Cầu qua phố thị

PHẠM QUỐC 25/12/2022 07:38

Đã qua rồi thời kỳ phố thị mong mỏi những cây cầu chỉ để giao thương đi lại. Cầu ngang qua phố bây giờ thường có yêu cầu khắt khe về tính thẩm mỹ, tạo hình kiến trúc để tương thích với không gian và tô thêm vẻ đẹp cho đô thị.

Những cây cầu qua phố trong tương lai không chỉ phục vụ nhu cầu giao thương mà còn cần có kiến trúc, thẩm mỹ phù hợp tạo hình ảnh cho không gian đô thị. Ảnh: Q.T
Những cây cầu qua phố trong tương lai không chỉ phục vụ nhu cầu giao thương mà còn cần có kiến trúc, thẩm mỹ phù hợp tạo hình ảnh cho không gian đô thị. Ảnh: Q.T

Chỉ chừng hai mươi năm, từ chỗ nhiều người dân ở bờ đông thành phố bên sông Hàn mỗi ngày phải lận đận cùng sóng nước bên bến phà An Hải thì nay Đà Nẵng đã được gắn với danh xưng “thành phố của những cây cầu”.

Khi gõ cụm từ khóa trên vào công cụ tìm kiếm, Đà Nẵng phủ sóng ở các lượt kết quả hàng đầu. Từ chiếc cầu xoay Sông Hàn nối nhịp đôi bờ, là biểu tượng của thành phố. Cầu Rồng thì từng nhiều lần đoạt các giải thưởng quốc tế về kỹ thuật xây dựng. Đến cầu Trần Thị Lý với dây văng độc đáo tạo hình cánh buồm như tái hiện hình ảnh chính cách thành phố chuyển mình vươn lên giữa gian khó.

Hiệu ứng thành phố của những cây cầu ở Đà Nẵng mới đây còn tạo thêm tiếng vang khi Cầu Vàng tại Bà Nà Hills được vinh danh là cây cầu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới của Giải thưởng du lịch World Travel Awards. Có lẽ, Đà Nẵng là nơi đầu tiên trên đất nước khởi xướng cho xu thế cầu không chỉ để giao thương mà còn phục vụ đa mục tiêu, nhất là xây dựng hình ảnh, vị thế đô thị.  

Cầu Nguyễn Duy Hiệu bắc qua sông Cổ Cò là cây cầu mới hình thành trong hành trình nạo vét, hồi sinh dòng sông Cổ Cò. Dù con sông vẫn chưa thông, cầu mới hình thành nhưng cũng mang đến sinh khí những miệt đất ven sông Cẩm Hà (Hội An) và Điện Dương (Điện Bàn).

Kiến trúc cầu Nguyễn Duy Hiệu khiến nhiều người liên tưởng hình ảnh cây bút lông mà chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu từng dùi mài kinh sử năm nào bên dòng Lộ Cảnh giang huyền thoại. Khu vực nơi cầu bắc qua cũng là nơi quê nhà của chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu, để thấy kiến trúc của cầu nếu thiết kế sáng tạo, tương thích với câu chuyện của quê xứ cũng có thể giúp khơi dậy ký ức lẫn gợi mở khát vọng phát triển cho mai sau.

Không chỉ là cầu Nguyễn Duy Hiệu, tại cuộc họp về việc thiết kế cảnh quan ven sông Cổ Cò và khu vực ven biển từ Điện Bàn đến Hội An, lãnh đạo tỉnh cũng đã xác định sẽ bố trí 8 cây cầu chính qua sông theo quy hoạch đã duyệt. Ngoài ra nghiên cứu bố trí một số cầu đi bộ tại vị trí phù hợp phục vụ phát triển du lịch, thương mại dịch vụ hai bên bờ sông. 

Cầu Nguyễn Duy Hiệu bắc qua sông Cổ Cò có thiết kế khá ấn tượng. Ảnh: Q.T
Cầu Nguyễn Duy Hiệu bắc qua sông Cổ Cò có thiết kế khá ấn tượng. Ảnh: Q.T

Hội An là vùng đất vốn “hội thủy” với hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt, nên cần tính toán hình hài của những cây cầu trong quy hoạch tổng thể của đô thị cổ. Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho hay những cây cầu ở Hội An trong tương lai không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thương mà còn phải có kiến trúc, thẩm mỹ phù hợp để tương thích với đô thị di sản và tiến trình phát triển du lịch. 

Thử gõ cụm từ “cầu ở Hội An” trên google, nhanh chóng cho ra hơn 200 triệu kết quả trong vòng 0,6 giây, đủ thấy sự quan tâm của mọi người đến vấn đề này. Ngoài Chùa Cầu đã quá nổi tiếng, Hội An còn có những cây cầu mới xây đẹp đến nao lòng, là điểm tham quan, ngắm cảnh được du khách yêu thích.

Các cây cầu nơi phố Hội đều có điểm chung là khá nhỏ, xe cộ qua lại cũng phải nhường nhau. Là cầu nối quảng trường sông Hoài với phố cổ; là cầu An Hội nối phố cũ và phố mới, được trang trí bắt mắt để tạo điểm “check in” cho du khách; là cầu Cẩm Nam bắc qua sông Hoài vào phố cổ, được tô sắc bởi đèn lồng lung linh khi về đêm... Các cây cầu nhỏ đã đi vào miền nhớ của những ai đặt chân đến vùng đất này.

KTS. Melanie Doremus - Công ty AREP (đơn vị tư vấn quy hoạch chung TP.Hội An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050) cho rằng, hình ảnh của những cây cầu đối với TP.Hội An sẽ rất quan trọng.

Để thành phố phát triển hài hòa, cần tính toán được khu vực nào sẽ bố trí cầu đi bộ và khu vực nào phát triển cầu giao thông. Nếu không nó sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa một khi chỉ chú trọng tăng số lượng cầu. Mỗi cây cầu mọc lên là nét chấm phá vào bức tranh của phố, thậm chí là thương hiệu của phố. Làm sao để việc quy hoạch hệ thống cầu hài hòa và mang tính tổng thể, đảm bảo yếu tố thẩm mỹ đối với vùng đất đặc biệt này, là điều cần được chú trọng.

PHẠM QUỐC