Định vị điểm đến du lịch Quảng Nam năm 2023

VĨNH LỘC 06/01/2023 21:43

(QNO) - Tái cơ cấu thị trường khách, xác lập sản phẩm du lịch đặc trưng theo hướng xanh gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa… là những định vị mới của du lịch Quảng Nam năm 2023. 

Lần đầu tiên Quảng Nam đón đoàn khách Mông Cổ xông đất đầu năm, mở ra cơ hội đa dạng thị trường khách du lịch quốc tế trong tương lai. Ảnh: K.L
Lần đầu tiên Quảng Nam đón đoàn khách Mông Cổ xông đất đầu năm, mở ra cơ hội đa dạng thị trường khách du lịch quốc tế trong tương lai. Ảnh: V.L

Lần đầu tiên kể từ khi phát triển du lịch, TP.Hội An đón đoàn khách quốc tế xông đất đầu năm 2023 (1/1/2023) đến từ Mông Cổ, một thị trường được xem là khá mới lạ, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội, tiền đề tốt để du lịch Quảng Nam đa dạng thị trường khách trong những năm tới.

Xác lập thị trường khách

Sau đại dịch COVID-19, vấn đề đầu tiên được ngành du lịch và doanh nghiệp du lịch Quảng Nam quan tâm chính là dòng khách vì trong suốt thời gian dài việc tập trung quá nhiều cho dòng khách Âu - Mỹ đã khiến ngành du lịch Quảng Nam “hụt hẫng” khi khủng hoảng kinh tế và xung đột giữa Nga - Ucraine bùng phát.

Năm 2022, bên cạnh tập trung vào các thị trường mới nổi và mở cửa sớm như Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan… một số thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Malaysia…cũng được Quảng Nam lựa chọn để “khỏa lấp” khoảng trống của khách Trung Quốc và châu Âu để lại.

Kết quả, từ giữa tháng 10/2022, khi các đường bay trực tiếp Đà Nẵng đến hai thành phố Mumbai và Newdheli (Ấn Độ) được kết nối, lượng khách Ấn đến Quảng Nam đã tăng đột biến. Trong hai tháng cuối năm 2022, cùng với Hàn Quốc, Bắc Mỹ, Ấn Độ đã vươn lên chiếm vị trí thứ 3 trong tổng cơ cấu khách quốc tế đến Quảng Nam.

Xác định được thị trường khách mới có thể xây dựng được sản phẩm phù hợp. Ảnh: V.L
Xác định được thị trường khách mới có thể xây dựng được sản phẩm phù hợp. Ảnh: V.L

Năm 2022, Quảng Nam đón 4,8 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 690 nghìn lượt.

Mặc dù phục hồi tốt nhưng so với kỳ vọng, lượng khách quốc tế vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Ngược lại, sự “bùng nổ” của thị trường khách nội địa với hơn 4,1 triệu lượt khách tham quan, lưu trú đã giúp tốc độ tăng trưởng của du lịch Quảng Nam đi đúng hướng.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An thừa nhận, sự gia tăng khách nội địa sau đại dịch đã làm thay đổi cách nhìn nhận của các doanh nghiệp du lịch Hội An về dòng khách, bởi trong thời gian dài dường như các sản phẩm chỉ tập trung cho các dòng khách quốc tế, nhất là các thị trường được xem là truyền thống.

“Hội An không chỉ là trung tâm du lịch của Quảng Nam mà còn đóng vai trò hạt nhân lan tỏa ra các vùng lân cận như Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, kể cả phía nam và phía tây của tỉnh. Đa dạng dòng khách đến Hội An cũng chính là xác lập thị trường khách cho du lịch Quảng Nam, và chúng tôi đang theo đuổi mục tiêu này” - ông Lanh nói.

Xây dựng sản phẩm phù hợp

Các nghiên cứu cho thấy, sau đại dịch COVID-19 nhu cầu du lịch của khách cũng thay đổi. Nổi lên là xu hướng khách đi theo nhóm nhỏ với chương trình riêng, ưa chuộng các dịch vụ nhẹ nhàng như chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe… Điểm đến cũng gần gũi thiên nhiên và các giá trị truyền thống văn hóa bản địa.

Quảng Nam sẽ xây dựng sản phẩm khác biệt dựa trên các giá trị văn hóa bản địa. Ảnh: V.L
Quảng Nam sẽ xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt dựa trên các giá trị văn hóa bản địa. Ảnh: V.L

Ông Nguyễn Công Hoan - Phó Tổng Giám đốc Flamingo Holding Group, CEO Flamingo Redtours phân tích, việc xác định thị trường và sản phẩm không thể tách rời. Trong đó, nguồn khách được xem là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển du lịch, chỉ khi xác định được thị trường khách cụ thể mới có thể xây dừng được sản phẩm dịch vụ phù hợp. Gắn cùng mỗi thị trường, mỗi sản phẩm sẽ có cách quảng bá tương xứng.

Suốt thời gian dài, du lịch Quảng Nam hầu như phát triển chủ yếu dựa trên các giá trị về văn hóa gắn với 2 di sản phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn (Duy Xuyên), những sản phẩm này có thể phù hợp với một số thị trường Âu, Úc, Mỹ nhưng với các thị trường Đông Bắc Á (Trung, Hàn, Nhật) có sự tương đồng văn hóa thì sự cuốn hút không lớn. Đó cũng là lý do giải thích vì sao dòng khách Hàn Quốc, Trung Quốc tập trung nhiều tại Đà Nẵng hay Nha Trang, nơi có nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí.  

Thực tế, trong 10 năm trở lại đây Quảng Nam cũng đã xuất hiện một số sản phẩm dịch vụ sinh thái, đồng quê gắn với du lịch trách nhiệm, chia sẻ lợi ích cộng đồng phục vụ dòng khách Âu - Mỹ, nhưng phần lớn sản phẩm này chưa định hình được thương hiệu hoặc bản sắc riêng biệt, hầu hết tự phát, manh mún, khiến lợi thế cạnh tranh thấp.

Định vị thương hiệu du lịch Quảng Nam sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh điểm đến trên bản đồ du lịch Việt Nam. Ảnh: V.L
Định vị thương hiệu du lịch Quảng Nam sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh điểm đến trên bản đồ du lịch Việt Nam. Ảnh: V.L

Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, đa dạng sản phẩm, dịch vụ gắn với du lịch xanh, hướng đến nhiều thị trường khách, bao gồm khách nội địa được ngành xác định là mục tiêu xuyên suốt hiện nay và tương lai, bởi đây không chỉ là chiến lược bao trùm, giúp khai thác, phát huy được các giá trị văn hóa, di sản, làng nghề, thiên nhiên bản địa trọn vẹn mà còn phù hợp với xu thế thời đại. Đặc biệt, định vị được thương hiệu du lịch địa phương, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Quảng Nam với các trung tâm du lịch miền Trung cũng như trong cả nước hiện nay và những năm tới.

VĨNH LỘC