Hoạt động sản xuất toàn cầu vẫn gặp khó khăn
(QNO) - Dù một số nhà máy nhận tín hiệu khởi sắc, hoạt động sản xuất trên khắp nước Mỹ, châu Âu và châu Á nhìn chung giảm trở lại vào tháng 1/2023, cho thấy sự hồi phục mong manh của nền kinh tế thế giới.
Tín hiệu lạc quan
Hãng tin Bloomberg cho biết, nhiều nhà máy sản xuất châu Á đang cải thiện vào đầu năm nay khi Trung Quốc mở cửa trở lại từ cuối năm ngoái.
Dữ liệu từ S&P Global Market Intelligence vừa được công bố, nhiều nhà máy ở Đông Nam Á tăng cường sản xuất và thu mua trong tháng 1/2023 khi các đơn đặt hàng mới tăng lên.
Các dấu hiệu cho thấy giá và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đang giảm bớt cũng giúp nâng cao niềm tin của doanh nghiệp đối với sản lượng của nhà máy trong 12 tháng tới.
Thái Lan dẫn đầu khu vực với chỉ số PMI (chỉ số quản lý thu mua) tháng 1/2023 là 54,5 - tăng từ mức 52,5 của tháng trước trong khi tại Philippines và Indonesia mở rộng trên mức 50.
Nhà kinh tế Maryam Baluch của S&P Global Market Intelligence cho biết: "Với áp lực từ phía cung giảm bớt và tỷ lệ lạm phát thấp hơn mức trung bình sau đại dịch, điều này có thể hỗ trợ cải thiện hơn nữa các điều kiện kinh doanh trong những tháng tới. Điều quan trọng là các điều kiện về nhu cầu tiếp tục phục hồi và có thể hỗ trợ đà tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm 2023".
Tồn tại khó khăn và thách thức
Tuy nhiên, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, chính sách tiền tệ thắt chặt giữa các ngân hàng trung ương và xung đột tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong suốt cả năm.
Theo Reuters, nhìn chung hoạt động sản xuất của các nhà máy trên toàn cầu vẫn gặp khó khăn, thách thức dù các nhà máy ở khu vực đồng euro ít nhất có thể đã vượt qua đáy.
Hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục sụt giảm trong tháng 1/2023 với chỉ số PMI giảm xuống 47,4 so với 48,4 trong tháng 12/2022.
Sự tăng giá trước đây của đồng USD với đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Mỹ và nhu cầu toàn cầu yếu đi đang gây tổn hại cho hoạt động sản xuất tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Dữ liệu ngày 1/1 vừa qua cho thấy khu vực đồng euro đạt được mức tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm 2022, có thể tránh được suy thoái.
Chỉ số PMI của khu vực châu Âu tăng mức cao nhất trong 5 tháng là 48,8 vào tháng 1/2023 từ mức 47,8 của tháng 12/2022, nhưng vẫn dưới mốc 50 ngăn cách tăng trưởng với suy giảm.
Các nhà sản xuất ở Đức và Pháp - nền kinh tế lớn nhất và nhì châu Âu bắt đầu năm 2023 với triển vọng tươi sáng hơn nhưng hoạt động kinh doanh sản xuất tại Anh giảm tháng thứ 6 liên tiếp vào tháng Giêng, khởi đầu cho một năm 2023 đầy khó khăn tại quốc gia này.
Một cuộc khảo sát khu vực tư nhân cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc cũng chậm lại vào tháng 1/2023 dù Bắc Kinh mở cửa trở lại một tháng trước đó.
Ngày 31/1 vừa qua, IMF nâng nhẹ triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2023 do nhu cầu "có khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên" ở Mỹ và châu Âu cũng như việc mở cửa trở lại của nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng tăng trưởng toàn cầu vẫn chậm lại từ 3,4% vào năm 2022 xuống 2,9% vào năm 2023.