Kiến nghị nhiều nội dung về phát triển Quảng Nam trong quy hoạch tổng thể quốc gia

VĂN PHONG 07/01/2023 18:44

(QNO) - Hôm nay 7/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Lê Văn Dũng thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: V.P

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nội dung quan trọng bậc nhất trình kỳ họp Quốc hội lần này. Quy hoạch với nội hàm mang tính chiến lược trong phân vùng và liên kết vùng lãnh thổ, đây là bản thiết kế tổng thể quốc gia, căn cứ của tất cả loại quy hoạch trên cả nước.

Trong báo cáo dài 718 trang, Chính phủ đã tập hợp, phân tích, đánh giá toàn diện hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển của đất nước trong giai đoạn vừa qua; đặt quan điểm, mục tiêu phát triển và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị nhiều nội dung quan trọng, gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam.

Theo đó, đại biểu Lê Văn Dũng kiến nghị bổ sung “Tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây 2 (Nam Giang - Chu Lai - Hội An - Đà Nẵng)” vào quy hoạch về phát triển các hành lang kinh tế vì đây là đường kết nối ngắn nhất các địa phương vùng Đông Bắc Thái Lan và Nam Lào đến cửa ngõ miền Trung Việt Nam (từ Băng Cốc của Thái Lan qua Champasak, Sê Kông của Lào đến Quảng Nam, Đà Nẵng tại Cửa khẩu quốc tế Nam Giang của Quảng Nam).

Cạnh đó, bổ sung định hướng phát triển ngành công nghiệp hàng không, công nghiệp dược liệu; hình thành các cụm liên kết ngành sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị; thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tạo điều kiện chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất công nghiệp đối với các vùng kinh tế trọng điểm.

Thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; du lịch sinh thái gắn với bảo vệ rừng, biển đảo, bảo tồn đa dạng sinh học và văn hóa bản địa; du lịch xanh gắn với kinh tế tuần hoàn; phát triển du lịch tàu biển tuyến nội địa và quốc tế.

Phát triển nông nghiệp thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu tại khu vực duyên hải miền Trung; sắp xếp lại các rừng phòng hộ ven biển, nâng cao hiệu quả trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn gắn với phát triển kinh tế rừng. Hiện đại hóa các cảng cá, khu hậu cần nghề cá và các khu neo đậu tàu cá kết hợp với tránh trú bão.

Đối với vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ (Thanh Hóa - Bình Thuận), đại biểu Lê Văn Dũng kiến nghị bổ sung định hướng về phát triển các đô thị ven biển quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với công nghiệp, du lịch, sân bay, cảng biển; phát triển công nghiệp điện khí, điện gió, điện mặt trời, lọc hóa dầu và sau hóa dầu.

Phát triển hệ thống sân bay, ưu tiên sân bay Chu Lai trở thành trung tâm công nghiệp - thương mại - dịch vụ ngành hàng không quy mô quốc gia, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Hiện đại hóa ngành nghề khai thác, đánh bắt hải sản. Hình thành các trung tâm logistics lớn của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Đại biểu Lê Văn Dũng cũng kiến nghị phát triển hệ thống tàu điện đệm từ trên cao và các hình thức vận tải thông minh gắn liền với các trung tâm công nghiệp - dịch vụ khu vực trọng điểm miền Trung và tạo lập liên kết đô thị Đà Nẵng - Hội An - Chu Lai hình thành đô thị động lực vùng.

Về định hướng phát triển ngành hạ tầng, kỹ thuật cấp quốc gia cần nghiên cứu chuyển đổi công năng tuyến đường sắt hiện hữu thành tuyến đường chuyên phục vụ vận tải hàng hóa; đồng thời bổ sung cảng biển Chu Lai vào phát triển các cảng cửa ngõ Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

VĂN PHONG