Hương vị tết xưa
Ngày đó Hội An còn hoang vắng nhưng thật đẹp, không khí trầm buồn bao lấy thị xã quanh năm, chả thế mà lớp trẻ thường gọi đùa rằng Hội An là “thị xã dưỡng già”.
Ngó vậy nhưng đến những ngày xuân về tết đến, không gian Hội An như khoác lên mình tấm áo tươi mới, nhộn nhịp khác hẳn. Tuy là phố thị nhưng ở đây cộng đồng từng xóm sống với nhau thấm đẫm tình nghĩa, sớm hôm tắt lửa tối đèn có nhau; những ngày cuối năm cả xóm ới ơi gọi nhau, chia nhau công việc chuẩn bị đón tết.
1. Năm nào cũng vậy, vui nhất vẫn là mấy ngày giáp tết. Những nhà có thu nhập kha khá bắt đầu thuê người quét vôi lại ngôi nhà của mình, để đón tết.
Đám thanh niên và trẻ con nhân mấy ngày khô ráo cũng xúm vào tỉa gọn những hàng rào chè tàu đã cao quá lứa sau mùa mưa và quét dọn vệ sinh từ đầu xóm đến cuối ngõ.
Đâu vào đó xong, cả đám lại đi quanh xóm xin tiền mua muối hột và than đá về giã nhỏ thả xuống giếng để lọc nước; chả là cả xóm mấy chục nhà đều dùng chung giếng nước này.
Các cô, các bà cũng tranh thủ những ngày có nắng phơi vội mớ củ cải, củ kiệu cho thật khô, đổ nước mắm chứa vào lọ để làm dưa món, củ kiệu, ăn kèm với bánh chưng, bánh tét trong ba ngày tết. Thiếu cái món này kể như không có tết!
Cả xóm có được một cái khuôn đồng làm bánh thuẩn và một cái khuôn làm bánh trái tim nên ba ngày giáp tết các nhà xúm lại góp đường, góp bột, mua trứng, dừa, gừng về tự làm bánh, mứt.
Thời khốn khó, tết nhất tự làm bánh cho đỡ tốt kém, sắp trẻ cũng có thêm tấm bánh, chút mứt rẻ hơn là mua ở chợ. Năm sáu cái bếp than được tập trung tại một nhà, các cô, các bà xúm lại người đánh bột, nạo dừa, xắt gừng, kẻ ngào đường, đúc bánh... cười nói huyên thuyên rộn rã.
Đám con nít lăng xăng bu quanh bếp chờ được sai vặt, lúc thì lấy than, múc nước, khi thì quạt lửa, rửa thau tất bật. Mà thực ra lũ trẻ cũng chẳng phải siêng năng gì, bởi chúng biết nếu được sai vặt thì khi làm xong sẽ được mấy bà, mấy cô cho vài mẩu mứt đầu thừa, đuôi thẹo và mấy cái rẻo bánh vụn thơm nứt mũi rơi ra trong lúc cắt khuôn.
2. Trong lúc các bà lo làm bánh mứt thì các ông bắt đầu dọn dẹp bàn thờ gia tiên và đi mua hoa quả, trang trí lại ngôi nhà của mình cho có không khí tết. Thời đó hoa được trồng tại các xã vùng ven, đến tết được bày bán ven sông Hội An.
Nhà khá giả thì mua thược dược, hướng dương, nhà khó khăn cũng ráng mua vài bụi hoa vạn thọ rẻ tiền về chưng trước cửa cho vui nhà, đến mùng Ba tết còn nhổ lên dùng làm hoa cúng đưa ông bà, nhất cử lưỡng tiện lại tiết kiệm được ít tiền.
Trưa ngày cuối năm khi mọi nhà đã xong công việc, cả xóm tụm lại gói bánh chưng, bánh tét. Các ông chẻ củi, lau lá, vót lạt. Các bà gói bánh, đám trẻ con xúm lại xung quanh chờ được sai vặt.
Gói bánh đến giữa trưa là xong, các ông cho vào thùng nấu rồi lên lửa. Trời đổ về chiều, cánh thanh niên nam nữ trong xóm xúm lại ngồi canh lửa, nói cười râm ran. Dân trong xóm nhỏ có nhiều “cây văn nghệ”, vài người mang đến chai rượu mía và cây guitar thùng, ngồi quanh bếp lửa bắt đầu đàn hát, uống rượu.
Mồi nhậu chỉ là cóc, ổi hái quanh xóm chấm với muối ớt. Ngó vậy mà lửa gần rơm, rồi cũng có nhiều mối tình nảy sinh, sau cũng có cặp tiến tới hôn nhân. Chừng sau mười giờ đêm, bánh chín tới được vớt ra chia về cho từng nhà. Nhớ đâu mỗi nhà được hai cái bánh chưng và hai đòn bánh tét, mang về cúng ông bà. Nhận bánh xong ai về nhà nấy để chuẩn bị cúng đón giao thừa.
Ngày trước khi cúng giao thừa, có lệ vẫn giữ một cây đèn hột vịt nhỏ thắp sáng liên tục trên bàn thờ ông bà suốt ba ngày tết. Người dân quan niệm rằng mấy ngày tết tổ tiên ông bà đều về đoàn tụ cùng con cháu nên phải giữ đèn để cho sáng bàn thờ ông bà.
Ngoài ra trong mấy ngày tết cho dù có thiếu thốn đến mấy, đến bữa ăn cũng phải có chén cơm, lát cá, bát canh bày biện trên bàn thờ gia tiên để mời ông bà dùng bữa. Tục này kéo dài đến mùng Ba, sau lễ cúng đưa ông bà mới ngưng. Thiết nghĩ, đây cũng là một phong vị tết đáng yêu, một nét văn hóa hiếu đạo đáng được gìn giữ.
Đêm giao thừa, đất trời như thanh thoát hơn trong giờ khắc giao thời chuyển vận. Đâu đó thoang thoảng mùi nhang, mùi trầm hòa quyện hương hoa ngan ngát tạo nên không gian trầm mặc trước thềm năm mới.
Sau khi cúng giao thừa, từng nhóm người đổ về chùa Pháp Bảo thắp hương, hái lộc cầu mong một năm mới an bình, sung túc. Có lẽ đây là thời khắc rộn ràng nhất ở cái thị xã cổ kính quanh năm yên lặng này. Mọi người thay nhau thắp hương, lạy Phật rồi tụ tập ra trước sân chùa chúc tết lẫn nhau.
Tuy gọi là lên chùa hái lộc nhưng ở đây người ta chỉ sờ tay vào cây lá làm phép, lấy hên, cầu mong tài lộc, ít thấy ai hái lá cây để mang lộc về nhà. Họ ngại phá vỡ nét đẹp, cảnh quan chùa, nghĩ cũng là một nếp hay.
Thời nay, kinh tế phát triển làm con người mỗi ngày thêm bận rộn, hàng hóa tràn ngập khắp hang cùng ngõ hẻm. Những ngày giáp tết nhìn quanh không thiếu thứ gì, chỉ việc mua về sử dụng cho tiện nên những cung cách đón tết ngày xưa càng đi về quá vãng.
Tập tục, lề thói xưa cũng phai dần những tưởng chừng đâu mất hẳn. Gần đây lại mừng khi nhìn thấy nhiều gia đình bắt đầu trở lại cung cách đón tết của ngày xưa, tuy đơn giản nhưng không kém phần lễ nghi bài bản.