Chiều cuối năm

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT 24/01/2023 06:06

(VHQN) - Phố chiều cuối năm, ồn ã như chững lại, nhường chỗ cho những suy nghiệm về giá trị của đời sống: bao dung và thiết tha, thương mến. Hãy mở lòng khi mùa xuân đang   gõ cửa...

Sớm bình yên. Ảnh: Vũ Công Điền
Sớm bình yên. Ảnh: Vũ Công Điền

Mùa xuân Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh - Nam Bộ? Câu hỏi lẩn thẩn của một người đang tha thẩn trên phố chiều. Đô thị này không phải là tất cả Nam Bộ, nhưng lại là Nam Bộ+ cả nước. Rất riêng, mà lại rất chung.

Trên những đường phố đầy nắng sáng, có sắc tươi của mai vàng mỉm cười bên những cánh đào mang phong vị hơi lạnh mùa xuân xứ Bắc. Hay, giữa biết bao pha lê trong suốt của lanh canh ly tách, cái mát dịu gốm xanh Bát Tràng dường như muốn “kêu lên”, trong hòa điệu cùng đầm ấm nâu vàng của gốm sứ thủ công của đất Biên Hòa - Bình Dương.

Và, từ rất lâu, bánh chưng vuông của “nghĩa đất” trong sự tích Lang Liêu đã trở thành anh em bên cạnh đòn bánh tét dắt bên lưng của những lưu dân trên đường Nam tiến. Đi vào đất mới, lòng người xa xứ không nguôi nỗi nhớ cội nguồn. Những người Quảng Nam đã đem vào đây nghề dệt truyền thống, hình thành làng dệt Bảy Hiền nổi tiếng và cái chợ Bà Hoa với đầy đủ món ăn thân thuộc quê nhà…

Đem xuân về nhà. ảnh: Huỳnh Hà
Đem xuân về nhà. Ảnh: Huỳnh Hà

Một người bạn lớn tuổi lo xa rằng, Sài Gòn giờ đây nhiều siêu thị quá, e đến một lúc nào đấy, những tên chợ như Bà Điểm, Cây Quéo… sẽ dần mất đi chăng? Ý ông bạn hẳn rằng, nét lộn xộn đáng yêu của “khái niệm chợ” sẽ bị cái sạch sẽ của các siêu thị đẩy lùi. Có lẽ, không nên “cáng đáng” quá nhiều cho tương lai như thế.

Bởi, thời gian luôn luôn làm công việc của nó, là: vừa - bôi - xóa - vừa - lưu - giữ… Quả tình, càng lúc, thiên hạ sắm tết càng “công nghiệp” hơn, bằng những món “ready made”, tiện và gọn. Nhưng, bên cạnh nhiều gia đình lạch tạch bia lon, vẫn còn những tách trà nhẹ phả chút hương thơm trên bàn mời khách.

Trong nhiều con hẻm khuya, vẫn bập bùng ánh lửa nồi bánh chưng, bánh tét của vài ba láng giềng chung nhau gói ghém, củi lửa và cùng thức canh. Có phải, dù vô tình hay cố ý, họ muốn tìm ra - giữ lại một điều gì đó, chứ không chỉ là sự tiện lợi? Và, những ánh lửa ấm trong đêm khuya ấy là gì, nếu không là chút hồn dân tộc truyền qua suốt chiều dài lịch sử.

Một người bạn khác, trẻ tuổi và khá thành đạt về địa vị xã hội lại sốt ruột kêu lên: Sao mà các thứ lễ - tục cũ kỹ vẫn chưa chịu biến mất cho rồi. Anh phê phán gay gắt chuyện coi bói, xin xăm vào dịp đầu năm mà ác thay, có không ít người trẻ tuổi tham gia. Anh “cách tân triệt để”.

Có lẽ cũng không cần phải bận lòng quá nhiều đến… quá khứ như thế, anh bạn trẻ tuổi đáng yêu ơi! Bình tâm, anh sẽ nhận ra rằng, chính những gì mà anh gọi là “bóng tối” ấy đã làm nên cái phông, đã tôn thêm nét đa dạng và phong phú cho cái ánh sáng của tương lai mà anh hằng ngưỡng vọng! Như thế đấy. Muốn gọi là gì cũng được.

Là văn hóa (cultural), văn minh (civilization) hoặc bao nhiêu định nghĩa khác. Nhưng, cốt lõi của cái thực thể phức tạp và sống động ấy, có lẽ là cái đà sống (élan vital)? Không gì ngăn chặn được. Không gì phá hủy nổi. Và như thế, xin dang tay mời cả hai người bạn cùng… nâng cốc. Để nói rằng, ấy là mùa - xuân - rộng - rãi, là cái tết - thực - thà.

Cuối năm, những đứa con đi xa trở về nhà. Ảnh: P.H
Cuối năm, những đứa con đi xa trở về nhà. Ảnh: P.H

Có phải một đức tính đáng yêu của người Sài Gòn là lòng mến khách, đang dần nhạt đi? Có phải, sự giản đơn của nếp sống công nghiệp đã vô hình tước đoạt ý nghĩa đoàn tụ gia đình trong dịp tết? Và còn bao nhiêu câu - hỏi - cần - thiết khác đang chờ đợi được trả lời…

Về được - mất, còn - không. Đấy không phải là những suy niệm siêu hình về lẽ tồn vong của kiếp nhân sinh, mà là tấm lòng của người công dân đối với đất - nước. Và, có lẽ nên bình tâm. Bởi, nhịp sống đổi thay liên tục rồi sẽ trả lời cho chính sự tồn tại của nó. Dẫu chỉ mới xuất hiện như những biểu hiện bên ngoài, thì cội nguồn vẫn là điều chưa hề mất đi trong lòng người Việt...

Cuối năm. Bên những ly rượu con trên vỉa hè, thường cháy lên nỗi niềm xa xứ. Và một chút đắng của nồi buồn.

Cuối năm, bên cái quán cóc ven đường, những chiếc lá rụng nhiều hơn. Tiếng lá khô vỡ dưới chân người qua bỗng giòn hơn, gợi nhớ đến sự dọn dẹp của những vùng ẩm tối, trong vẻ đẹp của sự thô thiển đáng yêu.

Tiếng lá còn nói rằng, mọi sự rồi sẽ kết thúc (cũng như sẽ bắt đầu). Như những đôi mắt, trước khi nhắm lại, sẽ nói với những người đang tiếp tục sống, rằng, chúng đã tìm kiếm - đón chờ. Và đã gặp mùa xuân đích thực: trái tim người.

Bên dưới bóng tối hàng cây đang thẫm lại, vô hình những chồi non đang nứt ra ánh sáng của những ngày mới…

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT