Về vùng cao thưởng thức lễ hội
Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, bà con đồng bào Ca Dong tại Làng Lê (xã Trà Don, huyện Nam Trà My) đã rộn ràng lễ cúng máng nước. Đây là thời điểm tuyệt vời để bạn khám phá đời sống vùng cao xứ Quảng cho chuyến du lịch bụi.
Lễ cúng máng nước hay còn gọi là Tết máng nước thường được người Ca Dong tổ chức vào những ngày giao mùa giữa năm cũ và năm mới, hoặc những ngày đầu năm mới.
Như lời già làng Nguyễn Văn Thường, theo quan niệm của đồng bào thì vào mùa này, nguồn nước trong rừng sẽ trong lành, mát mẻ. Xuyên suốt lễ hội là nghi lễ cúng đất trời, thần linh tại đầu nguồn nước, chân cây nêu và nhà già làng. Đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất của người Ca Dong, bởi đồng bào rất coi trọng nguồn nước, xem nước là mạch nguồn sự sống.
Theo phong tục của người bản địa, cứ sau khi thu hoạch mùa màng, để chuẩn bị cho vụ mới, họ bắt đầu sửa sang lại máng nước để tổ chức lễ cúng máng nhằm cầu Thần Nước (Yang Đak) ban nước cho mùa mới đủ đầy, mùa màng bội thu. Đầu cổng dẫn vào Làng Lê, nhiều sợi dây được tước ra từ cây tre trang trí thành đường dẫn vào làng, để báo hiệu làng đang có lễ cúng.
Chuẩn bị cho Tết cúng máng nước, các già làng sẽ họp bàn chọn ngày, rồi triệu tập những thanh niên trai tráng trong làng giao nhiệm vụ làm cây nêu, phát dọn lối đi sạch sẽ vào khu vực dòng suối lấy nước.
Nguồn nước mà dân làng lấy về sử dụng thường ở trong khu rừng già và cách biệt những khu rừng ma. Mỗi làng cũng sẽ chuẩn bị hai con gà trống và một con heo để tế lễ.
Sau khi cây nêu dựng xong, tất cả đàn ông trong làng sẽ mang lễ vật vào địa điểm lấy nước trên dòng suối. Khi già làng thực hiện xong nghi lễ tế thần, từng hộ gia đình sẽ dùng một ống nứa rừng múc nguồn nước dưới suối đã được hòa với tiết gà, tiết heo mang về nhà nhóm bếp nấu cơm. Các thanh niên trong làng sẽ đặt ống dẫn nước xuống khe suối để đưa nước về làng.
“Khi cúng xong, người dân trong làng phải hứa với thần linh luôn sống thẳng thắn, trung thực, không được làm chuyện xấu. Nếu vi phạm lệ làng sẽ bị phạt nộp heo, gà… Nhờ đó mà Tết máng nước là một trong những phong tục giúp cho dân làng chúng tôi sống đoàn kết, hòa thuận, cầu mong điều tốt đẹp hơn sẽ đến trong năm mới” - già làng Thường chia sẻ.
Sau lễ cúng, làng sẽ cùng nhau mổ heo để mừng lễ, uống rượu cần, say sưa ca hát. Sau khi thực hiện xong các nghi lễ cúng máng nước, cả làng sẽ mở hội ăn mừng nguồn nước mới.
Tất cả hộ dân trong làng đều nấu rượu cần, cơm lam để đãi khách. Nhà này sẽ đến thăm nhà khác, nóc này đến thăm nóc khác để cùng uống rượu cần, ăn thịt và chúc phúc cho nhau. Nhiều nóc còn tưng bừng tổ chức đánh cồng chiêng, hát dân ca suốt thời gian diễn ra phần hội để tăng thêm không khí rộn ràng của Tết máng nước.
Những hộ gia đình khá giả còn dự trữ thịt sấy giàn bếp hoặc mổ gà, heo để ăn mừng Tết máng nước. Du khách ghé thăm vùng cao dịp này là cơ hội để thưởng thức các lễ hội đặc sắc của đồng bào với ẩm thực truyền thống độc đáo cùng phong cảnh mang vẻ đẹp say lòng.
Theo UBND huyện Nam Trà My, với đồng bào Ca Dong, nghi thức tổ chức Tết máng nước ở một số vùng của huyện Nam Trà My vẫn được bà con tổ chức thường xuyên hàng năm, nghi lễ vẫn còn khá nguyên vẹn.
Tuy nhiên, tại Làng Lê, thuộc xã Trà Don, Lễ cúng máng nước đã mai một ít nhiều, vì vậy việc phục dựng Tết máng nước nhằm để người Ca Dong bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa tiêu biểu của cha ông mình như múa cồng chiêng, hát ting ting, hát ru…
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Phục dựng, gìn giữ các lễ hội truyền thống, trong đó có lễ hội cúng máng nước của đồng bào không chỉ là gìn giữ nét đẹp văn hóa đặc trưng, mà còn hướng đến phục vụ lại cho bà con trong xu thế phát triển du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa, du lịch xanh. Lễ hội là một phần đời sống của bà con, sau còn phục vụ du khách khi đến Nam Trà My sẽ được trải nghiệm đời sống, văn hóa, hòa mình vào thiên nhiên núi rừng”.