Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ
Nhằm tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, huyện Đại Lộc đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, nhiều mô hình mang lại hiệu quả.
Vì trẻ em
Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH tại tọa đàm “Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em năm 2022”, từ năm 2020 đến nay, Quảng Nam đã phát hiện 70 vụ với 84 đối tượng xâm hại 80 trẻ em. Trong đó, xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi là 59 vụ; giết chết trẻ em 4 vụ; cố ý gây thương tích 4 vụ; các hành vi xâm hại khác 3 vụ.
Đáng lo ngại là tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em ít được cộng đồng chủ động tố giác, trình báo với cơ quan chức năng, nhiều vụ việc kéo dài...
Tại Đại Lộc, Công an huyện thông tin, năm 2022, trên địa bàn huyện xảy ra 5 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. Trong đó, có 1 vụ giết người, 1 vụ giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, 2 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi, 1 vụ dâm ô với người dưới 16 tuổi.
Như vậy, có thể thấy tính chất của các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Những thực trạng trên cho thấy, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ là mục tiêu cần được chú trọng, ưu tiên hàng đầu nhằm bảo vệ những mầm xanh - tương lai của đất nước.
Đại Lộc hiện có tổng số 29.959 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 19,13% dân số); trong đó có 16.091 trẻ dưới 6 tuổi, 821 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Đại Lộc có 8 địa phương chưa được công nhận phù hợp với trẻ em, trong 2 năm 2021, 2022 có 5 địa phương có trẻ em bị xâm hại.
Ông Đặng Văn Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay, công tác bảo vệ, chăm sóc, phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ được huyện đặc biệt quan tâm.
Đến nay, Ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ em huyện và Ban bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở 18/18 xã, thị trấn trên địa bàn đã được thành lập, thường xuyên kiện toàn và hoạt động có hiệu quả.
Tất cả trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được theo dõi và có các biện pháp hỗ trợ khi cần thiết. Công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em luôn được địa phương quan tâm thực hiện.
Các chương trình bảo vệ trẻ được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt ở cả ba cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp. Địa phương chú trọng thực hiện, làm tốt ở cấp độ phòng ngừa và hỗ trợ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra các trường hợp trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt phải can thiệp.
Huyện cũng chỉ đạo phổ biến thông tin Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Tổng đài của Trung tâm công tác xã hội Quảng Nam 18001581 để mọi người dân và trẻ em liên hệ khi có nhu cầu hỗ trợ.
Mỗi năm, ngân sách nhà nước chi trợ cấp hằng tháng cho trẻ em thuộc đối tượng này theo Nghị định số 20/201/NĐ-CP với số tiền gần 3,6 tỷ đồng. Năm 2022, huyện đã huy động hơn 500 triệu đồng vào Quỹ Bảo trợ trẻ em cấp huyện nhằm hỗ trợ kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em.
Nhiều cách làm hay
Trường THCS Nguyễn Trãi (thị trấn Ái Nghĩa) hiện có gần 1.100 học sinh, học 2 buổi/ngày nên nguy cơ xảy ra các vấn đề bạo lực luôn tiềm ẩn. Theo Ban giám hiệu nhà trường, để ngăn chặn nguy cơ bạo lực học đường, nhà trường chú trọng đến công tác phối hợp với địa phương, gia đình học sinh trong việc tuyên truyền phòng, chống bạo lực thông qua các buổi sinh hoạt, nói chuyện dưới cờ.
Nhà trường còn kết hợp mời Đoàn Thanh niên, Công an thị trấn Ái Nghĩa trực tiếp đến báo cáo chuyên đề để học sinh hiểu rõ tác hại của bạo lực học đường và hướng để các em phòng tránh.
Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Trãi còn lập danh sách tất cả học sinh có những biểu hiện chưa tốt về hành vi đạo đức, thường xuyên vi phạm nội quy học sinh để nắm thông tin, xử lý kịp thời khi có vấn đề xảy ra.
Các hoạt động giáo dục giới tính cho trẻ, nhất là nữ sinh khối 8, 9 được chú trọng. Nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tích cực tìm hiểu, nắm bắt tâm lý học sinh, chủ động phối hợp với phụ huynh để cùng có cách can thiệp hợp lý, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Tại xã Đại Cường, trong tổng số 1.992 trẻ em, có 1.627 trẻ dưới 16 tuổi. Địa phương lập danh sách trẻ em yếu thế trong xã hội như trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khuyết tật, mồ côi, trẻ em có bố mẹ ly hôn, bố mẹ đi làm ăn xa, trẻ em thuộc hộ nghèo và cận nghèo để kịp thời có sự quan tâm, hỗ trợ.
Năm 2022, UBND xã đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tổ chức diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” nhân kỷ niệm ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, tạo cơ hội để trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình. Đồng thời trao tặng 98 suất quà trị giá gần 20 triệu đồng; hỗ trợ đỡ đầu cho 1 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ (200 nghìn đồng/tháng)...
Với những nỗ lực, sự vào cuộc tích cực, trong năm 2022, trên địa bàn xã Đại Cường không có các vụ việc liên quan đến trẻ em như không có trẻ mắc tệ nạn xã hội, không để xảy ra các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em...
Góp phần chăm sóc, hỗ trợ trẻ em, Hội LHPN huyện Đại Lộc là đơn vị có nhiều hoạt động thiết thực.
Bà Nguyễn Thị Mừng - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đại Lộc cho biết, các cấp hội phụ nữ huyện đã chủ động chỉ đạo phối hợp thực hiện tốt “Tháng hành động vì trẻ em”, chương trình “Mẹ đỡ đầu”... Qua đó, có 64/180 trẻ em mồ côi khó khăn được hội kết nối hỗ trợ.
“Đặc biệt, chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã có sự lan tỏa rất lớn, qua đó vận động hỗ trợ từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/tháng/trẻ. Khi được mẹ nhận đỡ đầu, các con còn được nhận sự quan tâm, chia sẻ, động viên và các mẹ trở thành chỗ dựa tinh thần trong cuộc sống. Hội LHPN huyện còn kết nối, tiếp sức học sinh vượt khó, hỗ trợ 254 xe đạp, 41 góc học tập, 15 khu vui chơi an toàn cho trẻ, trao 1.715 suất quà hỗ trợ trẻ khó khăn...