Hồi quang trầm
Thoảng mùi khói bên bếp lửa. Tôi ngồi đó, đối diện với vị già làng, có chút gì đó dậy lên như lời phán truyền, như quyền uy, như sức mạnh của cả một bộ tộc, qua hơi ấm của lửa. Dẫu cho nhiều quên nhớ đã đượm lấy tuổi già, dẫu thời gian có lạnh lùng giăng mắc, miền ký ức xưa vẫn mồn một hiện ra theo lời kể của già làng, bên bếp lửa...
1. Ông là Y Kông, cái tên đã quá quen với đồng bào huyện Hiên (cũ, nay tách thành hai huyện Đông Giang và Tây Giang). Căn moong nhỏ bằng phên lồ ô, lợp lá cọ ám mùi khói, ô cửa chỉ vừa đủ để một người khom lưng bước vào. Ông kể về miền đất của ông, nơi dấu chân tuổi trẻ đã để lại khắp dãy Trường Sơn ngày trước, nơi những cánh rừng thiêng còn xanh mướt. Nơi đó, là ký ức.
Sinh ra rồi lớn lên ở núi, đôi chân trần của ông đã bước qua biết bao thác ghềnh, vượt qua bao con suối, theo những cuộc đi săn vào tít tận những miền rừng xa xôi nhất.
Vị già làng gần trăm tuổi đã đi khắp các cánh rừng, ngược lên Tây Nguyên, rồi trở về với quê nhà, là xã Ba (Đông Giang), nơi thung lũng Trung Mang trải dài ngút ngát. Đang kể chuyện, chợt vị già làng đứng dậy, lấy trên phía gian thờ một pho tượng tạc hình thiếu nữ Cơ Tu chừng hơn một gang tay.
Ông đưa lên mũi hít hà. “Không còn thơm nữa”, ông nói, rồi quay lại chỗ ngồi. Pho tượng đã sẫm màu, được vị già làng tìm thấy trong rừng sâu hơn 30 năm về trước, dưới một gốc cây dó bầu trong cánh rừng ở xã Ba quê nhà. Một pho tượng tạc từ trầm...
Những cuộc đi săn giúp ông nhớ và thuộc nằm lòng các cánh rừng. Nhiều trong số những chuyến đi theo dấu sinh tồn ấy, ông bắt gặp mùi thơm thoang thoảng của trầm, theo con gió. Nhựa từ cây dó bầu tỏa ra mùi thơm dịu, mà khi đốt lên, sẽ tỏa khắp cả căn nhà.
Ông đã dùng thứ nhựa ấy đốt trên bàn thờ khi có đám tang, để xua đuổi những u ám, để ấm lại gian nhà. Duy chỉ có một điều ông không biết: dưới xuôi, trước cả ông, người ta đã tìm trầm như tìm báu vật.
Một hồi quang dậy lên trong tâm tưởng của vị già làng. Những năm đầu giải phóng, cùng với công nhân dưới xuôi đi lên nông trường Quyết Thắng để trồng dứa, trồng chè, rất đông người nhập cư cũng theo cơn lốc kinh tế mới đổ về thung lũng Trung Mang. Vốn hiếu khách, người Cơ Tu nhanh chóng tiếp xúc và thân thuộc với cộng đồng nhập cư, nhiều người học tiếng Kinh, rành rẽ con chữ. Già Y Kông khi đó đã là Chủ tịch UBND huyện Hiên.
“Đường sá cách trở, mỗi lần tôi có việc phải xuống Đà Nẵng - khi đó là trung tâm tỉnh lỵ để họp, phải nắm cơm, cuốc bộ suốt ba ngày ròng. Nhưng xa xôi thế vẫn không ngăn được phu trầm. Họ gùi theo muối lên rừng để đổi gạo. Trong những chiếc ba lô vải họ mang theo, có những lưỡi cưa líu dài hàng mét. Họ đi tìm trầm” - già Y Kông kể lại.
Đầu thập niên 1980, già Y Kông thôi làm Chủ tịch huyện, về xã Ba, lần lượt làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, rồi Chủ tịch kiêm Bí thư xã. Khi ấy, cả xã chỉ có chưa đầy bảy mươi hộ dân. Và rồi, ông đã làm một việc mà cả đời ông sau này luôn day dứt: dẫn đường cho người lạ đi cưa cây dó, lấy trầm.
Những phu trầm dưới xuôi khi đó là những người may mắn. Họ có thêm đôi mắt như chim triing của vị già làng, có thêm đôi tai như con nai nghe rõ từng thanh âm của núi rừng, có “tọa độ” những cây dó bầu hằn khắc trong trí nhớ vị già làng suốt những năm tháng đạp lên khắp các cánh rừng.
Theo chân ông, họ chia nhau len lỏi đến từng ngả rừng, tìm được cây dó, rồi dùng rựa chặt vào thân cây. Vết cắt khéo léo ấy cũng là dấu hiệu sở hữu của những người đến trước, người tới sau không được xâm phạm. Chờ chừng một năm, khi cây dó bầu đã lên trầm từ vết thương ấy, họ lại nhờ ông quay trở lại để đốn hạ, lấy trầm.
Hàng loạt cây dó bầu trong những cánh rừng già lần lượt ngã xuống, và những người đi tìm trầm tìm đến vùng đất này cứ ngày một nhiều thêm. Những cây lớn đường kính chừng 2 mét, cả bốn người đưa sải tay ôm chưa hết, cũng bị cắt hạ.
Phu trầm dùng cưa kéo để cắt từng khúc, dùng cái đục sắc bén lọc hết phần gỗ tạp màu trắng, chỉ giữ lại phần có trầm màu nâu đen. Trầm được tập kết về một nơi, chờ khi đủ số lượng lớn thì được gùi về đồng bằng.
2. Ông không nhớ mình đã giúp những nhóm người dưới xuôi tìm được bao nhiêu gốc trầm. Ông kể, cứ mỗi lần họ bán được một trăm nghìn đồng, thì ông được trả vài ba nghìn tiền công. Một nghìn đồng lúc đó có thể mua được 10 ký gạo, đủ nuôi sống cả nhà.
Mỗi chuyến đi rừng kéo dài chừng 5 đến 10 ngày, nếu gặp nơi nhiều trầm thì những người bản địa sẽ được thuê gùi gạo vào cho nhóm khai thác tiếp tục cưa cây. Lương thực chỉ cần mang theo muối và gạo.
Thức ăn được lấy từ rừng, là cá ở khe suối. Nhiều thú rừng bị bắn hạ, bằng những thứ vũ khí còn sót lại của cuộc chiến tranh. Những cây dó trầm đổ gục trong cuộc tàn sát của người dưới xuôi, suốt quãng thời gian dài gần 10 năm. Để đến năm 1992, Y Kông bỗng giật mình: đất mình, làng mình không còn cây dó nữa.
Vị già làng đã ngót 70 tuổi quyết định vào rừng, nơi trước đây dẫn người ra đi tìm trầm. Chỉ còn những gốc cây dó đã dần mục rữa theo thời gian. Đôi chân ông giẫm lên bao nhiêu gốc trầm như thế, trong bàng hoàng xa xót. Một lần như thế, bất chợt ngửi thấy mùi trầm thoang thoảng tỏa ra, già làng bắt đầu đào bới và may mắn tìm được một khúc trầm đã keo lại, mừng rỡ về nhà khi trời đã tắt nắng.
Lần này ông nhất quyết “có trả hàng trăm triệu đồng cũng không bán, phải giữ lại để con cháu biết đến trầm là gì”. Già làng giấu tiệt chuyện mình đào được trầm, sợ người ta biết sẽ đến hỏi mua, mình không bán, người xấu cũng sẽ tìm cách lấy trộm.
Ông đã giấu rất lâu, dưới hình hài một bức tượng thiếu nữ Cơ Tu do chính mình chạm khắc, cẩn thận phủ một lớp sơn mỏng để giấu đi vân trầm. Bên khói bếp, khúc trầm đó đã dìu dịu tỏa hương suốt hàng chục năm, bền như lửa…
Vị già làng gần trăm tuổi, đã đi qua bao nhiêu cánh rừng khắp dãy Trường Sơn ấy quả quyết, không có thứ mùi hương cây cỏ nào ấn tượng với mình như mùi cây trầm dó. Xa xót, vì ngần ấy năm dẫn người ta đi tìm trầm, thông thạo mọi ngả rừng, ông lại trở về tay trắng, mỗi lần lễ, tết lại phải xuống xuôi mua nhang trầm về đốt.
“Mùi trầm bây giờ nồng lắm, không dịu như trầm ở rừng Đông Giang ngày trước” - ông nói. Đêm lặng, tiếng củi cháy tí tách là thứ thanh âm duy nhất sau câu nói của vị già làng...
Vị già làng, trong những xô dạt của thời cuộc, đã vô tình bước đi trên con đường tiến hóa để cô đơn. Hùng tâm tráng chí một thời của vị già làng đã vô tình trở thành thứ mất mát đớn đau mà ông lặng giữ cho riêng mình. Không nơi nào cất giữ được thứ mùi thơm của cây dó bầu trong ký ức của ông. Không nơi nào khác, ngoài mẹ rừng, ngoài cái màu xanh thăm thẳm mà người Cơ Tu bao đời đã dựa vào đó để mà sống, mà sinh tồn.
Ông đã tự dằn vặt mình khi làm người dẫn lối cho kẻ lạ xâm phạm tới thứ tín ngưỡng thiêng liêng ấy, rồi chôn vào lòng nỗi buồn suốt ba mươi năm dài, cùng pho tượng. Lỗi lầm ấy, không phải là thứ khuyết sót dễ dàng phai quên, một nỗi buồn bất tận chẳng thể nào cứu chuộc.
Hình như, trong pho tượng trầm, giờ chỉ còn mùi khói...