Địa chỉ đỏ Chi bộ Sông
Di tích lịch sử địa điểm thành lập Chi bộ Sông trở thành một địa chỉ đỏ, là niềm tự hào của người dân Trường Xuân, TP.Tam Kỳ. Nơi đây đã ghi dấu đậm nét tinh thần yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc của người dân địa phương...
Dấu ấn lịch sử
Tháng 10/1940, Chi bộ Sông - với tên gọi ban đầu là Chi bộ ghép Trường Xuân - Phú Ninh, được thành lập tại đình làng Trường Xuân (nay thuộc phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ).
Việc thành lập chi bộ đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức đảng trên mảnh đất Trường Xuân - Xuân Trung, cũng là sự chuyển mình quan trọng của phong trào cách mạng trên địa bàn, đáp ứng nguyện vọng bức thiết của các tầng lớp nhân dân trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Sau khi thành lập, Chi bộ ghép Trường Xuân - Phú Ninh tập trung lãnh đạo công tác tư tưởng, vạch trần tội ác của Pháp - Nhật và tay sai; mở rộng địa bàn hoạt động, tiếp xúc những người tiến bộ; vận động, tuyên truyền tập hợp quần chúng đứng về phía cách mạng, phát triển đảng viên, tạo nên lực lượng đông đảo hướng về cách mạng, chống lại bọn tay sai gian ác.
Trên các địa bàn lãnh đạo của Chi bộ Sông từ thị trấn Tam Kỳ, Trường Xuân và các xã vùng tây bắc của phủ Tam Kỳ, các phong trào đấu tranh chống đế quốc và tay sai của nhân dân diễn ra khá đều khắp và đa dạng. Các đảng viên của Chi bộ Sông đều thể hiện bản lĩnh kiên cường, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Tính đến tháng 2/1942, Chi bộ Sông có 14 đảng viên, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ngay trong dinh lũy của kẻ thù ở Tam Kỳ - nơi có các cơ quan đầu não của chính quyền và thực dân Pháp (phủ lỵ Tam Kỳ, tòa Đại Lý) và trên một địa bàn rất rộng lớn, bao gồm thị trấn Tam Kỳ và các xã vùng tây bắc của phủ Tam Kỳ như Xuân Trung, Khánh Thọ, Long Sơn, Phước Lợi, Ngọc Thọ, Trường An, Đại Hanh… (nay thuộc TP.Tam Kỳ và các huyện Phú Ninh, Núi Thành).
Quá trình hình thành và phát triển của Chi bộ Sông có không ít nhân vật lịch sử từng gắn bó mật thiết với tổ chức này. Tầm vóc ảnh hưởng của họ không chỉ với lịch sử của Tam Kỳ, của Quảng Nam, mà còn có tầm ảnh hưởng đến quốc gia, dân tộc trên các chặng đường quan trọng của lịch sử.
Từ bác Năm Công - Võ Chí Công (Võ Toàn), nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, lúc đó với tư cách là Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ đã trực tiếp chứng kiến sự thành lập Chi bộ ghép Trường Xuân - Phú Ninh tại đình làng Trường Xuân.
Hay Phó Bí thư Khu ủy 5, Phó Trưởng ban miền Nam của Trung ương Đảng - đồng chí Trương Chí Cương, tháng 9/1941, với tư cách Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ, tại Trường Xuân, đã triệu tập Chi bộ ghép Trường Xuân - Phú Ninh họp tại nhà bà Nguyễn Thị Bếp (Trường Xuân Đông), quyết định giao nhiệm vụ cho Chi bộ phụ trách thị trấn Tam Kỳ và các xã vùng tây bắc của phủ, lấy bí danh là Chi bộ Sông. Còn có Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đỗ Thế Chấp, được Chi bộ Sông tổ chức kết nạp Đảng vào năm 1941...
Khơi dậy niềm tự hào
Năm 2020, di tích lịch sử địa điểm thành lập Chi bộ Sông được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Tuân - Phó Bí thư Đảng ủy phường Trường Xuân cho biết, di tích lịch sử địa điểm thành lập Chi bộ Sông được công nhận đáp ứng nguyện vọng chính đáng từ lâu của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bởi khi được công nhận di tích, đây sẽ là nơi tham quan, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Hiện nay, di tích Chi bộ Sông đã được xây dựng bia tưởng niệm nhằm thể hiện sự tri ân, báo ân đối với các thế hệ đi trước. Tại bia tưởng niệm, phường Trường Xuân cũng như TP.Tam Kỳ thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước, các hội thi tìm hiểu lịch sử địa phương do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Trường Xuân, các trường học trên địa bàn tổ chức nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc và địa phương.
“Di tích địa điểm thành lập Chi bộ Sông là một địa chỉ đỏ có giá trị lịch sử trong giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Đây cũng là nơi để cán bộ, đảng viên và nhân dân thường xuyên lui tới thăm viếng, tìm hiểu về lịch sử.
Đặc biệt là đối với thế hệ ngày nay, khi điểm lại lịch sử nhiều đồng chí đảng viên của Chi bộ Sông tham gia cách mạng còn rất trẻ như đồng chí Nguyễn Dậu - Bí thư Chi bộ Sông, đã tham gia cách mạng từ rất sớm, làm Bí thư Chi bộ Sông và hy sinh năm 22 tuổi.
Chúng tôi mong rằng di tích lịch sử địa điểm thành lập Chi bộ Sông sẽ giúp nâng cao nhận thức và khơi dậy cho tuổi trẻ niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của cha ông - những con người cộng sản kiên trung, bất khuất của quê hương” - ông Nguyễn Tuân nói.