Dấu ấn kinh tế Nông Sơn
Mặc dù đối diện khó khăn do dịch bệnh và thiên tai, nhưng năm 2022 kinh tế Nông Sơn vẫn tạo được dấu ấn, góp phần nâng cao đời sống người dân và giảm nghèo bền vững.
Kinh tế tăng trưởng khá
Ông Nguyễn Chí Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho hay, năm 2022 thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nhưng nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên kết quả mang lại khả quan.
Trong 2 vụ đông xuân và hè thu năm 2022, nông dân trên địa bàn gieo trồng hơn 2.327ha cây lương thực có hạt và tổng sản lượng đạt 13.007 tấn, tăng 3,68% so với mục tiêu đề ra và tăng gần 24,7% so với năm 2021.
Năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Nông Sơn đạt hơn 83,5 tỷ đồng, đạt 132,4% so với kế hoạch tỉnh giao; trong đó, số thu do huyện quản lý hơn 20,5 tỷ đồng. Trong năm qua, toàn huyện có thêm 62 hộ thoát nghèo, đạt 413% kế hoạch đề ra.
Năm 2023, Nông Sơn đặt ra một số chỉ tiêu chủ yếu, gồm: tổng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế tăng từ 9 - 11% so với năm 2022; thu ngân sách do huyện quản lý đạt hơn 14,5 tỷ đồng (tăng 18,3% so với kế hoạch tỉnh giao); tổng vốn đầu tư xã hội khoảng 250 tỷ đồng; giải quyết việc làm mới cho khoảng 200 lao động; giảm 10 hộ nghèo (theo chuẩn mới)...
Với lợi thế diện tích đất lâm nghiệp khá lớn, những năm qua người dân Nông Sơn huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển mạnh mô hình trồng rừng nguyên liệu theo phương thức sản xuất hàng hóa. Tính đến thời điểm này, toàn huyện có gần 11.000ha keo lai, bình quân hằng năm nông dân khai thác bán ra thị trường 1.800 - 2.000ha. Hiện nay 1ha keo nguyên liệu có giá bán 100 - 110 triệu đồng.
Về chăn nuôi, Nông Sơn ưu tiên hỗ trợ, hướng dẫn người dân đầu tư xây dựng mô hình nuôi bò lai vỗ béo theo hướng thâm canh, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Địa phương có khoảng 200 mô hình nuôi bò lai thương phẩm với quy mô từ 10 - 80 con.
Theo ông Nguyễn Chí Tùng, những năm qua huyện đã quy hoạch 2 cụm công nghiệp (CCN), gồm CCN thương mại - dịch vụ Nông Sơn (xã Quế Trung) với diện tích 15ha và CCN Cấm La (xã Quế Lâm) với diện tích 50ha. Hiện nay, tại CCN thương mại - dịch vụ Nông Sơn đã có 1 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm trang sức đang xây dựng nhà máy và 1 doanh nghiệp may mặc đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.
“Tính đến đầu năm 2023, toàn huyện có hơn 200 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp với các ngành nghề như may mặc, mộc dân dụng, chế biến trầm hương, cơ khí... đang hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 1.000 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng” - ông Tùng nói.
Theo thống kê tổng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế của Nông Sơn năm 2022 đạt 1.639,85 tỷ đồng, tăng 11,09% so với năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 268,24 tỷ đồng (tăng 6,09%), công nghiệp - xây dựng đạt 861,21 tỷ đồng (tăng 11,77%), thương mại - dịch vụ đạt 510,40 tỷ đồng (tăng 12,71%).
Nỗ lực tạo “cú hích”
Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, trong năm 2023, địa phương huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; trọng tâm là hạ tầng giao thông trọng điểm, giao thông kết nối. Đồng thời, tập trung thu hút, kêu gọi đầu tư các công trình khu phố chợ Trung Phước, khu dân cư Bắc Bàu Sen, khu du lịch nước nóng Tây Viên.
“Bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng CCN thương mại - dịch vụ Nông Sơn để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông - lâm sản, công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Cùng với đó, phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương như trầm cảnh, chế biến gỗ…” - ông Hòa nói.
Thời gian tới, theo ông Hòa, Nông Sơn cũng tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả đề án phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Dự kiến, trong năm nay huyện sẽ hỗ trợ 60 vườn phát triển thành các vườn có giá trị kinh tế cao; khuyến khích người dân phát triển mạnh mô hình trồng rừng gỗ lớn theo phương thức sản xuất hàng hóa.
Ông Nguyễn Chí Tùng cho biết, tính đến cuối năm 2022 Nông Sơn đã có 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm Quế Lộc, Quế Trung, Sơn Viên, Phước Ninh.
Năm 2023, huyện tập trung rà soát, đánh giá lại thực trạng xây dựng nông thôn mới. Từ đó, đưa ra những giải pháp phù hợp để nâng chuẩn bộ 19 tiêu chí đối với 4 xã nêu trên và phấn đấu có thêm xã Ninh Phước cán đích nông thôn mới.
“Hiện nay, Nông Sơn đã có 14 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP, gồm 1 sản phẩm 4 sao và 13 sản phẩm 3 sao. Trong năm 2023, huyện sẽ tiếp tục chi khoảng 500 - 600 triệu đồng hỗ trợ các chủ thể phát triển mới ít nhất 4 sản phẩm OCOP” - ông Tùng nói thêm.