Kể tên xứ đất Tam Kỳ

PHÚ BÌNH 11/01/2023 15:59

(QNO) - Ở Quảng Nam, tên các xứ đất xưa được lưu giữ bền vững trong các bài văn cúng và trong các văn khế, trích lục. Đó là tên các vùng ruộng đất mà cha ông ta xưa đã tiếp quản từ người Chăm bỏ đi hoặc liên tục khai phá thêm. Nhân mùa chạp mả, kể tên một số xứ đất vùng ven sông Tam Kỳ, có thể thấy rõ điều đó.

Ngã ba sông Tam Kỳ.
Ngã ba sông Tam Kỳ.

Dọc sông Tam Kỳ, kể từ Thác Cả (đập Phú Ninh hiện nay) xuống ngã ba sông quành qua sông Bàn Thạch - Tam Kỳ có mấy làng xưa nằm trên các xứ đất mà tên gọi giúp ta hình dung được diện mạo Tam Kỳ buổi đầu cha ông ta mở cõi.

Ven hữu ngạn sông Tam Kỳ

Làng Khương Mỹ (nay là thôn Khương Mỹ, huyện Núi Thành) có xứ đất Trà Nê, giữa xứ đất này có một vùng trũng rất lớn được dân địa phương quen gọi là Bàu Nê; vùng trũng này được truyền là do người Chăm lấy đất để xây ba ngọn tháp Khương Mỹ. Gần đó (nay ven quốc lộ - đoạn từ phía nam cầu Tam Kỳ cũ đến gần trạm thu phí Tam Xuân - Tam Kỳ) có xứ Cổ Tháp. Mé nam của xứ Cổ Tháp có phế tích chăm Tháp Một nổi tiếng.

Xa hơn về phía nam có làng Bích Ngô (nay là thôn Bích Ngô, xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành). Văn cúng ở làng này xướng tên xứ đất Cây Vông. Tên này gắn với tên thôn Cây Vông; về sau, thôn này đổi thành tên chữ là Bích Ngô (bích: xanh; ngô: cây vông - chỉ loại vông đồng lá xanh quanh năm thường mọc ở vùng này). Phía tây bắc xứ Cây Vông có mộ ông tiền hiền thôn Bích Ngô nằm sát xứ Gò Trầu (nay là khu nghĩa trang lớn của cư dân hai xã Tam Xuân - Núi Thành và nhiều phường của thành phố Tam Kỳ).

Mộ bốn ông tiền hiền Nguyễn, Trần, Lê, Đỗ khai lập làng Phú Hưng (sau là các thôn Phú Bình, Phú Trung, Phú Nam, Phú Khê, Tịch Đông thuộc các xã Tam Xuân I và II, huyện Núi Thành) nằm ở các xứ đất Bàu Dũ, Ba Lay và Trà Phê trên đất thôn Phú Bình. Vùng này còn có xứ đất Cây Cau - vốn từ xưa đã có đình làng Phú Hưng dựng trên đó. Lại có xứ đất Vườn Cũ còn có tên là Đồng Lưới (còn gọi là Phường Lưới). Tư liệu bốn tộc tiền hiền nói trên cho biết: Các ngài mở đất làng Phú Hưng xuất phát từ vùng ven biển Thanh, Nghệ, vào định cư ở vùng ngã ba sông Tam Kỳ theo nhiều cách: người là lính nam chinh rồi ở lại, người làm nông, người làm ngư nghiệp rồi sau mới chuyển sang làm nông.

Làng Tịch Đông (nay một phần thuộc thôn Trung Đông, xã Tam Xuân I) có xứ đất Phường Đùng. Tư liệu chữ nho còn lưu ở vùng này cho biết xứ Phường Đùng xưa thuộc về địa giới xã Tịch An Đông, thuộc Chu Tượng, huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa; về sau thuộc về huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình.

Người dân địa phương giải thích: có tên xứ đất như thế do làng này là một “chu tượng” - phường nghề đóng thuyền (chu: thuyền; tượng: thợ mộc) - trong đó chữ “đùng” tượng trưng cho tiếng vang “đùng đùng” khi đóng thuyền.

Ven tả ngạn sông Tam Kỳ

Thôn/xã Phú Ninh (nay là thôn Phú Ninh, xã Tam Ngọc, thành phố Tam Kỳ) nằm gần đầu nguồn sông Tam Kỳ có địa danh Thành Lồi - cạnh đó có ngọn núi cùng tên. Người xưa dùng từ “lồi” để chỉ những gì có liên quan đến người Chăm. Mộ ông tiền hiền tộc Đào - làng Phú Ninh nằm trên vùng đất này (còn gọi là xứ đất Phú Ninh). Lại có vùng đất ven sông có tên Bực Vàng nằm trên xứ đất Ba Ký (Kỳ?). Tương truyền, người dân địa phương đào vàng ở Bồng Miêu thường đem bong bóng trâu đựng quặng vàng về bến sông này để tinh lọc.

Thôn/xã Ngọc Thọ kế cận (nay là thôn Ngọc Thọ, xã Tam Ngọc thành phố Tam Kỳ) ven sông Tam Kỳ có các xứ đất Trà Lang, Đồng Nghệ và Bô Bô cũng thường được xướng danh trong các văn cúng đất của làng này

Mộ ông tiền hiền tộc Đào- xã Phú Ninh.
Mộ ông tiền hiền tộc Đào - xã Phú Ninh.

Xã Dưỡng An ven sông (nay là phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ) có xứ đất Thạch Tuyền. Địa danh này bắt nguồn từ tên “Suối Đá” (suối: tuyền; thạch: đá) từng được nhắc đến trong sách Phủ biên tạp lục (1776) của học giả Lê Quý Đôn. Hai bên dòng chảy này - ở đoạn chính giữa (nay là vùng hồ điều hòa sau lưng Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thông TP.Tam Kỳ) được cho là “giai thành” (cuộc đất tốt) nên cư dân giàu có vùng chợ Vạn - Tam Kỳ xưa thường mua để chọn làm chỗ yên nghỉ cho người thân. Vì thế, trên một số bia mộ và gia phả người đã khuất ở vùng này thường ghi dòng chữ nho chỉ nơi an táng là “Thạch Tuyền xứ chi nguyên” (dòng chảy ở xứ Thạch Tuyền).

Trên đất xã Tam Kỳ xưa (nay thuộc hai phường Phước Hòa và Hòa Hương thành phố Tam Kỳ) có các xứ đất là Truông Dài và Nhà Núi. Tên hai xứ đất này được ghi rõ trong các văn bản chữ nho còn lưu ở địa phương (bảng khai ruộng đất xã Tam Kỳ và địa bạ thôn Tứ Bàn). Hai xứ đất này nằm ở phía đông đường quốc lộ - nam giáp sông Tam Kỳ; đông và đông bắc chạy dài theo sông Bàn Thạch (một nhánh của sông Tam Kỳ) - được cho là nơi khai phá đầu tiên của thủy tổ hai tộc Trần và Nguyễn từ vùng biển Thanh Hóa vào. Hiện mộ phần các ông Trần Cảnh Lan, Trần Cảnh Huệ (thủy tổ tộc Trần,- tiền hiền xã Tam Kỳ) và ông Trần Văn Nghiêm cùng vợ là bà Mai Thị Thiện (ông bà tiền hiền xã Tam Kỳ) ở khối phố Hương Trà Tây còn mộ ông Nguyễn Đăng Vinh (đồng tiền hiền xã Tam Kỳ) ở khối phố Hương Sơn - hai khối phố này đều ở phường Hòa Hương, thành phố Tam Kỳ.

Ngoài ra, còn có các xứ đất như Hóc La, Cồn Nính, Cửa Truông, A Bốc, Do Gò Tha, Ê Đáp, Bàu Lăng, Bàu Đình thường gặp trong các sổ bộ và trích lục ruộng đất ở vùng này.

Ven sông Bàn Thạch:

Ven sông Bàn Thạch (xưa còn gọi là sông Phước Xuyên) - một nhánh của hệ sông ở Tam Kỳ - có các làng Mỹ Thạch và Đoan Trai (nay thuộc phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ) có các xứ đất Đá Bạc và Bà Lai La. Đá Bạc vốn là tên xứ đất cũng là tên làng; về sau, thời Minh Mệnh đã được đổi là Mỹ Thạch. Còn xứ đất Bà Lai La được ghi nhận ổn định trong bộ điền của làng Đoan Trai từ thời Gia Long đến các trích lục ruộng đất thời Pháp thuộc.

Xã Tứ chánh An Hà (nay là phường An Phú, thành phố Tam Kỳ) nằm dọc theo sông Bàn Thạch về phía đông và đông bắc. Địa bạ xã này lập năm Gia Long thứ 13 (1814) ghi nhận tên 6 xứ đất là Xuân Đăng, Thao Lao, Cây Chay, Đồng Lanh, Đông Núi Trọc và Cọp (?) Voi.

Xã Phương Hòa (nay là phường Hòa Thuận thành phố Tam Kỳ) giáp sông Bàn Thạch qua xứ đất Đồng Rạ. Cách xóm Đồng Rạ khoảng 0,5km về phía nam là trung tâm xã Phương Hòa xưa. Khu vực này có xứ đất Bà Môn được tư liệu chữ nho hiện còn ghi nhận là nơi dừng chân sớm nhất của cư dân người Việt từ phía bắc đến Tam Kỳ (thời Hồ Hán Thương - niên hiệu Thiệu Thành thứ 2 - 1402). Trong các văn cúng ở địa phương từ đầu thế kỷ 20 và trong trích lục ruộng đất của người Pháp lập khoảng năm 1930, xứ Bà Môn được ghi là Bàu Môn.

PHÚ BÌNH