"Quyền lực mềm" của văn hóa Hàn Quốc
Với khả năng tiếp cận toàn cầu trên các nền tảng trực tuyến như Netflix và YouTube, phim truyền hình, điện ảnh và nhạc pop Hàn Quốc tiếp tục thống trị vào năm 2022, mang về hàng tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc mỗi năm.
Bộ phim truyền hình ăn khách của Netflix - Squid Game (Trò chơi con mực) một lần nữa làm nên lịch sử cho phim ảnh Hàn Quốc khi giành tổng cộng 6 giải thưởng trên tổng số 14 đề cử tại Emmy Awards 2022 bao gồm hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất - Lee Jung-jae, Đạo diễn xuất sắc nhất - Hwang Dong-hyuk.
Emmy là giải thưởng danh giá bậc nhất trong ngành phát thanh truyền hình của Mỹ và được xem là Oscar của thể loại truyền hình. Trước đó, bộ phim Parasite (Ký sinh trùng) của Hàn Quốc giành 3 giải Oscar năm 2020.
Đạo diễn Park Chan-wook và nam diễn viên Song Kang-ho lần lượt mang về giải thưởng cho phim Decision to Leave (Buông bỏ để yêu thương) và phim The Broker (Người môi giới) tại liên hoan phim Cannes tại Pháp năm ngoái.
Cạnh đó, hạng mục K-pop mới được thêm vào giải thưởng âm nhạc Mỹ, hay thành viên Jungkook của nhóm nhạc nổi tiếng BTS tham gia biểu diễn tại lễ khai mạc sự kiện thể thao toàn cầu World Cup 2022 ở Qatar…
Theo thống kê, chỉ tính riêng nhóm nhạc đình đám BTS đóng góp giá trị hơn 4,5 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc năm 2020, chiếm 0,3% tổng GDP của nước này. Đối với người dân xứ sở kim chi, văn hóa cũng chính là là niềm tự hào dân tộc.
Nội dung Hàn Quốc (K-content) thực sự đang gây bão trên toàn thế giới, được xem như sự trỗi dậy toàn cầu của “quyền lực mềm” Hàn Quốc.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Nội dung sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA), xuất khẩu văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc bao gồm nhạc pop, phim truyền hình, phim điện ảnh, chương trình truyền hình giải trí và trò chơi lập kỷ lục mới vào năm 2021 khi đạt 13,5 tỷ USD - tăng 13,9% so với năm trước đó. Hàn Quốc xếp thứ 12 trên thế giới về “quyền lực mềm” vào năm 2022, theo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu của Brand Finance.
Làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) bắt đầu từ khoảng 20 năm trước, đạt được sức hút ở châu Á với sự nổi tiếng của các bộ phim truyền hình dài tập như A Wish Upon A Star (Ước mơ vươn tới một vì sao) năm 1997, Winter Sonata (Bản tình ca mùa đông) năm 2002 và Nàng Dae Jang Geum năm 2003.
Chuyên gia nội dung Noh Ga-young - người từng làm việc tại công ty giải trí khổng lồ CJ Entertainment cho rằng thành công của nội dung Hàn Quốc là nhờ sức hấp dẫn toàn cầu với những sáng tạo đầy mới mẻ. Các công ty công nghệ ở thung lũng Silicon giúp nội dung Hàn Quốc đạt được sức hút quốc tế với các dịch vụ phát trực tuyến.
Kim Bong-je - người đứng đầu bộ phận quản lý nghệ sĩ tại Why Not Media cho biết nền kinh tế sáng tạo cũng góp phần vào sự bùng nổ nội dung Hàn Quốc.
“Từ những người phát trực tiếp trò chơi cho đến những người có ảnh hưởng về sắc đẹp hay những người sáng tạo kỹ thuật số cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa nội dung Hàn Quốc trở thành một xu hướng ở Mỹ và các nơi khác trên thế giới. Nhiều nhà sản xuất chuyển sân chơi của họ sang YouTube, không có giới hạn về thể loại và tuổi tác, đồng thời tung ra các chương trình của riêng họ trên nền tảng kỹ thuật số” - Kim Bong-je cho biết.
Kim - đồng tác giả của chương trình giải trí 2023 Content is Everything dự đoán rằng xu hướng hội tụ (như sự hội tụ của phim truyền hình và chương trình giải trí) và nội dung dạng ngắn sẽ trở nên phổ biến hơn vào năm 2023.