Người Hội An tri ân tổ nghề may
(QNO) – Hằng năm, vào ngày 12 tháng Chạp âm lịch, giới thợ may tại Hội An lại thành kính tổ chức lễ giỗ tổ nhằm tri ân, ngưỡng vọng công đức tổ nghề và tiền bối.
Với giới may mặc Hội An, ngày giỗ tổ không chỉ là tưởng nhớ, tri ân công đức người sáng lập nghề may mà còn là nét văn hóa tâm linh trong đời sống.
“Lễ giỗ tổ nghề đã có từ lâu, chúng tôi coi đây văn hóa tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của người Việt. Đây là dịp để những người làm thợ may như tôi nhớ về cội nguồn, nguồn gốc nghề của mình. Ở Hội An, ai làm nghề may mặc cũng tổ chức lễ giỗ tổ nghề dịp này” - anh Lê Xuân Đức một những người làm nghề may nóng lâu năm tại Hội An chia sẻ.
Nghề may mặc, thời trang ở Hội An - nhất là may "nóng" là một trong những nghề ăn nên làm ra, thu hút rất nhiều lao động. Trước khi chưa có dịch Covid-19, Hội An có khoảng 7 ngàn lao động làm nghề may.
Du khách quốc tế đến Hội An rất ấn tượng với nghề may "nóng". Nhiều người cho biết họ du lịch đến nhiều nơi nhưng ưng ý nhất cách phục vụ thức thời của giới thời trang Hội An, chưa kể chất lượng và tính thẩm mỹ của thợ may ở đây.
Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành du lịch đang phục hồi trở lại, tuy lượng khách châu Âu chưa nhiều, song ngành may "nóng” ở Hội An đang thu hút lượng lao động khá lơn trong nghề may mặc và thời trang.
Bà Đoàn Thị Toàn - chủ shop Be Be cho biết lúc chưa có Covid-19, shop này thu hút đến 200 lao động. Nay mới hồi phục cũng thu hút hơn 100 lao động làm việc tại shop.
Theo tìm hiểu, bình quân thu nhập những người làm nghề may mặc, thời trang tại Hội An khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Nghề may mặc tại Hội An cũng góp phần rất lớn cho phát triển du lịch tại đây.
Du khách đến chọn vải, đo, tư vấn và được thiết kế ngay tại chỗ.