Thu nhập khá với nghề bắt cua đồng
(QNO) - Không phải bỏ vốn đầu tư hay tốn kém nhiều chi phí, chỉ cần chịu khó thì mỗi ngày người dân ở xã Bình An (huyện Thăng Bình) có thể kiếm được gần nửa triệu đồng từ việc bắt cua đồng.
Những ngày giáp tết, dù trời mưa lạnh buốt nhưng nhiều người dân ở xã Bình An (huyện Thăng Bình) vẫn mang đồ nghề, men dọc các con mương, bờ ruộng để bắt cua đồng.
Hơn 5 năm làm nghề bắt cua đồng, anh Trần Văn Đức (ở thôn An Thái, Bình An, Thăng Bình) cho hay, nghề bắt cua đồng từ khoảng tháng 4 đến tháng 10 âm lịch. Đây là thời điểm cua đồng sinh sôi nhiều, đi bắt cũng thuận tiện và được nhiều hơn. Còn vào khoảng tháng 11, 12 âm lịch, cua ít hơn, muốn bắt được nhiều phải chịu khó thức đêm, bỏ nhiều công sức hơn. Nhưng thay vào đó, giá cua mùa này rất cao, bắt được bao nhiêu lên đến bờ là có thương lái thu mua luôn hoặc đến tận nhà lấy hàng.
Dụng cụ để bắt cua rất đơn giản và không cần đầu tư nhiều. Người dân chỉ cần mua một tấm lưới lồng hình bát quái khoảng 3 - 5 triệu đồng, được thiết kế theo hình chữ nhật có nhiều cửa. Vừa lúc trời gần tối thì đem lồng bỏ dọc các con mương nước, đến sáng sớm thì ra mở lồng thu gom cua.
“Những năm trước cua nhiều, giá rẻ nên làm nghề này cũng không ăn thua. Giờ cua đồng được ưa chuộng nhiều nên giá bắt đầu cao nên cũng cho thu nhập khá. Mỗi đêm vợ chồng tôi bắt được từ 10 - 20kg, có đêm thì chỉ vài ba ký. Nếu tiết kiệm và chịu khó một tý thì cũng có tiền trang trải cuộc sống” - anh Đức chia sẻ.
Việc bắt cua đồng đem lại khoản thu nhập khá cho nông dân, tuy nhiên cũng nhiều vất vả, khó nhọc.
Chị Ngô Thị Phượng (thôn An Dưỡng, xã Bình An) cho biết, mỗi ngày, chị phải lội qua nhiều mương nước để đặt lồng, lúc nào cũng ướt sũng. Những ngày giáp tết, lạnh cắt da cắt thịt nhưng cũng phải cố gắng.
“Mùa kia cua nhiều, cứ khoảng 4-5 giờ đồng hồ là tôi đi thăm lồng một lần. Gỡ cua rồi đặt lồng lại. Công việc cứ lặp lại như vậy nên cả đêm không ngủ được. Sáng phải dậy sớm mang cua bán cho thương lái kịp chuyển đi các nơi khác. Mùa này ít cua, tôi tranh thủ đặt lồng kiếm thêm cá và bắt ốc bươu, gom góp hết thì cũng có thu nhập kha khá” - chị Phượng chia sẻ.
Bà Phan Thị Mai (xóm Thạch Bình, xã Bình An) là thương lái thu mua cua cho hay, khoảng 2-3 năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ cua tăng mạnh. Trung bình mỗi sáng bà Mai thu mua khoảng 4 - 5 tạ cua, vào mùa hè, số lượng lên đến gần 1 tấn. Cua thu mua thường được bà chuyển đi Hà Nội, Sài Gòn và nhập cho các nhà hàng trên địa bàn tỉnh.
“Cua đồng có giá khá cao nhưng nhiều người vẫn chọn làm thức ăn vì đây là thực phẩm sạch, thịt chắc và thơm ngon đặc trưng nên khách hàng ở thành phố rất thích, cứ thu mua bao nhiêu tôi đều bán hết bấy nhiêu. Lúc vào mùa, lượng cua nhiều thì tôi mua vào với giá 20 nghìn/kg. Còn thời điểm này, cua hiếm có, đặc biệt vào dịp giáp tết, các thứ chi phí đều tăng nên tôi cũng thu mua giá cao hơn cho bà con, dao động từ 50 - 70 đồng/kg”, bà Mai cho biết.