Mở hướng du lịch cộng đồng xã Tam Mỹ Tây
Với cảnh quan thiên nhiên đặc sắc và sở hữu đàn voọc chà vá chân xám quý hiếm, xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành) vừa được Hiệp hội du lịch Quảng Nam và Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) chọn thực hiện mô hình du lịch cộng đồng, mở ra hướng đi mới cho du lịch địa phương.
Ông Hoàng Quốc Huy - Phó Giám đốc Trung tâm GreenViet, cho biết với mục tiêu chính là bảo tồn quần thể vọoc chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây đồng thời hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, đơn vị phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Nam thực hiện nghiên cứu tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại xã Tam Mỹ Tây.
Trong đó, tổ chức tour thử nghiệm và nghiên cứu các giá trị văn hóa, di sản trên chuỗi hành trình từ Đà Nẵng - Tam Kỳ - Núi Thành để xác định các “điểm dừng” đặc sắc về văn hóa di sản, phục vụ cho việc xây dựng tour du lịch xuyên suốt từ Đà Nẵng vào Tam Mỹ Tây.
Qua thực tế, Trung tâm GreenViet đã thực hiện các dự án: “Rừng cộng đồng xã Tam Mỹ Tây” (RFT) do Tổ chức Rainforest Trust tài trợ với kinh phí hơn 6 tỷ đồng, thời gian thực hiện: từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2024.
Dự án “Phát triển du lịch cộng đồng bền vững ở xã Tam Mỹ Tây” (EUNIC) do Phân Viện Goethe tại Việt Nam tài trợ với kinh phí hơn 858,7 triệu đồng, thời gian thực hiện từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2022.
Dự án “Bảo vệ quần thể chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây thông qua hỗ trợ những người tiên phong trong cộng đồng thực hiện các hoạt động bảo tồn” (CEPF/IUCN) do Quỹ Đối tác Hệ sinh thái Trọng yếu (CEPF) thông qua IUCN tài trợ với kinh phí 908 triệu đồng, thời gian thực hiện từ tháng 10/2021 đến tháng 10/2023.
Ông Phan Đình Dung - Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây cho biết, với sự hỗ trợ của Trung tâm GreenViet, những năm gần đây, đàn voọc chà vá ở Tam Mỹ Tây được bảo vệ nghiêm ngặt với tổng đàn hiện có khoảng 69 con.
Cạnh đó, danh thắng Hố Giang Thơm được huyện Núi Thành đầu tư xây dựng nhiều hạng mục. Địa phương lại có nhiều khu rừng còn hoang sơ, các trang trại, nhà vườn trồng cây ăn trái và nhân dân có nghề truyền thống làm bánh, làm hương, các loại hình văn nghệ truyền thống như bài chòi, hát tuồng, cải lương… là những lợi thế để thu hút khách du lịch.
Theo ông Lê Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, tuy có nhiều lợi thế, nhưng hoạt động du lịch cộng đồng tại xã Tam Mỹ Tây còn rất mới mẻ. Hiện nay, một số mô hình phục vụ du lịch ở đây còn mang tính tự phát và mới chỉ dừng lại ở một số hộ dân có nhà vườn, vườn cây ăn trái.
Du lịch cộng đồng xã Tam Mỹ Tây phải dựa trên cơ sở huy động sự tham gia của cộng đồng và quản lý bởi cộng đồng theo nguyên tắc tự nguyện - bình đẳng - công khai - minh bạch.
Đối với du lịch cộng đồng Tam Mỹ Tây đặc biệt chú trọng đến bảo tồn và phát triển tài nguyên. Trong ngắn hạn, hợp tác bảo tồn và gìn giữ những giá trị hiện có về cảnh quan tự nhiên, sinh thái - danh thắng, các giá trị văn hóa truyền thống, di sản của cộng đồng; mục tiêu dài hạn xây dựng được môi trường nuôi dưỡng, nguồn sống cho loài, đặc biệt là đàn voọc chà vá chân xám, đa dạng sinh học, cho môi trường bền vững và tái tạo văn hóa, giá trị cộng đồng.