“Robot luật sư” đầu tiên trên thế giới tham gia xử án

AN TRƯƠNG 08/01/2023 15:34

(QNO) - Một “robot luật sư” đã sẵn sàng tham gia bào chữa cho vụ vi phạm tốc độ giao thông vào tháng tới.

Tư vấn pháp lý sẽ là lĩnh vực tiếp theo chứng kiến sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Getty Images.
Tư vấn pháp lý sẽ là lĩnh vực tiếp theo chứng kiến sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Getty Images.

Vào tháng 2, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) do công ty DoNotPay (Mỹ) phát triển sẽ tư vấn cho bị cáo trong toàn bộ phiên tòa, qua đó trở thành phiên tòa đầu tiên trên thế giới được biện hộ bởi AI.

Ứng dụng này sẽ chạy trên điện thoại thông minh, lắng nghe diễn biến ở phòng xử án sau đó hướng dẫn bị cáo trình bày trước tòa qua tai nghe, theo báo cáo của New Scientist. Công ty cũng đã đào tạo AI của mình để không nói dối hoặc chia sẻ ngoài phạm vi những thông tin được cung cấp trước đó, loại bỏ khả năng bị cáo bị buộc tội khai man trước tòa.

Địa điểm diễn ra phiên tòa và thông tin cá nhân của bị đơn vẫn đang được giữ bí mật. DoNotPay cũng không tiết lộ chi tiết cụ thể về trường hợp vì những gì họ đang làm có khả năng vi phạm quy định của phòng xử án. 

Joshua Browder - Giám đốc điều hành của DoNoPay đưa ra cam kết chi trả mọi khoản tiền phạt trong trường hợp AI thua kiện.

Nhà khoa học máy tính tốt nghiệp Đại học Stanford này đã ra mắt DoNotPay vào năm 2015 dưới dạng một chatbot cung cấp lời khuyên pháp lý cho người tiêu dùng xử lý các khoản phí hoặc tiền phạt trễ hạn. 

Được quảng cáo là “luật sư người máy đầu tiên trên thế giới”, DoNoPay tham vọng trợ giúp pháp lý cho các cá nhân trên toàn cầu chỉ thông qua một nút bấm. Mục tiêu cuối cùng của Browder là ứng dụng có thể thay thế hoàn toàn các luật sư nhằm tiết kiệm tiền cho các bị cáo.

Trả lời phỏng vấn New Scientist, Browder chia sẻ: “Một số luật sư chỉ đơn giản là sao chép tài liệu nhưng lại tính phí hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn USD một giờ. Tôi nghĩ rằng họ chắc chắn nên được thay thế”.

AI hoạt động như một trợ lý pháp lý bằng cách hỏi khách hàng vấn đề pháp lý là gì và tìm ra kẽ hở, sau đó nó chuyển thành một lá thư pháp lý để gửi đến cơ quan phù hợp hoặc tải lên một trang web.

Trong một video quảng cáo, Browder giải thích rằng anh ấy nảy ra ý tưởng này khi bắt đầu tích lũy vé phạt đậu xe mà anh ấy không đủ khả năng chi trả. Trong quá trình đó, anh ta trở thành “chuyên gia” tìm ra những sơ hở giúp anh thoát khỏi việc nộp phạt.

Là một kỹ sư phần mềm, Browder nhận ra rằng quy trình kháng cáo vé đỗ xe nghe có vẻ tẻ nhạt và tốn kém có thể được tự động hóa và anh đã tạo một trang web để giúp mọi người có thể làm điều tương tự. “Mục tiêu của công ty chúng tôi là làm cho ngành luật trị giá 200 tỷ USD trở nên miễn phí cho tất cả mọi người” - Browder cho biết.

Trong vòng chưa đầy hai năm, DoNotPay đã tranh biện thành công 160.000 vé phạt đậu xe ở New York, Mỹ và London, Anh. Công ty tuyên bố họ đã giải quyết tổng cộng 2 triệu trường hợp kể từ khi thành lập. Năm 2020, với sự xuất hiện của ChatGPT, công ty đã chuyển trọng tâm sang AI và phát huy tiềm năng của nó.

Trong một video được đăng lên tài khoản Twitter của mình, Browder đã chứng minh việc giảm 10 USD trong hóa đơn Internet hàng tháng bằng cách sử dụng bot do ChatGPT cung cấp. Tháng cuối cùng của năm 2022, chatbot của DoNoPay đã đàm phán thành công với đại diện của nhà cung cấp Internet Comcast để tiết kiệm 120 USD mỗi năm cho hóa đơn của nhân viên.

AN TRƯƠNG