Rau tết yêu thương
Cứ độ cuối tháng 11 âm lịch, đầu tháng Chạp, má gọi điện báo tin: “Năm ni má trồng nhiều cải lắm, có cả hành tím và rau ngò con thích”. Đó là khi tôi thấy tết về, nôn nao đếm ngược, “còn gần tháng nữa về quê với má…”.
Tết với tôi là ký ức thật ấm áp, nhứt là những ngày còn ngoại. Tôi nhớ gian bếp củi mà hai bà cháu thường ngồi hơ tay mỗi buổi tối cuối năm, khi cái lạnh tràn về vùng quê miền Trung của mình. Lạnh cũng là dấu hiệu của tết, khi được khoác chiếc áo len do má tự tay đan, ấm áp đến khó tả.
Thời tiết những ngày cuối năm lành lạnh kéo dài, thi thoảng có mưa nên có thể gieo rau, trồng ngò. Ngoại tôi thường làm hàng rào vườn rau tết bằng mớ nan tre hoặc cây khoai mì dựng thành một “thành lũy” thật kín để đám gà không thể “ghé thăm”, bươi phá.
Tôi được giao nhiệm vụ trông gà cho vườn rau tết. Thời đó, nhà nào nuôi được nhiều gà hay có một chú heo đang độ tuổi lớn có thể xuất chuồng được thì sẽ có cái tết ấm no hơn.
Vườn rau tết của ngoại tôi luôn tốt tươi nhất xóm do “ngoại có tay trồng rau”, má tôi nói. Thực ra, rau nhà tôi tốt tươi hơn còn có cả phần đóng góp của tôi: trông gà kỹ và thường gánh nước tưới rau sáng chiều.
Cũng may, cái giếng của cả xóm dùng chung khá gần nhà tôi nên chuyện gánh nước tưới rau không quá khó. Có lẽ nhờ gánh nước mà đôi vai tôi chắc chắn, vững chãi hơn. Hóa ra, cơ cực tuổi thơ cũng giúp mình nhiều thứ, nhất là sự rắn rỏi trong cuộc sống khi một mình bươn chải ở Sài Gòn khi chọn đời sống tha hương.
Ngoại mất cũng gần 20 năm. Má vẫn giữ truyền thống trồng rau tết. Một ít cải, ít ngò, ít hành, ít dưa leo... Hành tím thì sẽ đào lên trước tết, chừng 20 tháng Chạp.
“Củ hành tím xào hoặc kho với thịt heo là món ngoại thích”, má vẫn nhớ sở thích ăn uống của ngoại. Ngoại cũng ăn rau sống nhiều, nhứt là rau cuốn với bánh tráng, thịt heo.
Đây cũng là đặc sản quê, nhưng hồi xưa nghèo khó nên chỉ đến tết mới được ăn. Bây giờ về quê muốn ăn lúc nào cũng được vì thời nay thực phẩm không thiếu. Kể cả món rau ngò cũng có quanh năm, hồi xưa mùi rau ngò là một trong những mùi tết thân thương của tôi.
Thực sự, thời nay ăn gì cũng có và không quá đắt đỏ như trước, nhưng người quê lại lo thực phẩm không an toàn do sử dụng chất tăng trưởng, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học quá nhiều. Do vậy, rau tết má trồng là sản phẩm chất lượng và quý nhất.
Những luống rau của má sau này diện tích nhiều hơn và tươi tốt hơn xưa nhờ nằm ở ruộng lúa trước nhà. Đám ruộng không còn trồng lúa mà chuyển sang trồng rau quanh năm vì có con kênh chạy ngang, dẫn nước từ đập làng chảy qua, không còn phải trông trời nữa. “Nhưng rau mùa tết là ngon nhứt do trời lạnh, lá mơn mởn hơn”, má chia sẻ.
Có năm, tôi về trước ngày đưa ông Táo, được bao sái nhà cửa cùng má và “thu hoạch” rau tết trong niềm vui rộn rã của hai má con. “Nhà mình có tết khi con về đó”, má nói mà thương quá chừng.
Ngoại không còn nên ba ngày xuân, má nấu cúng cơm thường giản đơn - những món hồi xưa ngoại thích. Cúng kính là sự tưởng nhớ, là cách tri ân, má tôi dạy như vậy. Trong đó, không thể thiếu món mỳ Quảng đầy ắp rau và cả bánh tráng mè, nướng lên thơm lừng gian bếp.
Bánh tráng cũng là sản phẩm nhà làm khi má với dì Ba tự xay bột, tự tráng và phơi trên chiếc lồng mà bên dưới trải đầy than củi. Mùi bánh khô giòn, mùi ngò thơm và rau cải hăng hăng quyện hòa cùng vị béo của thịt đã trở thành món ngon bắt miệng trong những ngày tết, khó quên.
Theo thời gian, bếp củi của ngoại không còn. Tôi thèm mùi khói bếp ngày xuân. Cũng may, má vẫn giữ nếp xưa, trồng rau ăn tết. Mớ hành, ngò, ít dưa leo, rau cải non và cả bắp cải vẫn để ở trong tủ bếp chờ con cháu về thắp nhang cho ngoại và dọn ra trong sự sum vầy.
Đây cũng là khoảng thời gian ấm cúng để người lớn nhắc con cháu nhớ về những người đã về bên kia núi cùng những tính tốt, sự nhân hậu, với niềm tri ân, để con cháu có điểm tựa yên bình và neo giữ lòng mình…