Ating Toàn vượt lên đỉnh núi
(Xuân Quý Mão) - Ước mong thành thầy giáo mang kiến thức truyền dạy con em đồng bào miền núi đã giúp Ating Toàn trở nên mạnh mẽ vượt qua chuỗi ngày gian khó...
Gần 10 năm trước, từ làng Gừng, thị trấn P’rao, Đông Giang, Ating Toàn (SN 1994) bước qua ngọn núi, mang hành trang ra Huế chinh phục ước mơ đời mình. Câu chuyện về chàng trai Cơ Tu nghèo, mồ côi cha mẹ nhưng rất ham học nhanh chóng lan truyền khắp vùng, trở thành tấm gương được già làng “minh họa” dạy bảo con cháu…
Không chùn bước
Tôi không xa lạ gì Ating Toàn. Nhiều năm trước, khi hay tin Toàn đậu một lúc hai trường đại học, tôi ngược núi tìm đến làng Gừng để động viên. Lúc đó, Ating Toàn không ở nhà, nhiều ngày theo chân anh chị gặt lúa trên rẫy nên ở lại chòi duông. Bây giờ, khi đã là giáo viên của Trường THPT Quang Trung, dù bận rộn chuyện dạy học nhưng chưa lúc nào Toàn quên công việc gia đình.
“Ông Hội đồng” trẻ nhất huyện
Sau những nỗ lực đóng góp cho ngành giáo dục địa phương, năm 2021 Ating Toàn được đề cử và trúng cử đại biểu HĐND huyện Đông Giang nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trở thành đại biểu HĐND trẻ nhất huyện khi vừa bước sang tuổi 27, nhiều đề xuất, kiến nghị của Ating Toàn được đánh giá sát với thực tiễn đời sống vùng cao, nhất là phương pháp quản lý, điều hành giáo dục, được hội đồng ghi nhận.
Ating Toàn nói, cú sốc đầu tiên của anh là khi chứng kiến cha mẹ lần lượt qua đời. Điều đó khiến anh mất khá nhiều thời gian để cân bằng cảm xúc. “Hồi đó, mình cũng không nghĩ bằng cách nào có thể vượt qua mọi chuyện. Điều duy nhất mình nhớ, là lời căn dặn phải gắng học của mẹ” - Toàn tâm sự.
Nhiều tháng buồn bã, có lúc người ta thấy Toàn ngồi trầm tư ở góc nhà, mắt chăm chú nhìn lên di ảnh người quá cố. Lo lắng cho sức khỏe của em, vợ chồng người anh đón Toàn về sống chung, động viên việc học tập. Đó là năm Ating Toàn vừa mới bước chân vào THCS.
Không chùn bước trước số phận, Toàn trở nên mạnh mẽ, nhiều năm sau đó liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm 2012, Ating Toàn đậu một lúc hai trường đại học (Đại học Quảng Nam và Đại học Ngoại ngữ Huế). Sau nhiều hồi đắn đo, anh chọn học Sư phạm tiếng Anh - Trường Đại học Ngoại ngữ Huế. Anh ra trường với tấm bằng loại giỏi, trở thành thầy giáo truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ ở quê nhà, như bây giờ.
“Lý do mình chọn tiếng Anh là bởi khả năng tiếp thu bộ môn này của học sinh miền núi còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, người thiểu số vốn có lợi thế phát âm tiếng Anh khá chuẩn, vì thế nếu biết vận dụng khả năng tư duy nhạy bén, phát huy lợi thế một cách hiệu quả, cơ hội sẽ mở ra trước mắt” - Ating Toàn chia sẻ.
Dệt ước mơ hoa
“Chẳng có thứ gì tự nhiên mà có”, tôi nghe ai đó nói về điều này và nghiệm ra mọi chuyện rất đúng với Ating Toàn. Suốt 4 năm đại học, Toàn làm đủ thứ nghề để trang trải cuộc sống, từ dạy thêm, phụ bán cà phê cho đến phục vụ ở quán bar. “Một công hai ba chuyện”, thời gian làm quán bar tiếp xúc với nhiều khách Tây giúp Toàn có cơ hội trau dồi tiếng Anh.
Miệt mài dạy học, lớp học trò của thầy Toàn nay cũng có người trở thành giáo viên tiếng Anh, tiếp nối niềm tin truyền cảm hứng cho cộng đồng. Như cô gái trẻ Cơ Tu - Bríu Thị Bùm Diều (ở xã Tà Lu, Đông Giang), sau tháng năm đèn sách đã tốt nghiệp Sư phạm tiếng Anh (Trường Đại học Ngoại ngữ Huế). Bùm Diều vừa trúng tuyển kỳ thi viên chức, theo bước chân thầy giáo cũ chọn dạy học tại miền núi như một cách trả ơn vùng đất quê.
Những năm gần đây, Ating Toàn trở thành “gương mặt thân quen” của ngành giáo dục Quảng Nam, khi anh tham gia thành viên hội đồng giám khảo các kỳ thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi toàn ngành cho đến danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Mới đây nhất, anh được vinh danh “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” tại chương trình tri ân thầy cô của Tỉnh đoàn Quảng Nam vì có thành tích xuất sắc trong chuyên môn, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và nhiệt tình trong phong trào đoàn - đội tại địa phương. Hiện Ating Toàn đang hoàn thiện chương trình đào tạo thạc sĩ tiếng Anh, giúp nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ giảng dạy tại trường.
Vượt lên đỉnh núi khó nhọc, giờ đây Ating Toàn ấp ủ mở một trung tâm đào tạo, nâng cao kỹ năng tiếng Anh cho cộng đồng. Nếu dự án này trở thành hiện thực sẽ kết nối mở rộng và khuyến khích việc học Anh văn tại địa phương miền núi Đông Giang, hướng đến phục vụ du lịch.