Quê nhà nương náu yêu thương
Ba giờ sáng mùng Một tết, mẹ của Nguyễn Hoài Sơn (thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) vẫn chờ ở cửa. “Mẹ đã ở đó từ trước giao thừa. Tôi biết, bà sẽ luôn chờ, nên dù phải vượt gần 90 cây số trong đêm, tôi vẫn quyết trở về nhà, với mẹ. Hạnh phúc của ngày tết được gọi tên bằng cuộc sum vầy” - Sơn nói.
Hạnh phúc, sẻ chia
Khoảnh khắc giao thừa, Sơn đang tác nghiệp ở đường Bạch Đằng ven sông Hàn (TP.Đà Nẵng). Anh nói, nhìn người người, nhà nhà cùng háo hức đón giao thừa, lòng anh cũng rộn lên nhiều xúc cảm.
Trong căn nhà cũ ở quê nhà, ba mẹ anh không được xem pháo hoa rực rỡ sắc màu như thành phố, quê nhà cũng không rực rỡ đèn hoa như nơi này, nhưng ông bà cũng đã kịp sắm sửa vài thứ cho ngày tết đến. Càng gần tết, công việc cũng càng bận rộn. Những chộn rộn như nhen nhóm thêm niềm háo hức được về quê ăn tết.
Ngay sau khi đóng máy, hoàn tất công việc trong đêm giao thừa, Sơn chạy xe máy về thẳng nhà. Những ngã đường thôi yên vắng, đèn hoa rực rỡ và dòng người đi đón giao thừa trở về như những người bạn đồng hành. Và mẹ anh vẫn chờ ở cửa. Bà đã được báo tin, và căn nhà nhỏ sáng đèn chờ đứa con trai đến tận 3 giờ sáng, khi Sơn về được đến nhà.
“Năm trước, tôi về sớm hơn, kịp cùng ba mẹ sửa soạn, chăm chút cho cái tết của gia đình. Năm nay là lần đầu tiên phải trở về nhà sau giao thừa, nhưng vẫn thật sự rất hạnh phúc.
Những ngày tết, chỉ đơn giản là tảo mộ, đi chùa cùng ba mẹ, loanh quanh chúc tết họ hàng và ăn bữa cơm gia đình. Đầm ấm tình thân và lấp lánh những niềm vui từ gương mặt của ba mẹ, của những người thân quen dù chỉ ngắn ngủi trong vài ba ngày tết” - Sơn chia sẻ.
Không phải ai cũng có may mắn như Hoài Sơn trong những ngày tết. Muôn vàn lý do cho những tiếc nuối, khi có nhiều người buộc phải đón một cái tết xa nhà.
Lê Ngọc Cường (xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước) nói, những ngày trước tết, anh tranh thủ đưa vợ con về nhà, sắm sửa vài món cho gia đình đón tết. Ba mươi tết, anh phải ngược ra Đà Nẵng, tiếp tục công việc lái xe dịch vụ của mình.
“Chẳng ai muốn phải vất vả đi làm trong những ngày tết, nhưng đặc thù của nghề là vậy. Chúng tôi là những người làm dịch vụ, mùa tết là mùa ăn nên làm ra của công ty, nên anh em buộc phải xoay ca cho nhau.
Ở quê đi ra TP.Đà Nẵng cũng gần, nên tôi nhận phần trực sớm để nhường cho anh em quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh... về quê đón tết cùng gia đình. Mình có thể đón xuân muộn hơn một chút, miễn sao có đầy đủ thành viên trong gia đình” - anh Cường tâm sự.
Quê nhà, nơi trở về
Quê nhà may mắn neo giữ được chân người khi công nghiệp, dịch vụ ngày càng phát triển, nhiều gia đình đã thôi cảnh ly hương để mưu sinh. Tôi không còn thấy dòng người đông đặc ở ven quốc lộ 1 sau những ngày tết ngắn ngủi như nhiều năm trước đó.
Sầm Tô Đoàn (quê xã Ba, huyện Đông Giang), người bạn cùng quê với tôi nói, không phải chờ chực chuyến xe đường dài mệt nhoài như mọi năm đã là một niềm hạnh phúc. Được ở lại với quê nhà, còn hạnh phúc hơn. Đoàn từng có gần mười năm làm thợ cơ khí ở một nhà máy lớn tít tận tỉnh Hải Dương.
Năm nào anh cũng chỉ có vài ngày tết ngắn ngủi, chưa kịp thăm hết những người thân, người quen đã phải tất tả cho chuyến đi dài ngược ra Bắc. May mắn tìm được một công việc phù hợp ở quê nhà, Đoàn trở về quê, không mất quá nhiều thời gian để đắn đo lựa chọn.
“Không ở đâu bằng quê nhà. Về quê, thu nhập có giảm đi nhiều, nhưng bù lại chi phí sinh hoạt rẻ hơn, lại có điều kiện để còn chăm lo cho cha mẹ. Năm nay là năm đầu tiên đón tết cùng gia đình sau gần mười năm xa nhà, không khí ngày tết rất vui vẻ, bớt lo toan hơn nhiều so với những năm trước đó” - Đoàn cho hay.
Anh kể thêm về những ngày loay hoay trong cơn đại dịch, chật vật xoay xở khi công việc đình trệ, đối diện với bộn bề khó khăn. Mọi thứ bình thường trở lại, nhưng những tháng ngày ấy củng cố thêm niềm tin để khi có cơ hội tìm kiếm được việc làm ở quê, Đoàn về quê ngay, dẫu phải từ bỏ chỗ làm việc đã quen thuộc, từ bỏ mức thu nhập tương đối mơ ước đối với một lao động ở quê, đến tận bây giờ.
Có muôn vàn những câu chuyện buồn vui, muôn vàn phận số trong những gương mặt người trở về quê ngày tết. Dù ly hương, hay quay về, ở họ, mẫu số chung vẫn là những ngày tết sum vầy với gia đình, với ấm áp chở che của quê xứ để tiếp tục chặng đường một năm dài phía trước. Ai, ở đâu, làm việc gì, thì với họ, nhà vẫn luôn là nơi để về, để nương náu trong thương yêu cho những ngày xuân còn đương tươi sắc màu của niềm vui đoàn tụ...