Mang văn hóa Chăm sang châu Âu
(Xuân Quý Mão) - Nhận được lời mời của bà Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Torino, tôi tham gia sự kiện Văn hóa và ẩm thực Chăm lần đầu tiên trên đất Italia vào ngày 25/10/2022. Chương trình diễn ra nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ song phương Italia - Việt Nam, với sự hiện diện các vị khách nước ngoài và cộng đồng người Việt tại Torino.
Tin được xét cấp visa về tới nhà, tôi háo hức, trong đầu luôn hình dung nhiều điều mới lạ ở nơi mà tôi sắp đến. Sửa soạn vali, món đầu tiên mà tôi gói cẩn thận mang theo là bộ áo váy truyền thống. “Cái khăn njram này con mang theo chưa?” - lấy khăn cho tôi, mẹ đưa tay vuốt nhẹ lưng tôi. Mẹ hiếm khi làm như vậy.
Đi trong vị nhớ Palei
Máy bay đáp xuống thành phố Milan, kinh đô tài chính và thời trang của Italia, lúc 11 giờ trưa. Trời đang vào thu mát mẻ. Tôi lên xe buýt về Torino, hai bên đường bạt ngàn lúa mì dưới nắng vàng đầu thu xứ Âu đẹp lạ lùng. Màu nắng rực rỡ tôi đã gặp đâu đó ven đường quê Hội An - nơi tôi đang sống.
Khi tôi mang hương sắc Chăm đi Torino, là thời điểm giữa mùa đại lễ Kate diễn ra khắp làng Chăm Ninh Thuận của tôi, nghi lễ được tổ chức theo lịch Chăm, để tưởng nhớ các vị thần và ông bà tổ tiên.
Tôi chuẩn bị những món ăn mang vị Chăm với nguyên vật liệu mang theo là mấy khúc thân chuối non, thêm ít mắm cái, cà giòn, lá xào dông...
Tám giờ sáng, tôi lên xe buýt đi tìm mua lá chuối để làm món bánh tét Chăm và chỉ tìm được lá chuối đông đá từ tiệm bán của người Trung Quốc. Tôi mua thêm gạo nếp, đậu phụng, đậu xanh, hành tím về làm nhưn bánh, phơi lá chuối cho tan đá. Làm xong hai loại bánh, thêm cà ri và hai món dê kho nữa cho bữa tiệc ẩm thực Chăm tại xứ người.
Chương trình diễn ra gần một tiếng rưỡi đồng hồ, gần 50 người đến dự, từ đầu buổi đến cuối không ai rời khỏi chỗ ngồi. Trong bộ Aw kamei lụa màu đỏ, đeo tua tai truyền thống và khăn njram của mẹ, trước khán giả tôi bắt đầu trải lòng tình yêu quê xứ bằng đôi nét văn hóa Chăm cùng điệu múa xứ sở. Với hũ gốm màu đất nung đội đầu uyển chuyển trong điệu múa, tôi đã khiến các bạn nước ngoài say đắm, tò mò ngay từ buổi đầu gặp gỡ.
Chương trình kết thúc với điệu múa nđwa buk và trình diễn ẩm thực. Các vị khách lần đầu nếm thử món Chăm ai nấy phấn khích, khen “buonissimo” ngon tuyệt! Một vị khách nói: “Lần đầu trong đời tôi biết đến món của người Chăm và biết là nó ngon như thế!”.
Những Việt kiều tại Torino đã bày tỏ niềm hứng khởi khi được đón một người con của Chăm. Chị Kim Chi, quê gốc Nha Trang cho biết: “Trước đây tôi từng đọc tài liệu về Chăm trong tập san định kỳ MEKONG của Lãnh sự quán, nay được gặp người thật. Tôi cũng không biết là Chăm có những món ngon như thế. Cà ri Chăm khác hẳn món cà ri Việt, bánh Sakaya đúng là… thần thánh, tình cờ phối hợp tuyệt vời với rượu nho passito Erbaluce của Ý”.
Luca Leschiutta - chàng sinh viên Ý từng làm luận án tốt nghiệp đại học về văn hóa Chăm thì vô cùng hạnh phúc được gặp lại tôi - người bạn đã cùng anh ấy lặn lội điền dã suốt thời gian tìm tài liệu ở các làng Chăm Phan Rang.
Bà Lãnh sự danh dự Sandra Scagliotti, nhắc lại sự quý trọng chữ nghĩa thể hiện trong minh triết Chăm, một dân tộc kiêu hãnh với quá khứ huy hoàng từ thế kỷ 10. Bà cho rằng đây là dân tộc rất yêu chuộng thiên nhiên. Bà tỏ ra đặc biệt thích thú màn múa lu phiêu lưu trên sỏi của tôi. “Tôi cảm ơn diễn giả Kiều Maily và tôi mong muốn sớm thành lập trung tâm nghiên cứu về Chăm ở Torino” - bà Sandra Scagliotti nói.
Gặp nét Chăm ở trời Âu
Dừng chân ăn tối ở Cetara, một xóm chài cạnh tuyến đèo eo biển. Phảng phất vị mặn bờ biển Bình Tiên, Ninh Thuận quê tôi. Gia đình ông chủ nhà hàng đã nhiều đời đánh cá và làm… nước mắm! Vâng, nước mắm nhỉ chính hiệu, đặc sản vùng này và của cả nước Ý.
Bữa ăn Giáng sinh truyền thống, tương tự bữa réveillon của Pháp, của xóm chài này là mì spaghetti và nước mắm nhỉ, nghĩa là nó giống… bún nước mắm ở Việt Nam. Tối hôm ấy chúng tôi đã ăn món đó, đương nhiên là với spaghetti al dente vừa chín tới, nhai nghe sừng sực trong miệng.
Hôm sau ông ấy nhờ em rể đưa tôi đến thăm nhà hàng xóm, là một cơ sở sản xuất nước mắm nhỉ truyền thống lâu đời, đạt danh hiệu D.O.P. là sản phẩm có “Tên Được Bảo Vệ” và được Slow Food thế giới bảo hộ.
Tôi bỗng nhớ Pompeii - một đô thị cổ thuộc tỉnh Napoli trong vùng Campania. Tôi đến nơi khoảng 12 giờ trưa, nắng chát, một màu xanh rực toàn bầu trời. Thành phố Pompeii đã bị chôn vùi vào năm 79 sau Công nguyên do một trận phun trào núi lửa khủng khiếp của Vesuvius.
Du khách tản bộ tham quan các khu nhà đã vụn nát nhưng nhiều bờ tường còn nguyên vết bức tranh màu đỏ. Vài hũ chum bằng gốm cao, miệng nhỏ, nằm rải rác trong vài ngôi nhà. Khi tôi xem cứ liệu thì được biết thành phố Pompeii chính là vựa nước mắm cũng là nơi buôn bán nước mắm sầm uất lớn nhất thời đế quốc La Mã. Một số kiểu bình bằng gốm đựng nước mắm được khai quật tại nơi đây.
Vậy là nước mắm cũng có ở đây, từ thuở xa xưa. Đâu là nguồn gốc nước mắm? Từ người Chăm ở Việt Nam? Hay từ thời La Mã, từ thời Ai Cập? Ăn nước mắm ở Cetara, thấy dấu vết nước mắm ở Pompeii... Tôi nghe trong miền nhớ có gì thân quen, cả từ xứ Chăm xa xôi mấy chục nghìn cây số của tôi.
Bộ trang phục áo dài truyền thống màu tím, tôi chọn vận để đến Guimet - bảo tàng hàng đầu thế giới về nghệ thuật châu Á ở Paris, Pháp.
Ở Bảo tàng Guimet trưng bày đến hơn 50.000 hiện vật đến từ các nước châu Á. Không gian trưng bày về điêu khắc Chăm không lớn nhưng cũng là một phần quan trọng trong bảo tàng. Tôi chăm chú đọc từng bản liệu ghi chú trên những tuyệt phẩm của Chăm.
Tượng chim thần Garuda với nét nghệ thuật điêu khắc tả tỉ mỉ từng nét động thể hiện rõ qua thời gian. Tượng thần Shiva được tìm thấy ở tháp Bánh Ít Bình Định thế kỷ 11 - 12 có thể được xem là bức tượng điêu khắc tinh tế có trình độ bậc nhất của nghệ nhân điêu khắc Chăm cổ xưa. Tôi bước quanh căn phòng trưng bày, như có một luồng khí lạ tràn vào người, có lẽ hồn của tổ tiên vẫn còn đâu đó ngay cạnh tôi. Vui vì tôi đã chạm chân đến nơi này, được ngắm nhìn những hiện vật một thời huy hoàng của tổ tiên Chăm.
Mười mấy ngày rong ruổi ở châu Âu, tôi tranh thủ đi thăm nhiều danh lam thắng cảnh, địa điểm nổi tiếng, nơi nào đi qua, tôi cũng mang màu áo, hương vị Chăm đi cùng.