Nhật Bản sử dụng robot thú cưng để trị liệu tâm lý
(QNO) - Khi Covid-19 khiến sự cô đơn hiện diện khắp mọi nơi, người Nhật có xu hướng chuyển sang sử dụng robot trị liệu để được an ủi và “chữa lành” tinh thần.
Noriko Yamada đã đặt mua chú chó Koro khi mẹ chồng cô bắt đầu có dấu hiệu mất trí nhớ cách đây vài năm. “Mẹ tôi đã ngừng cười và nói chuyện. Nhưng khi chúng tôi khởi động chú chó và nó ngước nhìn, hành vi của bà ấy thay đổi 180 độ” - Noriko nói với CBS News. Không chỉ đơn thuần là người bạn tinh thần, chú chó Koro thậm chí đã cứu sống mẹ chồng Noriko khi kịp thời báo cho bác sĩ lúc bà lên cơn đau tim.
Trong khi đó, robot Qoobo của công ty Yukai Engineering đã bán được hơn 30.000 chiếc vào tháng 9 với giá khởi điểm 200 USD. Nhiều chiếc trong số đó được mua bởi người bị căng thẳng khi làm việc tại nhà trong mùa dịch, theo như thông tin Giám đốc điều hành Shunsuke Aoki nói với CBS News.
Năm 1993, Viện Khoa học và công nghệ công nghiệp tiên tiến quốc gia Nhật Bản bắt đầu xây dựng một robot đồng hành được gọi là Paro. Hàng nghìn robot Paro sau đó đã được đưa vào sử dụng trên toàn thế giới, giúp giảm căng thẳng cho trẻ em trong phòng chăm sóc đặc biệt ICU, điều trị cho các cựu chiến binh Mỹ bị ám ảnh cưỡng chế và giúp đỡ bệnh nhân sa sút trí tuệ.
Giống như những thú cưng bằng xương bằng thịt thực sự, Paro được chứng minh là có khả năng kích thích hoạt động của não bộ, giúp kết nối lại những vùng bị tổn thương. Năm 2009, Paro đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ FDA chấp thuận là thiết bị y tế loại 2.
Những người trưởng thành mệt mỏi không phải là người Nhật duy nhất chuyển sang sử dụng robot. Tại trường mẫu giáo Moriyama ở thành phố Nagoya, miền trung Nhật Bản, robot đang thay thế chuột lang hoặc thỏ trong lớp học truyền thống để giúp học sinh giảm lo lắng và trở nên thấu cảm hơn.
Hai năm trước, trường mầm non này đã mua một cặp robot có tên Rice Cake và Cocoa.
“Học sinh của chúng tôi xem những con robot này như những thực thể sống. Các robot đã khuyến khích bọn trẻ chăm sóc mọi thứ tốt hơn, tử tế và hợp tác với nhau hơn” - Hiệu trưởng Kyoshin Kodama cho biết.
Cùng trong làn sóng phát triển robot trị liệu tại Nhật, Lovot được lập trình để tự điều hướng theo môi trường xung quanh, ghi nhớ chủ nhân và đáp lại những cái ôm cũng như những tình cảm khác. Robot thông thường được bao bọc bởi lớp kim loại cứng và lạnh nhưng nhiệt độ cơ thể của Lovot được đặt ở mức 37 độ C để tạo ra cảm giác ấm áp. Lovot đã ghi nhận doanh số bán hàng tăng gấp 11 lần.
Nhà sáng chế Takanori Shibata khẳng định với CBS News rằng các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh lợi ích của các robot thú cưng như một liệu pháp không dùng thuốc hiệu quả. Tương tác với chúng có thể giúp con người cải thiện chứng trầm cảm, lo lắng, đau đớn cũng như tâm trạng buồn bã.