Mốc son của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam
Ngày 27/1/1973 tại Paris (Pháp), “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết, là kết quả của quá trình đàm phán dài nhất thế giới với 4 năm 8 tháng 16 ngày, gồm 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn và nhiều phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên khắp thế giới.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 ở các đô thị, thành phố, thị xã và các quận lỵ ở miền Nam là đòn giáng chí mạng, buộc Mỹ phải chấp nhận con đường đàm phán hòa bình nhằm tìm lối thoát chính trị cho cuộc chiến ở Việt Nam.
Đường đến Đại thắng mùa Xuân 1975
Ngày 13/5/1968, Hội nghị Paris giữa phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ chính thức bắt đầu tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, phố Kléber.
Phải đến hơn 4 năm sau, ngày 27/1/1973, Bộ trưởng Ngoại giao 4 bên dự Hội nghị Paris là Nguyễn Duy Trinh (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), Nguyễn Thị Bình (Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), W. Rogers (Hoa Kỳ) và Nguyễn Văn Lắm (chính quyền Sài Gòn) mới chính thức ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Ngay ngày hôm sau 28/1/1973, ngừng bắn trên toàn miền Nam Việt Nam. Hiệp định Paris buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam và mở đường cho sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn.
Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao; là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.
Thắng lợi của hội nghị Paris thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng, ý chí, bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng độc lập tự do của cả dân tộc.
Thắng lợi này thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn sáng suốt của Đảng, phát huy cao độ thắng lợi trên các mặt trận ngoại giao, chính trị, quân sự, kết hợp thành công sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo ra thế và lực mới cho cuộc chiến đấu của dân tộc ta, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng, đi đến Đại thắng mùa Xuân 1975.
Bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam, không bao giờ quên thời khắc lịch sử đó: “Tại thời điểm đó, tôi cảm thấy rất xúc động vì đã được thay mặt cho nhân dân miền Nam Việt Nam ký vào một văn kiện lịch sử.
Khi đặt bút ký vào bản hiệp định chiến thắng, nghĩ đến những đồng bào, đồng chí ngã xuống - những người không còn có thể biết được sự kiện trọng đại này, mắt tôi bỗng nhòe ướt.
Trong cuộc đời tôi, đây là vinh dự rất lớn vì được thay mặt nhân dân, các chiến sĩ cách mạng để đấu tranh trực diện với kẻ thù xâm lược ngay tại Paris, được đặt bút ký vào bản hiệp định chiến thắng sau 18 năm cả nước tiến hành cuộc chiến đấu chính nghĩa đầy hy sinh gian khổ… Đó có lẽ là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời ngoại giao của tôi”.
Những bài học thời đại
Hội nghị Paris và Hiệp định Paris để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, có ý nghĩa to lớn trong tình hình hiện nay. Đó là bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng mở ra mặt trận ngoại giao, phát huy thế mạnh của ngoại giao, phối hợp với các mặt trận chính trị, quân sự; lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất các mặt trận, “vừa đánh, vừa đàm”, tạo ra sức mạnh tổng hợp, giành toàn thắng.
Bài học về kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia dân tộc; vận dụng đúng đắn phương châm ngoại giao Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tạo thời cơ, kéo địch vào đàm phán, chủ động tấn công ngoại giao và kết thúc đàm phán khi điều kiện chín muồi; xử lý hài hòa quan hệ với các nước lớn, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta để làm nên thắng lợi của Hội nghị Paris.
Bác Hồ dạy: “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Cái chiêng có to, tiếng mới lớn”. Thắng lợi của Hội nghị Paris bắt nguồn từ những thắng lợi trên chiến trường, từ sự lớn mạnh không ngừng về thế và lực của ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Để vượt qua những thách thức lớn, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là phương cách cực kỳ quan trọng, bảo đảm thắng lợi.
Từ Hội nghị Giơnevơ năm 1954 đến Hội nghị Paris, đội ngũ cán bộ ngoại giao đã trưởng thành vượt bậc, được chuẩn bị và trang bị kỹ cả về kiến thức đối ngoại và nghệ thuật đàm phán.
Cùng với sự chỉ đạo sát sao, Đảng và Nhà nước ta đã chọn lựa, tin tưởng giao trách nhiệm cho những cán bộ đối ngoại bản lĩnh nhất, xuất sắc nhất tham gia hai đoàn đàm phán, góp phần rất quan trọng làm nên thắng lợi của Hội nghị Paris.
Trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đối ngoại phải tiếp tục là mặt trận quan trọng góp phần xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục quán triệt, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Chúng ta tin tưởng và kỳ vọng rằng, phát huy bài học Hội nghị Paris, công tác đối ngoại nhất định sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn, ghi tiếp các mốc son mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.