Chuyện của người nặng nợ
(Xuân Quý Mão) - Suốt cuộc trò chuyện với ông, tôi như đọc được nỗi trăn trở về sự phát triển của vùng đất công nghiệp Chu Lai. Chuyện cũ kể lại, không phải để nhắc công trạng mà để thấy vẫn còn những món nợ chưa trả được.
Đã rời cương vị Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai, nhưng sự đóng góp của ông Nguyễn Văn Chúng cả trong quá khứ và những kinh nghiệm hữu ích cho tương lai luôn được trân quý.
Đồng hành từ buổi sơ khai
Những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ 20, người ta rầm rộ bàn về một khu kinh tế mở (KTM) ở vùng đất nghèo Quảng Nam, cũng là lúc ông Nguyễn Văn Chúng tham gia Ban Vận động thành lập Khu KTM Chu Lai. Ông đảm nhiệm vai trò là Giám đốc Trung tâm Địa chính xây dựng của ban vận động. Trung tâm có nhiệm vụ cùng với ban vận động đưa ra các chiến lược quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý nhiệm vụ đầu tư xây dựng.
Những đóng góp của Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai nói chung và cá nhân anh Chúng nói riêng trong suốt giai đoạn đầu là rất đáng kể. Anh Chúng là một người có năng lực và rất tâm huyết với sự phát triển chung của Khu KTM Chu Lai.
(Ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam)
Ông Chúng nói: “Nhớ lại thời ấy, anh em ai cũng không khỏi bỡ ngỡ khi nhận nhiệm vụ mới. Nhiệm vụ khá nặng nề trong bối cảnh sơ khai, cái gì cũng mới, phải vừa làm vừa khăn gói học hỏi.
Mới đầu, thực sự chưa ai hiểu gì nhiều về KTM, khi được đi học hỏi thì mới khai mở được mảng tư duy mới, dần dà rồi mới hiểu, mới làm được.
Lúc ấy, giữa miền đất nghèo, cát trắng nắng cháy, làm KTM, ai cũng không thôi lo lắng. Cả tỉnh cùng tập trung, xem đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu nên mỗi người mỗi việc, cứ vậy mà làm cho ra hình hài”.
Ban Vận động thành lập Khu KTM Chu Lai đã dốc sức cùng với tỉnh làm những phần việc cần thiết, từ năm 1999 đến 2003 thì Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập khu KTM.
Lúc này, Ban Quản lý Khu KTM Chu Lai cũng ra đời, ông Chúng tiếp tục làm việc tại ban quản lý, cùng với các nhà đầu tư, xây dựng hạ tầng Khu KTM Chu Lai trong vòng 2 năm.
Bước ngoặt gắn ông với vai trò là chủ đầu tư hạ tầng và kêu gọi đầu tư vào Khu KTM Chu Lai vào năm 2005, khi ông được tỉnh điều động giữ vai trò Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai. Kể từ đây, công ty do ông giữ vai trò dẫn dắt đã bắt đầu lớn mạnh cùng Chu Lai.
Với vai trò mới là xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) trong Khu KTM Chu Lai, ông Chúng cùng cộng sự làm việc không ngừng nghỉ để thu hút được những dự án hiệu quả vào KCN Bắc Chu Lai.
Để hoạt động hiệu quả hơn, ông Chúng đã đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh chuyển Công ty Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai thành Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai vào năm 2011. Kể từ đó, nhiều dự án lớn đã được kêu gọi về với Chu Lai.
Khớp nối vệt phát triển của Chu Lai
Ông Chúng kể: “Chu Lai thành lập và phát triển được hơn 10 năm, TP.Tam Kỳ cũng nằm trong vệt phát triển của Khu KTM Chu Lai, nhưng hơn 10 năm vẫn chưa có gì của KTM ở Tam Kỳ.
Vậy là năm 2014, Tam Kỳ đã có ý kiến đối với việc phát triển một KCN xứng tầm, để Khu KTM Chu Lai thực sự phát triển như quy hoạch ban đầu. Thế là Tỉnh ủy, UBND tỉnh lại giao nhiệm vụ cho chúng tôi.
Lúc này, thực sự muốn có được KCN Tam Thăng và làm thành công, chỉ có thể làm bằng tâm huyết, trách nhiệm, bằng cách nào đó thì đơn vị được giao làm chủ đầu tư phải dám làm dám chịu.
Tôi cùng với tập thể công ty đã cùng nhau vượt qua thử thách lớn này, đến ngày 24/3/2015 thì khởi công đầu tư hạ tầng KCN Tam Thăng để chào đón những nhà đầu tư FDI về với Tam Thăng”.
Một chi tiết “đột phá” của KCN Tam Thăng mà hôm nay ông Chúng mới kể, đó là dự án của KCN Tam Thăng quy định nhà đầu tư phải đóng tiền thuê hạ tầng, đất đai trong KCN là 15 USD/m2 trong năm đầu tiên, nhưng khi ông làm việc với vị Chủ tịch Tập đoàn Panko, ông ấy nói rằng nếu Panko đầu tư vào Tam Thăng thì giá thuê là 5 USD/m2.
Đổi lại, Panko sẽ ứng trước nguồn tiền thuê đất để bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng KCN, đồng thời đầu tư nhà máy xử lý nước thải KCN. Ông Chúng không dám quyết định, xin ý kiến của tỉnh. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã giao trách nhiệm cho ông với tư cách là chủ đầu tư thì hoàn toàn có quyền quyết định.
Ông Chúng nói: “Lúc ấy, tôi phải đấu tranh tư tưởng, tính toán thiệt hơn đủ đường. Sau nhiều đêm suy nghĩ, HĐTV công ty đã thống nhất đồng ý với dự án của Panko, bởi nếu tính kỹ thì cái được nhiều hơn. Panko vào thì sẽ có tiền để thực hiện việc đầu tư đồng bộ hạ tầng KCN, các dự án phụ trợ của Panko cũng sẽ vào KCN.
Nhà máy xử lý nước thải do Panko đầu tư cũng là trước nay chưa có tiền lệ, bởi chưa có nhà đầu tư thứ cấp nào đi đầu tư nhà máy xử lý nước thải KCN cả, mà đây là trách nhiệm của chủ đầu tư hạ tầng KCN. Thế nên, quyết định đồng ý với giá thuê đất của Panko trong năm đầu tiên đã cho kết quả mỹ mãn như hôm nay. Giá thuê đất đã tăng qua từng năm, đến nay đã là 40 USD/m2”.
Sự phát triển của KCN Tam Thăng hôm nay, với các dự án lớn của Panko, Hyosung... có tổng giá trị đầu tư FDI đã đạt hơn 600 triệu USD. Và KCN Tam Thăng mở rộng, với dự án đầu tiên của Hyosung cam kết đầu tư 1,3 tỷ USD đang dần hình thành, khớp nối KCN Tam Thăng thành một dải nối liền Tam Kỳ - Thăng Bình trong chuỗi phát triển của Khu KTM Chu Lai. Khoảng 19 nghìn người được giải quyết việc làm ở KCN Bắc Chu Lai và KCN Tam Thăng.
Dù vậy, ông Chúng vẫn chưa thôi trăn trở: “Từ ngày đầu, trong quy hoạch Khu KTM Chu Lai có khu thương mại tự do chưa hình thành, sân bay Chu Lai trở thành sân bay trung chuyển quốc tế lớn của khu vực thì đến nay vẫn chưa làm được. Tôi mong là tôi sẽ nhìn thấy được điều đó trong tương lai không xa”.