Làng Mường giữa núi rừng Trà My
(Xuân Quý Mão) - Câu chuyện về những nếp nhà sàn, biểu tượng cây lát hoa ở bản Mường Trà Giang (Bắc Trà My) là minh chứng rõ nét về sức sống của văn hóa tộc người, cần được bảo tồn, gìn giữ.
Người Mường sinh sống tập trung ở thôn 3 (thôn 6 cũ), xã Trà Giang, Bắc Trà My với hơn 100 hộ dân. Suốt mấy chục năm qua, cộng đồng người Mường đã tạo được bản sắc riêng tại Trà My, từ cách xây dựng nhà, sinh hoạt, tập quán, trồng lúa nước và đón 2 cái tết trong một năm (Tết âm lịch và Tết độc lập 2/9).
Làng Mường Trà Giang được tưới mát bởi những dòng nước trong vắt dẫn từ thác Ông Thực, thác Năm Tầng. Từ xa, khách có thể nhận diện làng bởi những hàng cây lát hoa. Người Mường xem cây lát hoa, nếp nhà sàn là biểu tượng văn hóa tộc người, là hồn cốt quê xứ.
Già làng Bùi Văn Mớp, Bùi Văn Tới và vài người đã có công về quê ở Miền Đồi, Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đem hạt giống lát hoa về ươm trồng dưới những tán rừng để giữ đất, giữ nước, giữ màu xanh núi rừng. Riêng ông Bùi Văn Tới (ngoài 60 tuổi) và các con là người sở hữu nhiều cây lát hoa nhất vùng.
Ông Tới chia sẻ: “Thời đó tôi nhờ người giỏi vào rừng hái những hạt giống lát hoa đem vào Trà My ươm giống rồi trồng rất nhiều trên những quả đồi. Cây lát hoa ở đây sinh trưởng chậm hơn ngoài Bắc nhưng đây là nhóm gỗ quý, rất được người Mường ưa chuộng. Người trồng ít thì dăm bảy cây, nhiều thì cỡ trăm cây xem như là của để dành”.
Ngôi nhà sàn của ông Tới và con trai là anh Bùi Văn Nghiệt nằm giữa rừng cây lát hoa đã kịp phủ màu xanh. Ông Tới và con trai có cả nghìn cây lát hoa trồng trên rừng, vườn nhà. Người Mường quý và xem cây như là thứ tài sản để chia cho các con khi tuổi đã xế chiều.
Căn nhà sàn ông Tới sống cùng vợ và con cháu cũng là căn nhà đẹp nhất vùng. Gặp chúng tôi, ông chợt nhớ lại ngày vợ chồng ông chân ướt chân ráo tới núi rừng Trà My.
Ngày ấy, ông cứ đi, đi mãi, rồi cuối cùng cũng tìm được vuông đất cuối bản Mường ngày nay, nơi có địa hình đẹp nhất, nằm sát bìa suối để dựng chòi, trồng tỉa lo kế sinh nhai. Chăm chỉ làm ăn, vợ chồng ông có cơ ngơi ổn định, họ có tất cả 8 người con, đã yên bề gia thất, nhiều người làm giáo viên, công chức...
Anh Bùi Văn Nghiệt, con trai thứ ba của ông Tới lấy vợ cùng làng Mường. Vợ chồng anh Nghiệt được cha mẹ cho gần 10ha rẫy để trồng keo và lát hoa, 1ha làm vườn và nhà ở kết hợp trồng cỏ nuôi bò. Đến nay, anh Nghiệt đã có cơ ngơi vững chãi...
Theo anh Nghiệt, ngoài cây lát hoa thì nhà sàn chính là bản sắc văn hóa, là hồn cốt quê xứ. Nguyên liệu được sử dụng để dựng nhà sàn là gỗ, thường là các loại gỗ chò chỉ, nghiến, đinh, lát… và nhà có cấu trúc một gian hai chái, hai gian hai chái, ba gian hai chái… Ở bất kỳ hướng cửa sổ nào với người Mường đều được xem rất linh thiêng, là lối dùng để tiễn đưa những người thân sang thế giới bên kia.
Bà Trịnh Thị Hồng Nga - Trưởng phòng VH-TT huyện Bắc Trà My, cho hay gần đây, huyện Bắc Trà My đã chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người.
Cụ thể, hỗ trợ mua sắm nhạc cụ, trang phục, xây dựng lại đội cồng chiêng, tạo điều kiện để bà con biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng, các trò chơi dân gian tại các lễ hội truyền thống của huyện.
“Đáng chú ý, huyện khuyến khích bảo tồn mấy chục căn nhà sàn truyền thống. Hỗ trợ xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, kết nối điểm du lịch thác Năm Tầng, thác Ông Thực tại làng và các điểm nhà sàn đẹp tại đây với các điểm du lịch khác như: Khu du lịch sinh thái Suối Ví (xã Trà Kót), Khu du lịch cộng đồng Cao Sơn (xã Trà Sơn), tạo các điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách. Đó cũng là một hình thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người Mường ở vùng” - bà Nga nói.