Chú trọng phát triển văn hóa, con người Quảng Nam

A.B 23/12/2022 08:32

(QNO) - Ngày 21/12, Tỉnh ủy có Công văn 1483 về tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, trong đó khẳng định vai trò, vị trí của văn hóa trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Quảng Nam hướng đến xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa gắn với gìn giữ, lan tỏa giá trị, bản sắc. Ảnh: X.H
Quảng Nam hướng đến xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa gắn với gìn giữ, lan tỏa giá trị, bản sắc. Ảnh: X.H
Tại Quảng Nam, qua 1 năm triển khai nội dung chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh được tăng cường, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống xã hội được nâng lên. Có sự đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư xây dựng, thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Quảng Nam đạt được những kết quả bước đầu, góp phần tích cực vào việc xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như đầu tư cho văn hóa chưa thực sự đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị. Chất lượng hoạt động văn hóa chưa đồng đều và chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Đội ngũ cán bộ làm văn hóa còn hạn chế; việc phát triển công nghiệp văn hóa và môi trường văn hóa số chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra...

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến đầy đủ nội dung chỉ đạo.

Qua đó tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Trong đó, có mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Nam trong từng giai đoạn. Trước hết, phấn đấu đến năm 2030, xây dựng Quảng Nam thành tỉnh phát triển khá của cả nước.

Xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư gắn với thực hiện Kế hoạch về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tiếp tục quán triệt sâu sắc, toàn diện và đồng bộ tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng ta, đặc biệt là quan điểm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý nhằm bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng và phát triển văn hóa ở các cấp. Kiểm tra, giám sát việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng về văn hóa. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư đối với việc tổ chức và quản lý hoạt động văn hóa.

Xây dựng con người Quảng Nam thời kỳ mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia, dân tộc. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa.

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Chú trọng thực hiện các chương trình phục hồi, bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh

Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh theo chỉ đạo của Chính phủ gắn với yêu cầu nhiệm vụ phát triển văn hóa của tỉnh. Đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh.

Đề cao vai trò, trách nhiệm và các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thanh thiếu nhi, cùng với nhà trường giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng và kỹ năng ứng xử văn hóa trong xã hội văn minh. Đẩy mạnh xây dựng đội ngũ doanh nhân giỏi, kinh doanh đúng pháp luật, có trách nhiệm cao đối với cộng đồng và xã hội.

Rà soát thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở các cấp để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới...

A.B