Dùng người như dùng gỗ
Năm 1947, trong thư “Gửi các đồng chí Trung Bộ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chúng ta phải nhớ rằng: người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tùy chỗ mà dùng được”.
Trong bài “Nhân tài và kiến quốc” đăng trên báo Cứu Quốc số 91 ra ngày 14/11/1945, Bác viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển nhiều thêm”. Theo Bác, sử dụng nhân tài phải biết “tùy tài mà dùng người”, phải dùng đúng người, đúng việc, đúng năng lực sở trường của họ.
Theo “Lịch sử Biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam” (NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2008), năm 1940, lần đầu tiên khi gặp các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp ở Côn Minh, Trung Quốc, Bác đã cử đồng chí Phạm Văn Đồng đi học chính trị, đồng chí Võ Nguyên Giáp đi học quân sự…
Và niềm tin khi đặt vào những nhân tài Bác nhìn ra và dùng đúng chỗ đã được đền đáp xứng đáng. Hay như việc Bác sắp xếp ông Nguyễn Lương Bằng làm công tác kiểm tra Đảng, bởi đó là con người mẫu mực, chí công vô tư; chọn ông Trần Tử Bình phụ trách công tác luật pháp quân sự; giao ông Hồ Tùng Mậu làm Tổng Thanh tra Nhà nước… đều là những người hết lòng vì dân vì nước.
Một trong những minh chứng về phép dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với nhân tài của đất Quảng là đã mời cụ Huỳnh Thúc Kháng (quê Tiên Phước) ra giúp việc nước. Cụ Huỳnh là một trí thức ngoài Đảng nhưng nổi tiếng tài năng, đức độ và lòng yêu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách mời cụ ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Năm 1946, khi có việc đi Pháp, Bác quyết định giao cụ Huỳnh làm quyền Chủ tịch nước. Niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt đúng chỗ. Suốt thời gian Bác đi Pháp, ở trong nước, cụ Huỳnh luôn giữ vững phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, giải quyết tốt việc quốc nội, giữ được thế phát triển của cách mạng trong lúc hiểm nghèo, góp phần ngăn chặn và đập tan âm mưu phá hoại của các thế lực phản động.
Tại hội thảo nhân kỷ niệm 140 năm Ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng, do Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức (năm 2016), PGS-TS. Nguyễn Ngọc Hà (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định: “Người đã “thổi cháy lại đốm lửa nhiệt tình ái quốc” trong con người cụ Huỳnh Thúc Kháng chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với trường hợp cụ Huỳnh, có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì và kiên quyết nhất. Mời lần thứ nhất, cụ Huỳnh chưa ra, Người mời lần thứ hai. Cụ Huỳnh ra gặp nhưng chưa nhận trọng trách, Người kiên trì trực tiếp thuyết phục và đề nghị những người khác cùng thuyết phục.
Vị trí - trọng trách giao cho cụ Huỳnh, Người đã định sẵn và chỉ cụ Huỳnh được lựa chọn vào vị trí ấy mà thôi, dù ngày công bố Chính phủ đã cấp bách nhưng Người vẫn kiên trì vận động, chờ đợi. Cũng chỉ có Hồ Chí Minh mới đủ tâm trí và tài năng để mời được cụ Huỳnh Thúc Kháng - “Một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết”.
Theo chia sẻ của GS-TS. Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), trọng dụng cụ Huỳnh Thúc Kháng vào vị trí Bộ trưởng Bộ Nội vụ và đặc biệt là vào chức trách quyền Chủ tịch nước năm 1946 là “một trong những hành động đáng ngạc nhiên”. Nhưng, xét về tính logic của thực tế thì điều này không có gì lạ. Bởi, trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh cần một người hiền tài như cụ Huỳnh.
Hồ Chí Minh là một hình mẫu về tài dùng người. Không có những cán bộ tài đức thì dân tộc Việt Nam không thể phát triển thành một quốc gia “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như “điều mong muốn cuối cùng” của Người đã viết trong Di chúc. Và qua trường hợp trọng dụng cụ Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng việc coi trọng nhân tài lên thành đỉnh cao của “nghệ thuật dùng người”.