Góc nhìn đa chiều trong giảm nghèo
(Xuân Quý Mão) - Giảm nghèo đa chiều được thực hiện nhằm tăng việc làm, tạo sinh kế bền vững, cải thiện các dịch vụ xã hội. Nhưng với hộ nghèo ở vùng miền núi cao, tính dễ bị tổn thương và chênh lệch vùng miền vẫn là những thách thức.
Với chuẩn nghèo đa chiều mới, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh trong năm 2022 là 7,59%, đồng nghĩa với việc 33.127 hộ nghèo cần được tác động giảm nghèo đa chiều từ các chính sách và chương trình mục tiêu quốc gia về bảo trợ xã hội và giảm nghèo trong giai đoạn 2022 - 2025.
“Khoảng chênh” ở miền núi
Việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều từ đầu năm 2022 đã trở thành thước đo để xác định mục tiêu, theo dõi tình trạng nghèo và hoạch định chính sách phát triển. Tuy nhiên, tình trạng nghèo tồn tại trong các nhóm dân tộc thiểu số là một thách thức đối với Quảng Nam...
Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh đã giảm, nhưng tỷ lệ này vẫn còn cao ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những khoảng chênh trong thực tế về tỷ lệ hộ nghèo, thực trạng hộ nghèo ở miền núi - đồng bằng vẫn còn rất lớn.
Ông ALăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh phân tích: “Ở miền núi của tỉnh, hộ nghèo sinh sống trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Có nhiều nhu cầu tối thiểu không thể đáp ứng bằng tiền.
Thực tế cho thấy, không ít trường hợp không nghèo vì thu nhập mà lại nghèo do khó tiếp cận các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục, thông tin. Khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế đã được cải thiện, nhưng vẫn còn chênh lệch, đặc biệt là giữa y tế tuyến trên và y tế cơ sở. Về giáo dục và tiếp cận thông tin thì miền núi rất chênh lệch so với đồng bằng”.
Kết quả khảo sát năm đầu tiên áp dụng chuẩn nghèo đa chiều từ cuối năm 2021 đến nay, hộ nghèo của tỉnh tăng cao hơn do rơi vào các chỉ số thiếu hụt, nhất là 3 chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản gồm trình độ giáo dục cho người lớn, nhà tiêu hợp vệ sinh, chất lượng nhà ở.
Do vậy giai đoạn mới, đầu tư cho giảm nghèo cần đầu tư đa chiều, bằng cách tích hợp tất cả chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai trên địa bàn miền núi, khu vực khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tác động vào nhiều tiêu chí
Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng giảm nghèo bền vững không chỉ là tác động vào việc gia tăng thu nhập mà còn ở nhiều tiêu chí khác. Đầu tư cho vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện các chính sách là cần thiết để khuyến khích, cải thiện việc làm, cải thiện việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng và nâng cao khả năng tiếp cận đối với cộng đồng ở vùng sâu vùng xa.
“Kiểu đầu tư sinh kế đầu năm, cuối năm đăng ký thoát nghèo không phải là giải pháp bền vững, bởi sinh kế phải trải qua thời gian, có khi 5 năm mới gọi là bền vững. Chuẩn nghèo đa chiều rất chú ý tới việc phải bảo đảm mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin) gắn với mục tiêu phát triển bền vững, giảm khoảng cách chênh lệch vùng miền” - bà Lộc nói.
Nguyên nhân làm cho nghèo đa chiều thì nhiều, nhưng qua rà soát cho thấy, hộ nghèo rơi vào nhóm còn tồn tại nhiều chỉ số thiếu hụt liên quan với nhau. Đó là thiếu sinh kế, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm dẫn đến thu nhập thiếu bền vững.
Hiệu quả kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị kém, chưa giải quyết được vấn đề thiếu đất sản xuất, nhà ở; giảm nghèo về thông tin, cải thiện dinh dưỡng cho người nghèo còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo còn dàn trải, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn...
Một nguyên nhân chung gây đói nghèo của “vùng lõi nghèo” đó thường là những nơi địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng thiếu thốn… Điều này lại hội tụ toàn bộ ở 6 huyện miền núi cao của tỉnh.
Chính vì thế, giảm nghèo đa chiều cho giai đoạn này không gì khác chính là đầu tư vùng miền núi, nâng cao chất lượng đời sống người nghèo theo cái nhìn đa chiều mới, chứ không chỉ là thu nhập. Điều này đang được tập trung thực hiện bằng nhiều chính sách của Trung ương và của tỉnh, nhằm giảm 11.825 hộ nghèo/33.127 hộ nghèo toàn tỉnh trong giai đoạn 2022 - 2025.