Màu sắc mới tiếp cận mới
(Xuân Quý Mão) - Một suy nghĩ khác đi cùng một cách làm mới mẻ và thân thiện hơn đang thổi làn gió mới vào du lịch Quảng Nam.
Chạm vào tài nguyên thật khẽ
Sau những ngày mưa gió tơi bời, ở cuối hạ lưu sông Thu Bồn thi thoảng lại thấy bóng người đẩy xe bò đi nhặt củi lũ. Họ là những người làm… du lịch.
Ông Lê Ngọc Thuận - chủ nhà hàng Coco Casa - Chủ tịch Hội Khởi nghiệp sáng tạo TP.Hội An đã nuôi ý tưởng này từ lâu và tìm thấy cơ hội từ khi dịch COVID-19 bùng phát khiến ngành du lịch bị tê liệt.
Sự sáng tạo, tri thức từ nghề mộc đã giúp Lê Ngọc Thuận và cộng sự “tái sinh” vòng đời của củi lụt, cho ra đời những tác phẩm điêu khắc độc đáo từ vật liệu tưởng như đã bỏ đi theo dòng nước.
Những tác phẩm chuyển tải được cả câu chuyện đặc sắc về hệ giá trị văn hóa - tự nhiên của vùng đất này. Tất nhiên là hầu hết sản phẩm được thị trường đón nhận với mức giá rất… du lịch.
“Tôi muốn đi từ cái nhỏ nhất. Mình tự tạo ra sản phẩm bằng chính các giá trị bản địa. Một khi cộng đồng nhìn nhận đúng và thấy tốt có thể họ sẽ kết nối phát triển mọi thứ rất nhanh.
Tôi mong muốn trong tương lai tại TP.Hội An sẽ hình thành được một công viên về rác tái chế, để cả cộng đồng lẫn du khách cảm nhận được về giá trị mới mẻ của vùng đất này theo cách rất riêng biệt” - ông Thuận chia sẻ.
Ngược một chút về phía nam, Võ Nguyên Tùng - Giám đốc Hợp tác xã làng nghề Cửa Khe cùng mọi người trong làng Cửa Khe (xã Bình Dương, Thăng Bình) cũng đang miệt mài làm mới làng mình.
Tùng muốn du khách đến đây thay vì chỉ tắm biển và thưởng thức hải sản nức tiếng rồi quay về, sẽ ở lại lâu hơn và thẩm thấu được thanh âm của sóng, chạm được vẻ đẹp của cát, lắng đọng cùng vị quê của từng giọt mắm tinh túy từ biển cả. Và thực sự, đã có những vị khách ‘bắt sóng” được cảm xúc rất khác ở Cửa Khe so với những gì từng mường tượng về làng biển còn heo hút này…
Đã có quá nhiều gợi mở về phát triển bền vững cho ngành du lịch cả nước từ khi đại dịch COVID-19 khiến không ít xu thế, giá trị của ngành bị thay đổi. Và Quảng Nam đang cố gắng đi tiên phong từ những điều giản đơn nhất để “làm lành” cùng hệ sinh thái vốn lâu nay bị tổn thương từ những tác động vô hình của du lịch.
Và bây giờ ngành du lịch đã có những phòng lưu trú xanh, tour khám phá xanh, chuyến xe vận chuyển xanh khiến du khách bất ngờ và cảm phục. Trong năm 2022, đã có 11 đơn vị đủ điều kiện cấp chứng nhận du lịch xanh và con số này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng, mở ra một kỷ nguyên xanh cho du lịch Quảng Nam…
Tiếp cận mở
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, việc đặt mục tiêu về số lượng khách không còn là ưu tiên quan trọng nữa, kể cả cán cân giữa khách quốc tế và khách nội địa của Quảng Nam trong giai đoạn đến năm 2030 cũng được hoạch định khá cân bằng do bối cảnh mới của ngành du lịch. Quảng Nam vẫn định hướng xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có đóng góp lớn vào tỷ trọng nền kinh tế của tỉnh.
Quảng Nam cũng đang tích cực lên phương án xã hội hóa khai thác Khu đền tháp Mỹ Sơn và dự kiến trong quý III năm 2023 sẽ trình Chính phủ đề án này. Rõ ràng đã có sự nhìn nhận lại trong chiến lược khai thác kinh tế di sản để tối ưu hóa nguồn lợi thay vì cứ để được chăng hay chớ như lâu nay. Và một khi Mỹ Sơn đi tiên phong thành công, sẽ còn cả mạng lưới di sản vốn khắc khoải lâu nay được mở đường để thôi ngủ yên trong “tấm áo” bảo tồn.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nói: “Nếu chúng ta có đánh giá kỹ và nhìn nhận đúng vấn đề, khi nhận thấy lượng khách vào đông nhưng ngân sách không hưởng lợi nhiều, doanh nghiệp giảm lợi nhuận, thì cần rút ra bài học.
Chúng ta cần tiếp tục cởi mở hơn nữa trong cách tiếp cận để phát triển du lịch. Ví dụ về phát triển kinh tế đêm, lâu nay chúng ta cứ băn khoăn về tác động của nó đến một số khu vực, nhưng nếu chỉ dùng ánh sáng và câu chuyện để tạo ra sản phẩm kinh tế đêm thì đâu có vấn đề gì”.
Mới nhất, “Sắc màu của lụa”, một chương trình có sự kết hợp giữa nguyên liệu, câu chuyện bản địa với ánh sáng hiện đại cũng như giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp du lịch đã tạo ra một điểm nhấn mới cho du lịch địa phương. Sự kiện sẽ được tổ chức định kỳ trong thời gian tới tại di tích cổng chùa Bà Mụ (Hội An) để tạo thêm sản phẩm về đêm mời gọi du khách.
Năm 2022 có thể xem là thời điểm bản lề cho những chuyển mình mạnh mẽ của du lịch địa phương. Và những kết quả bước đầu cho thấy hy vọng về bước tái sinh mạnh mẽ theo cách rất riêng để du lịch Quảng Nam thực sự xanh và bền vững...
Gỡ "rào cản" chính sách
Tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp ứng phó khủng hoảng hậu Covid-19” do Hiệp hội Du lịch Quảng Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức mới đây, PGS-TS. Phạm Trương Hoàng – Trưởng khoa Du lịch và khách sạn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, ảnh hưởng nặng nhất của dịch đối với doanh nghiệp du lịch chủ yếu là nguồn vốn, biến động thị trường khách và lao động.
Để du lịch Hội An, Quảng Nam phát triển trở lại, ngoài xây dựng không gian du lịch mới và những dòng sản phẩm du lịch mới mang tính địa phương…, UBND tỉnh, Sở VH-TT&DL cần kiến nghị các cơ quan Trung ương điều chỉnh việc cấp và gia hạn visa du lịch cho khách quốc tế đến Việt Nam, thay vì 1 tháng như hiện nay lên 3 - 6 tháng. Việc ban hành các chính sách về du lịch cũng cần trọng tâm, tiếp tục mở rộng các giải pháp về vốn. Khai thông thị trường khách nội địa và quốc tế...
Bà Phạm Thị Thanh Hường – Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhìn nhận, Hội An và Quảng Nam là bài học cho thấy sự kết hợp, phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa các tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan hỗ trợ, cơ quản lý của nhà nước tháo gỡ từng khó khăn trong việc thực thi các chính sách.
“Chúng tôi nhận thấy, Hội An cũng đang chuyển qua giai đoạn thích ứng và có các giải pháp cho giai đoạn hậu Covid-19. Bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp du lịch Quảng Nam là làm sao chuyển mình và nhận diện được các cơ hội, nhất là thích nghi với các thị trường mới.
Nỗ lực của địa phương ở cấp độ điểm đến rất mạnh mẽ và có sự phối hợp công tư chặt chẽ nhưng lại đang gặp điểm nghẽn ở thị trường đầu vào, trong đó có nhiều vấn đề cần sự tác động và giải quyết ở cấp vĩ mô như về visa, chính sách hỗ trợ khai thông các nguồn khách. Nếu địa phương không kiến nghị một cách chính thức để tháo gỡ những khó khăn này thì sự cố gắng, nỗ lực ở cấp độ điểm đến sẽ chưa thực sự hiệu quả” - bà Hường nói.