Nguyễn Đức Minh, người con ưu tú của quê hương An Mỹ

PHÙNG TẤN VINH 04/01/2023 16:32

(QNO) - Ông Nguyễn Đức Minh có bí danh là Thanh Ba, Thanh Xuân, Nguyễn Hy (SN 1926 tại xã An Mỹ, tổng Phú Chiêm Hạ, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn - nay là khối An Mỹ, phường Cẩm Châu, TP.Hội An). An Mỹ và một làng quê giàu truyền thống, yêu nước và cách mạng. Thời nào cũng có những người con ưu tú đóng góp cho cách mạng.

Ông Nguyễn Đức Minh và cơ quan Thuế vụ Hà Nội năm 1956 ( Nguyễn Đức Minh hàng đứng người đầu tiên từ trái sang) Ảnh: tư liệu N.Đ.M
Ông Nguyễn Đức Minh và cơ quan Thuế vụ Hà Nội năm 1956 (ông Nguyễn Đức Minh hàng đứng người đầu tiên từ trái sang) Ảnh: Tư liệu N.Đ.M

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình bần nông, tuổi thơ Nguyễn Đức Minh gắn liền với ruộng vườn, sông nước quê hương, câu cá, đá bóng, thả diều… cực nhọc mà rất đỗi hồn nhiên. Gia cảnh khó khăn không được học hành đàng hoàng, nhưng ông đã vượt lên nghịch cảnh cố gắng học tư thục do thầy Ba Lư đến mở lớp dạy trong làng. Ông theo học cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ, trình độ tương đương bậc tiểu học ngày nay. Sau này tập kết ra Hà Nội, ông được tổ chức cho đi học bổ túc để nâng cao trình độ.

Ông Nguyễn Đức Minh ảnh tư liệu
Ông Nguyễn Đức Minh ảnh tư liệu

Trong làng, Nguyễn Đức Minh thường chơi thân với những người anh như Huỳnh Hàng, Huỳnh Huýnh... nên ảnh hưởng tư tưởng tiến bộ, sớm tham gia cách mạng từ tháng 8/1945. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông tròn mười chín tuổi, tuổi trẻ sôi sục căng tràn sức sống, hăng say tham gia phong trào cách mạng tại địa phương, ông được bầu làm Trưởng ban trinh sát của Ủy ban cách mạng lâm thời làng An Mỹ.  

Năm 1947, quân Pháp đánh chiếm Hội An, thực hiện chủ trương tản cư của thị ủy, Nguyễn Đức Minh theo gia đình tản cư về quê ngoại Gò Nổi, một thời gian sau nơi đây cũng bị giặc đánh phá nên phải tiếp tục di chuyển về Cát Cao, rồi Lạc Câu đến năm 1948 hồi cư về quê tiếp tục hoạt động cách mạng tại địa phương.

Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, nhân dân Hội An rạo rực trong niềm vui chiến thắng sau những năm kháng chiến trường kỳ, anh dũng. Nhưng “ngày độc lập chưa vui tròn sáu khắc, đêm hòa bình chưa hưởng trọn năm canh”, bao nỗi lo, bao nhiệm vụ mới chất chồng. Chấp hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, các tổ cơ quan, đơn vị của Hội An cấp tốc chuyển quân, đổi vùng và tập kết ra miền Bắc.

Năm 1955, Nguyễn Đức Minh tập kết ra Bắc, được bố trí công tác tại Sở Thuế vụ Hà Nội, sau đó làm quản đốc Xí nghiệp Bánh kẹo công tư hợp doanh Hà Nội. Được sống làm việc và học tập tại thủ đô nhưng lòng dạ Nguyễn Đức Minh lúc nào cũng khôn nguôi nhớ về quê hương, ở nơi đó, đồng chí, đồng bào mình đang ngày đêm chiến đấu giải phóng quê hương.

Tháng 10/1962, Nguyễn Đức Minh xung phong về lại chiến trường miền Nam, sau 115 ngày đêm hành quân cùng đồng đội, ông mới đến căn cứ Khu ủy V và được bố trí công tác tại Ban Kinh tài Khu ủy khu V, sau đó được phân công nhiệm vụ mới hoạt động tại các huyện đồng bằng phía nam Quảng Đà, rồi cánh Bắc Hội An.

Năm 1965, ông làm Bí thư xã Cẩm Châu, năm 1967 được bầu vào Ban Thường vụ Thị ủy, Trưởng ban Đấu tranh chính trị thị xã Hội An. Năm 1968 làm Bí thư xã Cẩm Nam, sau đó làm Chánh văn phòng Thị ủy Hội An.

Cán bộ nhân viên Xí nghiệp bánh kẹo công tư hợp doanh Hà Nội vui mừng chào đón ông Nguyễn Đức Minh về công tác tại đơn vị Ảnh: tư liệu N.Đ.M
Cán bộ nhân viên Xí nghiệp bánh kẹo công tư hợp doanh Hà Nội vui mừng chào đón ông Nguyễn Đức Minh về công tác tại đơn vị Ảnh: tư liệu N.Đ.M

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, Nguyễn Đức Minh chỉ huy cánh quân phía Nam thị xã với hơn 5.850 quần chúng cách mạng vũ trang giáo, mác, dao, rựa, đòn xóc, dây, gậy… khí thế hừng hực tiến về nội ô giải phóng quê hương.

Năm 1969, ông làm Trưởng ban Công tác nội ô Hội An, Chính trị viên Thị đội. Đầu năm 1970, hội nghị Thị ủy Hội An tổ chức tại thôn 5, xã Bình Dương (Thăng Bình), Nguyễn Đức Minh được bầu làm Phó Bí thư Thị ủy.

Sau những ngày chiến đấu gian khổ, đói cơm, lạt muối, sức khỏe ông suy kiệt. Tháng 2/1971, ông được Ban Thường vụ Đặc khu ủy quyết định đưa ra miền Bắc chữa bệnh tại Bệnh viện Việt - Xô. Những ngày chữa bệnh tại đây, Nguyễn Đức Minh luôn được anh em trong ban liên lạc đồng hương, bạn bè như anh Cao Hồng Lãnh, Đặng Tiên, Phùng Phát Tân, Nguyễn Tấn Trân... tận tình thăm hỏi, động viên.

Tháng 10/1972, sau khi chữa bệnh, an dưỡng, sức khỏe đã hồi phục tốt, một lần nữa Nguyễn Đức Minh xin trở lại miền Nam chiến đấu. Tháng 3/1975, ông tiếp tục làm Phó Bí thư Thị ủy. Sau ngày quê hương được giải phóng, Nguyễn Đức Minh được bầu làm Chủ tịch UBND thị xã Hội An đến tháng 8/1983 thì nghỉ hưu.

Trong những năm tháng lãnh đạo chính quyền thị xã, ông luôn trăn trở, lo từng cái ăn, cái mặc, học hành cho con em và nhân dân thị xã, vượt qua gia đoạn đầy khó khăn, đói khổ của những năm đầu giải phóng. Ông là một trong những người có công lớn về việc thực hiện chủ trương của Đảng bộ Hội An như mở các tuyến đường quốc phòng kết hợp dân sinh mang tên Thanh niên, Quyết thắng trên đảo Cù Lao Chàm, xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Hội An và các công trình thủy lợi, tuyến giao thông trọng điểm của địa phương. Góp phần giữ vững an ninh chính trị, củng cố quốc phòng, ổn định đời sống nhân dân, khắc phục hậu chiến tranh.

Khi đã nghỉ hưu nhưng khi Thị ủy chủ trương thành lập Câu lạc bộ hưu trí Hội An, ông được chỉ định làm chủ nhiệm. Trong thời gian công tác tại câu lạc bộ, nhiều hoạt động ý nghĩa được ông tổ chức, tập hợp đoàn kết đội ngũ cán bộ hưu trí sinh sống trên địa bàn, tiếp tục có những đóng góp ý tưởng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Có thể nói cuộc đời của Nguyễn Đức Minh là một chuỗi thực tiễn lịch sử sinh động. Một chiến sĩ dạn dày kinh nghiệm, với khát vọng dấn thân, luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, luôn phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng và dân tộc. Nguyễn Đức Minh là một con người bình dị, như chính những lời tâm sự cuối cùng của trong tập Hồi ký “Đời tôi” đã xuất bản, trước khi ông trở về thế giới người hiền năm 2015:

“Hồi ức ngẫm lại đời ta

Cuộc đời bình dị như hoa giữa đồng

Bao nhiêu gian khổ chất chồng

Đắng cay mưa nắng giữ lòng kiên trung...”

Với những công hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương, ông đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Nhì; Huân chương Độc lập hạng Ba.

PHÙNG TẤN VINH