Từ du lịch văn hóa tới du lịch sáng tạo
(VHQN) - Quảng Nam được coi là vùng đất có thế mạnh trong phát triển du lịch văn hóa. một trong những chất liệu quan trọng có thể tham gia đóng góp cho sự đặc sắc của du lịch văn hóa tại Quảng Nam là tuồng.
Hội An đã đưa tuồng thành một trong các yếu tố của du lịch văn hóa. Nhưng làm thế nào để thực sự nổi trội và thu hút du khách mạnh mẽ như nhiều quốc gia khác đã sử dụng văn hóa văn nghệ truyền thống của họ trong việc này như Kinh kịch (Trung Quốc), kịch Noh (Nhật Bản)… thì còn cả chặng đường dài.
Nhìn từ Kinh kịch
Tại Trung Quốc, Kinh kịch là tiết mục nằm trong chương trình du lịch của rất nhiều du khách tới nhiều tỉnh thành, nhất là tại Bắc Kinh. Nếu đi xem Kinh kịch, du khách sẽ được đưa tới nhà hát kịch Trường An nằm trên đường Trường An. Nhà hát này lộng lẫy và hoành tráng, thể hiện vẻ đẹp hơn 200 năm của Kinh kịch Trung Hoa.
Du khách sẽ được thưởng ngoạn những tiết mục hay nhất của Kinh kịch cổ điển trong tiếng hát, tiếng trống, tiếng chiêng…. Họ cũng sẽ được hân hạnh ngồi trên những chiếc ghế Thái sư có bàn Bát Tiên từng thấy trong phim ảnh để coi Kinh kịch.
Nhưng đồng thời họ cũng như lạc vào bảo tàng viện của Kinh kịch với các loại mặt nạ Kinh kịch, các sách viết về Kinh kịch, các bức tranh, đĩa nhạc và video. Du khách xem xong Kinh kịch hoàn toàn có thể mua các loại mặt nạ, sách, tranh ảnh, đĩa nhạc này mang về nghiên cứu, học hỏi.
Trong khi đó, nếu du khách tới Hồng Kông thì có thể tới 7 nhà hát khác nhau để xem Kinh kịch. Đặc sắc nhất là Trung tâm Hí khúc ở Khu Văn hóa Tây Cửu Long. Du khách có thể đắm mình trong những màn trình diễn đẳng cấp thế giới tại Nhà hát lớn hay ngồi lại nhâm nhi điểm tâm cùng trà thơm tại Nhà hát Trà Viên trong lúc thưởng thức trích đoạn dài 90 phút từ những tác phẩm được yêu thích nhất mọi thời đại.
Nhà hát có cả chuyên gia dẫn chuyện để giải thích cho du khách. Nếu du khách có thời gian thì có thể tham dự thêm các chương trình chiếu phim, hội thảo, tọa đàm và triển lãm mới nhất ở trung tâm chỉ chuyên về Kinh kịch.
Tại thành phố này còn có Bảo tàng Di sản Hồng Kông trưng bày các trang phục, đạo cụ Kinh kịch hết sức tinh xảo, tỉ mỉ. Trong đó có cả những gì mà các ngôi sao Kinh kịch đã từng sử dụng. Họ trưng bày cả các yếu tố đa phương tiện cũng như sân khấu Kinh kịch. Mà nhất là tại Trung tâm di sản Việt kịch (một thể loại Kinh kịch đặc sắc của Hồng Kông).
Nhìn từ kịch Noh
Tại Nhật Bản, các nhà hát rất giỏi trong việc giúp du khách có các trải nghiệm sống động mang tính tương tác cao với kịch Noh. Ví dụ du khách tới Kyushu có thể ghé thăm nhà hát kịch Noh mang tên Morimoto, có sức chứa 220 người. Noh là loại hình kịch tiêu biểu cho sân khấu cổ điển Nhật Bản có hơn 600 năm nay.
Nhà hát của Morimoto được xây dựng từ tháng 2/1965 và tồn tại tới ngày nay. Ngoài là sân khấu trình diễn kịch Noh, nó còn dùng làm nơi biểu diễn âm nhạc truyền thống Nhật, kể truyện tranh truyền thống (rakugo), làm nơi trình diễn trà đạo và tổ chức lễ cưới truyền thống. Do vậy, nếu ngoài xem Noh ở đây, du khách có thể trải nghiệm nhiều đặc sắc văn hóa Nhật khác.
Linh hồn của nhà hát này là Tetsuro Morimoto, diễn viên Noh chuyên đóng vai chính của trường phái Kanze và là người nắm giữ Di sản Văn hóa phi vật thể quan trọng, có thể truyền dạy cho du khách các bài bài học kinh nghiệm Noh.
Nhà hát này cung cấp cho du khách 4 trải nghiệm cụ thể sau khi được nghe giảng giải, thuyết trình về kịch Noh. Sau đó những ai có thể tham gia biểu diễn thì sẽ được thay trang phục làm diễn viên phụ hay nhạc công.
Ai chưa từng có kinh nghiệm thì có thể được mời lên sân khấu để học rồi biểu diễn thử những bài học ngắn, có thể thay trang phục để cảm thấy không khí của Noh và có thể đeo mặt nạ để đóng vai nhân vật trong kịch Noh.
Nhà hát này có tới 200 mặt nạ kịch Nok khác nhau nên du khách tha hồ học hỏi, tìm kiếm và thử nghiệm. Và tất nhiên nhà hát sẽ rất chiều lòng du khách trong việc cho họ chụp hình cùng trang phục kịch Noh của mình.
Một kiểu trải nghiệm với kịch Noh rất hay khác của Nhật cho du khách là Noh từ đảo Sado, tỉnh Niigata. Hầu hết sân khấu Noh ở Sado đều nằm trong các đền thờ và khán giả ngồi ngoài trời. Vì vậy, Noh vào buổi tối luôn được trình diễn trong ánh sáng lãng mạn của những đống lửa.
Nghệ sĩ là những nông dân vừa qua mùa gặt lúa. Những ngọn lửa bùng lên trong im lặng được bao quanh bởi bóng tối, khi buổi biểu diễn trang trọng bắt đầu trên sân khấu với các trang trí tối giản.
Thiên nhiên xung quanh, như tiếng côn trùng kêu, gió xào xạc và ánh sáng của mặt trăng vô tình tạo thêm tác động, khiến buổi biểu diễn càng thêm kịch tính. Đảo Sado từng có 200 sân khấu kịch Noh. Hiện Bảo tàng Sado và Bảo tàng Lịch sử và truyền thuyết Sado trưng bày các vật phẩm có giá trị liên quan đến Noh, bao gồm cả trang phục sẽ cho du khách cái nhìn sâu sắc về lịch sử của Noh.
Đúc kết hướng đi cho tuồng Quảng Nam
Với sự đầu tư vào các trải nghiệm đa dạng này từ Trung Quốc hay Nhật, du khách sẽ được phục vụ với nhiều yêu cầu khác nhau. Với du khách am hiểu, họ có thể nghiên cứu sâu hơn về loại hình nghệ thuật ưa thích của mình. Còn với du khách chưa từng tiếp cận Kinh kịch hay Noh, họ chỉ đơn giản là học hỏi, vui chơi, thoải mái với nghệ sĩ và người dân địa phương trong chuyến nghỉ dưỡng của mình.
Cách tạo ra các trải nghiệm này cũng đi từ việc đơn giản là đưa du khách tới coi một đoàn kịch địa phương biểu diễn trong môi trường diễn xướng nguyên bản của nó, hay đưa khách vào các nhà hát chuyên nghiệp, với các nghệ sĩ bậc thầy. Đồng thời có cả hệ thống thiết chế văn hóa chuyên nghiệp phục vụ du khách như bảo tàng, triển lãm, các sản phẩm lưu niệm.
Và cách làm tại Trung Quốc hay Nhật trên đây không chỉ dừng lại ở du lịch văn hóa (cultural tourism), mà đã đi tới cả khái niệm du lịch sáng tạo (creative tourism) là cách mang đến cho du khách cơ hội phát triển tiềm năng sáng tạo thông qua việc tham gia tích cực các khóa học và học hỏi kinh nghiệm đặc trưng của điểm đến.
Nâng cao hơn, để có thể tạo ra nền tảng bền vững, họ đan xen các trải nghiệm này trong một “thế trận” liên hoàn nhằm thu hút du khách từ việc tận dụng mọi ưu thế của địa phương.
Mà tất cả có thể hình dung rõ ràng trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo - dự án của UNESCO được khởi động vào năm 2004 nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành phố đã công nhận sự sáng tạo là yếu tố chính trong sự phát triển đô thị của họ.
“Thành phố sáng tạo” được tổ chức thành 7 hạng mục đại diện cho 7 lĩnh vực sáng tạo khác nhau như thủ công và nghệ thuật dân gian, nghệ thuật kỹ thuật số, phim ảnh, thiết kế, ẩm thực, văn học và âm nhạc. Tính đến năm 2021, có 295 thành phố sáng tạo từ 90 quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, Hà Nội đã được công nhận là thành phố đầu tiên nằm trong dự án này.
Do đó từ những hoạt động ở giai đoạn đầu của Quảng Nam trong việc sử dụng chất liệu tuồng tham gia du lịch văn hóa, du lịch sáng tạo, hoàn toàn có thể tiếp tục khai thác và hoàn thiện các mô hình này ở mức tốt nhất.
Trong khi đó, Hội An có thể là thành phố có đủ những tiềm lực tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức mới nhất, từ đó nâng chất lượng du lịch cho vùng đất xứ Quảng.