Khởi nghiệp cà phê từ đồi Pun

LÊ VĂN CHƯƠNG 07/01/2023 08:53

Từ đỉnh đồi Pun (thuộc xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), chị Lương Thị Ngọc Trâm viết status trên trang facebook của Công ty TNHH Pun Coffee về chương trình trồng 1 triệu cây xanh: “Tụi mình nuôi dưỡng giấc mơ phủ xanh lại những ngọn đồi độc canh thành những cánh rừng xanh ngát…”. Chị Trâm sinh năm 1983, quê ở huyện Duy Xuyên, đang là khuôn mặt làm mới thương hiệu cà phê Khe Sanh, Quảng Trị.

Chị Trâm từ một người làm ngành kinh tế luật chuyển sang khởi nghiệp cà phê. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Chị Trâm từ một người làm ngành kinh tế luật chuyển sang khởi nghiệp cà phê. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Bỏ phố về Pun

Tây Nguyên có diện tích cà phê là 603.000ha gắn với những thương hiệu nổi tiếng như: Trung Nguyên, Classic, L’amant, Highland, bao gồm các loại Robusta (cà phê vối), Arabica (cà phê chè), Cherry (cà phê mít) và Culi (cà phê Bỉ).

Cái bóng cà phê Tây Nguyên quá lớn, vì vậy những doanh nghiệp ở vùng cà phê chỉ 4.500ha nơi biên viễn thuộc xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cứ như những ngôi sao băng, xuất hiện rồi lại lu mờ, biến mất. Giới doanh nghiệp ở nơi này cho rằng, chỉ khi nào có ai thực sự “hơi điên”, sống chết với cà phê thì mới có thể gầy dựng được tên tuổi.

Tháng 9/2019, chị Lương Thị Ngọc Trâm từ TP.Hồ Chí Minh quyết định cùng chồng mình rời chốn đô thành nhộn nhịp để trở về quê hương. Giấc mơ khởi nghiệp phải được viết tiếp, vì người cha chồng từng là một doanh nghiệp lớn về cà phê ở rừng núi Hướng Phùng. Nhưng rồi ông vẫn như những doanh nghiệp trước đó, lóe lên như ngôi sao băng rồi lại tắt lịm.

Bỏ phố về quê khởi nghiệp với người chồng làm chuyên ngành đồ họa, thiết kế, cú knock-out đầu tiên chị Lương Thị Ngọc Trâm nếm trải là đại dịch COVID-19. Cặp vợ chồng trẻ phải “vẽ” lại nhiều thứ, trong đó phải thuyết phục cho được bà con dân tộc Vân Kiều thay đổi tập quán trồng, hái tự nhiên sang phương pháp mới.

Sản phẩm cà phê ngon bắt nguồn từ thổ nhưỡng, phương pháp canh tác, hái lượm, chế biến: không để hạt cà phê dưới đất, bảo quản trong bóng râm, loại bỏ quả xanh, hư, mốc, ăn thử, chọn quả ngọt không có vị chát, cắt bỏ toàn bộ hóa chất trong canh tác cà phê… Nhưng để được như vậy, vợ chồng chị phải đi gõ cửa để thuyết phục bà con nông dân hãy đồng hành.

Tôi tìm đến công ty này vì cơ duyên tủ sách. Lũ trẻ ở xã Hướng Phùng ngồi cạnh tủ sách cộng đồng trong ngôi nhà (nằm sát tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây) chỉ tay lên đồi Pun và nói rằng “sách cô Ngọc Trâm cho”.

Trèo lên dốc đồi Pun giữa cái lạnh buốt của gió núi, cơ nghiệp của vợ chồng bỏ phố về quê là ngôi nhà khá nhỏ treo trên dốc trồng nhiều hoa hồng. Cô chủ đang bận điện thoại và nói: “Chao ôi, chừ ông Hà Lan book vé ra thẳng đây coi phát triển nguyên liệu vùng đồng bào thiểu số, khổ rứa…”.

Đó là giọng rặt Quảng Nam.

Thông điệp khó chịu?

Trên những con đường ở xã Hướng Phùng đang rực rỡ hoa dã quỳ. Dù mang tiếng là đất miền Trung, nhưng cây cối ở Hướng Phùng không cằn cỗi, mà luôn xanh mơn mởn.

Những vệt sạt lở núi từ năm 2020 vẫn hiện ra trên sườn núi, đất đỏ tràn xuống lối đi. Nhìn màu đất đỏ mịn, không pha đá, có thể nhận ra thổ nhưỡng ở Hướng Phùng là mảnh đất vàng. Từ năm 1926, người Pháp đã đặt chân đến Hướng Phùng để phát triển cây cà phê.

Khu vực phơi hạt cà phê của công ty. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Khu vực phơi hạt cà phê của công ty. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Từ thập niên 1990 đến nay, nhiều doanh nhân khởi nghiệp cà phê Khe Sanh. Còn vợ chồng chị Ngọc Trâm thì mới bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2019. Hướng đi của Pun Coffee có thể gây khó chịu với các doanh nghiệp đi trước vì thường đề cập tới trách nhiệm cộng đồng, kêu gọi trồng cây xanh, chia sẻ lợi nhuận để phục vụ cộng đồng người đồng bào Vân Kiều trồng cà phê.

Cách viết trên facebook của Pun Coffee cũng mang tính cách của người Quảng Nam. Lướt tra cứu thông tin trên facebook và tôi tìm được dòng status của Pun Coffee nói về việc rang xay cà phê sẽ sinh ra quá nhiều CO2 trong khí quyển gây hiệu ứng nhà kính, nóng lên toàn cầu, nên doanh nghiệp phải có trách nhiệm với xã hội, cải tạo môi trường.

Chị Trâm chia sẻ: “Tụi mình chỉ là tổ hợp nhỏ trong toàn bộ sinh thái cà phê Khe Sanh, nhưng tụi mình luôn xác định, mỗi người một tay, chung sức nâng tầm, đưa cà phê Khe Sanh Quảng Trị lên tầm cao mới - tầm cao cà phê đặc sản”.

Để bà con “chịu nghe” hai người vốn không xuất thân từ ngành nông nghiệp, chị Ngọc Trâm đã kết nối và mời chuyên gia Lê Trung Hưng - Trưởng đại điện Công ty Inter-Kom S.p.A tại TP.Hồ Chí Minh và chuyên gia Nguyễn Tấn Vinh - Giám đốc Công ty Kpan tổ chức đào tạo cho bà con nông dân trong thời gian 1 tuần về phương pháp chế biến cà phê chất lượng cao, khuyến khích bà con trồng cà phê sạch, sử dụng 80% phân bón được làm từ vỏ cà phê để chăm sóc vườn, và cam kết bảng giá thu mua G + 5 (giá thị trường cộng thêm 5.000 đồng/kg).

Thương hiệu phải gắn với vùng nguyên liệu sản xuất thực sự ổn định. Pun Coffee đang “leo” một con dốc khá cao, đó là liên kết với 11 nông dân triển khai thêm 50ha cà phê sạch. Ba năm đầu là quãng thời gian khó khăn nhất, chị Trâm phải lao đi tìm kiếm các loại cây ngắn ngày (đậu nành, cỏ ngọt, chuối…) để các hộ này trồng xen canh, trang trải chi phí trong cuộc sống.

Để có sản phẩm cà phê đặc sản đạt chuẩn, chị Trâm cho biết: “Quy trình chế biến cà phê đặc sản rất kỳ công, hạt cà phê sau khi đưa về xưởng phải rửa vớt hạt nổi trên mặt nước, loại bỏ những trái chín nẫu quá hoặc đen khô, rồi ủ mát trước khi đưa phơi trên sàn lưới, phải căn nhiệt độ ngoài trời phù hợp… 

Đưa thương hiệu cà phê Pun đi xa

Là người có chuyên môn kinh tế (làm việc tại Tập đoàn TTC), thuộc thế hệ 8X, chị Ngọc Trâm mang theo kinh nghiệm thương trường Sài Gòn về đồi Pun. Trở thành một nông dân, nhưng không phải nông dân chỉ biết cắm mặt xuống đồng ruộng, cuối mùa xuất bán, mà phải là nông dân 4.0, “cày” trên internet để đưa từ khóa “cà phê Khe Sanh, Quảng Trị” đi xa hơn.  

Vùng chuyên canh cây cà phê sạch tai Hướng Phùng. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Vùng chuyên canh cây cà phê sạch tai Hướng Phùng. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Trong cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam 2021” do Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức, có 41 đơn vị đăng ký tham dự với 74 mẫu dự thi, trong đó có 45 mẫu cà phê Robusta và 29 mẫu cà phê Arabica, đoàn Quảng Trị giành thắng lợi lớn.

Hai sản phẩm của Công ty TNHH Pun coffee là cà phê Arabica chế biến Natural đoạt giải nhất với 84,5 điểm, cà phê Arabica chế biến Honey đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản với 81,68 điểm. Sản phẩm của Nhóm cà phê đặc sản Quảng Trị đoạt giải nhì với 84 điểm. 

Nhìn những dòng status mà chị Trâm chia sẻ trên facebook cá nhân là hiểu được, từ khóa “cà phê Khe Sanh”, “Pun coffee” như một người nhỏ nhắn nhưng đã len lỏi giữa những cái bóng lớn để đến một ngày xuất hiện trên thị trường như thế nào: “Khi mình (Ngọc Trâm) ngồi lóc cóc gõ những dòng chữ này thì cụm từ “cà phê Khe Sanh” vượt mốc 241.000 lượt tìm kiếm, tụi mình thành công đưa cụm từ “cà phê Quảng Trị” lên 27.700.000 lượt tìm kiếm kể từ khi Pun Coffee và nhóm Cà phê Quảng Trị do Pun quản lý nắm 2 vị trí đầu cà phê đặc sản Việt Nam 2021”.

Chị Ngọc Trâm tâm sự, doanh nghiệp đang hướng tới vận đồng đồng bào Vân Kiều vừa phát triển cây cà phê xen canh với phát triển lâm nghiệp, xây dựng vùng trồng cà phê sạch để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động trồng cà phê cũng lồng ghép vào việc nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ dân tộc Vân Kiều trong gia đình.

Trong một tổ ấm thì người đàn ông cần có vai trò như thế nào, phụ nữ cần được phát huy những thế mạnh gì để vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa đóng vai trò phù hợp trong việc chăm sóc và phát triển cây cà phê sạch. Vai trò đó còn thể hiện ở việc có tiếng nói trong gia đình, được chăm sóc tốt về y tế, sức khỏe…

“Pun Coffee đang xúc tiến các giai đoạn cuối để tiến hành xuất khẩu cà phê rang xay Quảng Trị sang thị trường Hoa Kỳ. Mục tiêu của chúng tôi là tiến tới kinh doanh theo tiêu chuẩn chứng nhận Fair trade (Thương mại công bằng) trên cà phê nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân đang cùng làm với Pun Coffee yên tâm sản xuất, trong đó có người dân tộc thiểu số Vân Kiều.

Đồng thời Pun Coffee tiến hành xây dựng điểm trải nghiệm cà phê đặc sản Quảng Trị nằm trên cung đường Hồ Chí Minh nhánh tây, kết hợp cùng các đơn vị lữ hành xây dựng chương trình coffee tour để quảng bá cà phê Quảng Trị” - chị Trâm cho biết.

LÊ VĂN CHƯƠNG