Gỡ "rào cản" chính sách
(Xuân Quý Mão) - Tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp ứng phó khủng hoảng hậu Covid-19” do Hiệp hội Du lịch Quảng Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức mới đây, PGS-TS. Phạm Trương Hoàng – Trưởng khoa Du lịch và khách sạn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, ảnh hưởng nặng nhất của dịch đối với doanh nghiệp du lịch chủ yếu là nguồn vốn, biến động thị trường khách và lao động.
Để du lịch Hội An, Quảng Nam phát triển trở lại, ngoài xây dựng không gian du lịch mới và những dòng sản phẩm du lịch mới mang tính địa phương…, UBND tỉnh, Sở VH-TT&DL cần kiến nghị các cơ quan Trung ương điều chỉnh việc cấp và gia hạn visa du lịch cho khách quốc tế đến Việt Nam, thay vì 1 tháng như hiện nay lên 3 - 6 tháng. Việc ban hành các chính sách về du lịch cũng cần trọng tâm, tiếp tục mở rộng các giải pháp về vốn. Khai thông thị trường khách nội địa và quốc tế...
Bà Phạm Thị Thanh Hường – Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhìn nhận, Hội An và Quảng Nam là bài học cho thấy sự kết hợp, phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa các tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan hỗ trợ, cơ quản lý của nhà nước tháo gỡ từng khó khăn trong việc thực thi các chính sách.
“Chúng tôi nhận thấy, Hội An cũng đang chuyển qua giai đoạn thích ứng và có các giải pháp cho giai đoạn hậu Covid-19. Bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp du lịch Quảng Nam là làm sao chuyển mình và nhận diện được các cơ hội, nhất là thích nghi với các thị trường mới.
Nỗ lực của địa phương ở cấp độ điểm đến rất mạnh mẽ và có sự phối hợp công tư chặt chẽ nhưng lại đang gặp điểm nghẽn ở thị trường đầu vào, trong đó có nhiều vấn đề cần sự tác động và giải quyết ở cấp vĩ mô như về visa, chính sách hỗ trợ khai thông các nguồn khách. Nếu địa phương không kiến nghị một cách chính thức để tháo gỡ những khó khăn này thì sự cố gắng, nỗ lực ở cấp độ điểm đến sẽ chưa thực sự hiệu quả” - bà Hường nói.