Du lịch thế giới tiếp đà phục hồi
Bức tranh du lịch thế giới trên đà khởi sắc, nhiều kỳ vọng hơn trong năm 2023, góp phần hồi phục mạnh mẽ đối với nhiều nền kinh tế.
Theo dữ liệu do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cung cấp, lượng khách du lịch quốc tế toàn cầu có thể đạt 80% đến 95% so với mức trước đại dịch COVID-19 vào năm 2023. Năm ngoái, các điểm đến trên thế giới đón hơn 900 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp đôi so với năm 2021, dù chỉ bằng 63% so với mức trước đại dịch.
Ấn tượng nhất phải kể đến khu vực Trung Đông với lượng khách du lịch quốc tế đạt 83% so với trước đại dịch, châu Âu hồi phục gần 80% khi chào đón 585 triệu lượt khách. Châu Phi và châu Mỹ phục hồi khoảng 65% lượng khách.
Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili phát biểu: “Năm mới 2023 mang đến nhiều lý do lạc quan hơn cho ngành du lịch toàn cầu. UNWTO dự đoán sự phục hồi mạnh mẽ cho lĩnh vực này ngay cả khi đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tình hình kinh tế và sự bất ổn địa chính trị. Đặc biệt, nhu cầu đi lại trong nước và khu vực tăng cao, hỗ trợ thúc đẩy sự phục hồi rộng rãi hơn của ngành”.
Theo thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1/2023 đạt hơn 871 nghìn lượt, tăng 23,2% so với tháng 12/2022. Năm 2023, du lịch Việt Nam kỳ vọng đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng.
Cũng theo ông Zurab Pololikashvili, việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại liên quan đến COVID-19 ở Trung Quốc cũng là một bước thiết yếu hướng tới sự phục hồi của ngành du lịch ở châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Nhu cầu du lịch gia tăng từ Mỹ, với đồng USD tăng giá tiếp tục hỗ trợ các điểm đến trong khu vực và hơn thế.
Ở hầu hết điểm đến, thu nhập từ du lịch quốc tế năm ngoái tăng đáng kể nhờ tăng chi phí đi lại trung bình tăng do thời gian lưu trú kéo dài hơn. Do đó, năm 2023 tiếp đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch của ngành du lịch toàn cầu.
Tuy vậy, UNWTO thận trọng rằng, lạm phát trên toàn thế giới, suy thoái kinh tế, xung đột, giá cả hàng hóa - dịch vụ tăng do khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu là những yếu tố rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp đến việc quản lý chi phí và lợi nhuận của ngành du lịch. Việc tăng giá vé máy bay, khách sạn và các cơ sở lưu trú tác động đến thu hút khách du lịch.
Doanh thu từ du lịch quốc tế trong năm 2021 đạt 700 - 800 tỷ USD, chỉ gần bằng một nửa so với mức 1.700 tỷ USD với gần 1,5 tỷ người đi du lịch quốc tế của năm 2019. Nhưng sự phục hồi ước tính từ 60% trở lên vào năm 2022 là rất quan trọng để khôi phục mức trước đại dịch toàn cầu vào năm 2023. Trước đại dịch, du lịch và lữ hành chiếm gần 10% GDP toàn cầu.
Nghiên cứu của Trung tâm Dữ liệu du lịch quốc tế Kaleido cho thấy, giao thông hàng không toàn cầu sẽ bùng nổ trong năm nay, trở lại mức trước đại dịch vào tháng 6 tới. Vào năm 2023, các hãng hàng không mong đợi nhiều tin tốt lành hơn, lấy lại được vị thế tài chính.
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết, hiện lưu lượng hàng không toàn cầu khôi phục lại khoảng 75% so với mức của tháng 11/2019. Đặc biệt, các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương nổi bật với số lượng toàn cầu cao nhất, đạt mức tăng gần 374% về lưu lượng truy cập vào tháng 11/2022 so với tháng 11/2021. Dự kiến, nhu cầu hành khách trên toàn thế giới đạt 85,5% mức của năm 2019 trong suốt năm 2023.