy hoa.
Ý tưởng “ngôi nhà hoa” nhanh chóng chạm tới sự yêu thích của người thưởng lãm, bởi bên cạnh tính thân thuộc, gần gũi, ngôi nhà hoa còn gợi lên hình ảnh ấm áp đoàn viên, điều mong ước lớn nhất của nhiều gia đình dịp tết.
Tôi đi dạo quảng trường, để ý thấy khu vực ngôi nhà hoa là nơi tập trung đông nhất những người đứng chờ để có một bức ảnh du xuân đầu năm, đông hơn cả chỗ linh vật gia đình mèo. Năm nay, thêm ý tưởng thú vị với việc dựng thuyền hoa chào đón năm khởi nghiệp quốc gia, cũng như một con đường trái tim, với ý hướng đoàn viên, sum vầy.
Chỉ một không gian gói gọn trong khu vực quảng trường đã tạo thành rất nhiều góc ảnh mới mẻ và đầy màu sắc, nên cũng dễ hiểu khi nơi này trở thành điểm tập trung đông người nhất, dẫu tiết trời những ngày đầu năm mới không mấy thuận lợi.
Đó cũng là minh chứng cho nhu cầu hưởng thụ của cư dân thành phố, xuất phát từ điều giản dị nhất: có một nơi để du xuân đầu năm mới, chụp vài bức hình cùng gia đình, người thân.
Khởi đi từ nhu cầu ấy, sự lắng nghe, cầu thị và liên tục đổi mới của thành phố vừa tìm được điểm chung, đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa góp phần hình thành một nhận diện, một thương hiệu cho miền đất.
Mà không chỉ có Quảng trường 24/3; đường hoa dọc bờ hồ Nguyễn Du, sắc màu từ hệ thống đèn led rực rỡ ở một số tuyến phố chính cùng với những đêm hội bài chòi, đêm văn nghệ giao thừa... đã trở thành “đặc sản” tết, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần của cư dân trong phố và vùng lân cận.
2. Mùng 9 Tết, vẫn còn thấy ồn ã tiếng nói cười tại Quảng trường 24/3, những góc “check-in” vẫn níu lấy chân người dẫu nhịp sống bắt đầu bình thường trở lại. Sắc xuân còn vương trên những cung đường, nơi cư dân thị thành chủ động đóng góp kinh phí trang trí cho chính tuyến phố nơi mình ở.
Cộng hưởng với đầu tư bằng ngân sách của thành phố, cách làm “xã hội hóa” tự phát này thể hiện trách nhiệm của công dân đô thị, người dân sẵn sàng góp một bàn tay vào những chủ trương chung, nếu họ nhìn thấy được mình là chủ thể hưởng lợi trong đó.
Nhìn rộng ra, những đường hoa, phố hoa hoàn toàn có thể được tạo nên từ chính cộng đồng, từ những chủ trương nhân văn, gắn với đời sống tinh thần của cư dân đô thị. Quan trọng nhất vẫn cách làm, cách truyền thông để tạo sự đồng thuận từ phía người dân.
Thì cũng ở quảng trường đấy thôi, một chương trình nghệ thuật suốt 4 tiếng đồng hồ nhưng vẫn đủ sức níu chân người ở lại qua thời khắc giao thừa. Cuộc sống đã quá đủ bộn bề khốn khó, tết là dịp để họ xếp những ưu tư, hòa cùng dòng người du xuân, gieo cho mình một kỳ vọng năm mới đẹp tươi giữa phố hoa rực rỡ.
Năm 2023, đường hoa Nguyễn Huệ tại TP.Hồ Chí Minh chạm mốc 20 năm. Công trình văn hóa độc đáo này đã tạo thành biểu tượng mới của TP.Hồ Chí Minh vào mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Tích hợp giá trị văn hóa vào ngôn ngữ thiết kế hiện đại, thay đổi trong bố cục và nghệ thuật tạo hình là cách để nơi này tạo được không gian trải nghiệm đáng nhớ của người dân và du khách.
Đặt trong quy mô nhỏ hơn, tại đô thị Tam Kỳ, Quảng trường 24/3 hoàn toàn là một không gian đặc trưng, một biểu tượng như thế trong lòng đông đảo người dân, không chỉ ở đô thị mà còn mở rộng ra các vùng lân cận và cả du khách trong chặng đường du xuân của mình.
Họ hoàn toàn có quyền chờ đợi và trách nhiệm của chính quyền đô thị là thỏa mãn sự đợi chờ đó bằng những tính toán hợp lý, nhân văn, để tạo tác và duy trì một “phố hoa” thường niên cho cộng đồng...