Vào hội xuân
Hội làng khắp nơi đã rộn ràng. Cùng với những rạng rỡ của sắc xuân, là thanh âm lễ hội. Cứ vậy, mùa xuân rộn rã muôn nơi...
Nhịp vui bài chòi
Gọi nhau đi xem bài chòi ngay tối mùng Ba tết, người dân Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) hào hứng với từng đoạn trích hô hát bài chòi do bà con mình trình tấu. Tổ chức liên hoan dân ca bài chòi ngay trong những ngày tết, chính quyền xã Tam Thanh mong muốn tạo nên một sân chơi ngay giữa không gian làng cho người vùng biển. Và thật như vậy, khi đây trở thành không gian hội ngộ của bà con làng biển cùng nghe điệu bài chòi.
Ông Lê Dũng (thôn Hòa Trung) nói, sau 2 năm xã không tổ chức vì đại dịch COVID-19, lần này, liên hoan khiến mọi người hào hứng đón nhận. Chỉn chu từ từng nhịp phách, mỗi trích đoạn dân ca hay điệu bài chòi đều khiến người thưởng ngoạn gần như khấp khởi sống lại từng ký ức vui của những ngày xuân cũ. Hẳn vì thế, những sân chơi với từng giai điệu cổ truyền ở mỗi không gian làng vào những ngày tết, ngày xuân, đều được người dân đón đợi.
Cùng mùa xuân của người làng biển, tết này, cư dân Tam Kỳ có nhiều hơn những không gian để trải nghiệm và vui xuân.
Ông Võ Văn Thiên - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT và truyền thông TP.Tam Kỳ cho biết, cùng với Quảng trường 24/3 với những tạo hình mang nhiều ý nghĩa để người dân du xuân, một không gian tết cổ truyền cũng được tạo tác tại khu vực bờ hồ Nguyễn Du.
Ngay tối mồng Năm tết, Đoàn Ca kịch bài chòi của tỉnh phối hợp cùng Trung tâm VH-TT và truyền thông TP.Tam Kỳ tổ chức sân chơi hô hát bài chòi truyền thống. Những thẻ bài trở thành niềm vui thích của người trẻ, mỗi khi được anh chị hiệu xướng tên.
Những ngày cuối tuần này, cũng rơi vào các ngày cuối của mốc ba ngày tết, bảy ngày xuân, một hội thi dân ca - hô hát bài chòi quy mô toàn thành phố được tổ chức, ngõ hầu giữ cho điệu ca truyền thống được tiếp nối...
Hướng về cội nguồn
Thềm xuân, còn là những ngày vận khí đất trời thênh thang để người người muôn nơi quy về cội nguồn. Những ngày mà nhà thờ tộc ở khắp các vùng xứ Quảng trở thành chốn du xuân đủ đầy ý nghĩa mà ai cũng muốn tìm về.
Và còn hơn thế, khi như một cảm tạ đất trời, có những tộc họ tổ chức cho cháu con mình trồng cây đầu xuân. “Mùa xuân là tết trồng cây” - được hiểu theo đúng ý nghĩa gần gụi nhất.
Anh Trần Ngọc Hà (quê xã Bình Sa, huyện Thăng Bình) cho biết, tết năm nào cũng vậy, những ngày đầu năm, hoạt động được cháu con tộc Trần ở Thăng Bình mong chờ là tổ chức trồng cây dọc theo các lối của khu vườn từng gia đình. Coi cây xanh như một món quà gửi đến cháu con mai sau, trở thành hoạt động ý nghĩa đầu xuân.
Điều đặc biệt của mùa xuân năm này là gần như tất cả địa phương trong tỉnh tổ chức các không gian vui chơi cho người dân bằng những hoạt động dân gian, truyền thống.
Từ các đêm hô hát bài chòi do chính thành viên của những CLB bài chòi của thôn tổ chức, cho đến các trò chơi dân gian đầu xuân đã có tự ngàn đời nay trên đất Quảng. Bởi lẽ, hình như chỉ có những trò chơi dân gian cổ truyền mới đủ sức để thu hút mọi thế hệ người làng cùng hòa nhịp rộn ràng.
Nhiều năm rồi, người dân thôn Trung Vĩnh (xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn) đều chờ đợi ngày hội đua thuyền ngay trên dòng sông ngang qua làng mình. Với người Việt, đặc biệt với người xứ Quảng, đua thuyền không chỉ là trò chơi dân gian mà cũng là hình thức thực hiện nghi lễ với thủy thần, xuất phát từ tục cầu nước của cư dân nông nghiệp...
Những gương mặt, những nụ cười rạng rỡ hòa trong không khí rộn ràng khiến mùa xuân trở thành mùa vui...