Phát triển công nghiệp cơ khí và hỗ trợ

TRỊNH DŨNG 22/12/2022 07:36

Ước vọng về một trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ miền Trung tại Chu Lai đã không còn viễn tưởng, khi Công ty Tập đoàn công nghiệp Trường Hải (THACO Industries) vừa được công bố thành lập, khánh thành trung tâm cơ khí quy mô hàng đầu Việt Nam tại Chu Lai.

Dây chuyền sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ tại Chu Lai. Ảnh: T.D
Dây chuyền sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ tại Chu Lai. Ảnh: T.D

Chiến lược phát triển

THACO Industries (tổng vốn đầu tư hơn 550 triệu USD, trên diện tích 120ha và 6.500 nhân sự) đã chính thức công bố, thực hiện chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm cơ khí và công nghiệp hỗ trợ cơ khí quy mô lớn tại Chu Lai.

THACO Industries sẽ sản xuất: sơ mi rơ moóc, thiết bị công nghiệp, thiết bị nông nghiệp, linh kiện phụ tùng ô tô, linh kiện phụ tùng ngoài ngành ô tô, nguyên vật liệu và gia công cơ khí theo công đoạn của quy trình công nghệ sản xuất theo yêu cầu khách hàng.

Tập đoàn sẽ nâng cấp, mở rộng các nhà máy hiện hữu, đầu tư các dự án mới như: tổ hợp nội thất xe du lịch, sản xuất kính xe du lịch, mâm xe, linh kiện và sản phẩm xuất khẩu, các dây chuyền đúc, dập nóng và phát triển các dự án sản xuất công nghệ cao, như sản xuất và lắp ráp linh kiện bo mạch điện tử, robot công nghiệp…

Dự kiến, đến năm 2025, tập đoàn sẽ nâng lên 36 nhà máy công nghiệp hỗ trợ và 1 tổ hợp cơ khí chế tạo, hướng đến trở thành trung tâm cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, là hạt nhân liên kết vùng tại miền Trung.

Sau 20 năm “nhập cư” Quảng Nam, THACO đã trở thành “người khổng lồ”. Các dòng xe THACO sản xuất có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất Việt Nam (bus 60%, xe tải 35 - 45%, xe du lịch bình quân 25%). Thông qua ô tô, THACO đã phát triển và vận hành một trung tâm cơ khí, công nghiệp hỗ trợ lớn nhất Việt Nam.

Khánh thành Trung tâm cơ khí quy mô hàng đầu Việt Nam tại Chu Lai. Ảnh: T.D
Khánh thành Trung tâm cơ khí quy mô hàng đầu Việt Nam tại Chu Lai. Ảnh: T.D

Không chỉ thành công trong nền kinh tế vận hành bình thường, THACO đã tìm thấy cơ hội ngay trong đại dịch. Nhiều mặt hàng linh kiện phụ tùng, cơ khí xuất khẩu vẫn tăng về số lượng lẫn giá trị.

THACO đã nhận các đơn hàng từ đối tác, khách hàng bên ngoài, bao gồm nhóm sản phẩm ô tô, xe máy cho các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước: Toyota, Isuzu, Hyundai, Piaggio và nhóm các sản phẩm gia công cơ khí cho đối tác tại các tỉnh miền Trung: Makitech, Doosan, General Electric và các tỉnh phía nam như TTi, Schindler.

Cảng Chu Lai tấp nập xuất đi những lô hàng sang một số thị trường lớn và cao cấp như Mỹ (sơ mi rơ moóc), Nhật Bản (xe đẩy hành lý sân bay), Hàn Quốc (linh kiện cơ khí xe chuyên dụng, phụ tùng ô tô), Australia (linh kiện cơ khí cho khai thác mỏ), Thụy Điển (phụ kiện nông nghiệp), Phần Lan (băng chuyền, silo)...

Doanh thu từ công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của THACO năm 2022 hơn 11.500 tỷ đồng (xuất khẩu xấp xỉ 200 triệu USD). Kế hoạch doanh thu năm 2023, sẽ lên 20.000 tỷ đồng (tăng 75% so năm 2022; xuất khẩu 400 triệu USD, tăng gấp đôi năm 2022).

Dây chuyền sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ tại Chu Lai. Ảnh: T.D
Dây chuyền sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ tại Chu Lai. Ảnh: T.D

THACO Industries ra đời thể hiện chiến lược phát triển cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trở thành ngành sản xuất, kinh doanh chính của THACO. Điều này đã vượt qua khỏi khuôn khổ phát triển nội bộ.

Ông Đỗ Minh Tâm - Tổng Giám đốc THACO Industries nói, tập đoàn chuyển hướng mạnh ra bên ngoài, cung cấp các giải pháp công nghiệp theo chuỗi giá trị xuyên suốt từ nghiên cứu và phát triển sản phẩm - gia công và chế tạo - lắp đặt - chuyển giao vận hành và bảo trì, thông qua các hình thức: tự sản xuất và hợp tác liên kết/liên doanh với đối tác trong và ngoài nước, sẵn sàng liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp khác để thiết lập một mô hình mới trong sản xuất, kinh doanh cơ khí và công nghiệp hỗ trợ.

Cơ hội

Theo nhiều cuộc khảo sát, Quảng Nam có hơn 2.000 cơ sở sản xuất, gia công, sửa chữa cơ khí, máy móc nông nghiệp, xây dựng..., nhưng có đến 97% là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiết bị sản xuất không đồng bộ, nguyên phụ liệu phụ thuộc nguồn nhập khẩu, thiếu sự liên kết... nên thiếu sản phẩm chủ lực, yếu sức cạnh tranh, không đủ năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Việc hình thành một trung tâm cơ khí và công nghiệp hỗ trợ với “con sếu” dẫn đầu là THACO sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành cơ khí địa phương.

Quảng Nam đã hình thành nhiều khu công nghiệp, chính quyền đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách kêu gọi các doanh nghiệp ưu tiên đầu tư vào cơ khí, công nghiệp hỗ trợ để trở thành ngành kinh tế chủ lực.

Quảng Nam đang phối hợp THACO thực hiện đề án “Thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác sản xuất theo cụm, ngành công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ tại Chu Lai”.

Địa phương đã đề nghị Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT bổ sung quy hoạch quốc gia trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp phụ trợ tại Chu Lai. THACO đã xác định cơ khí, công nghiệp hỗ trợ là ngành sản xuất, kinh doanh chính trong chiến lược phát triển.

Tập đoàn có đủ tiềm lực để dẫn dắt, liên kết doanh nghiệp nhỏ và vừa, hình thành hệ sinh thái sản xuất cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, không chỉ cho Quảng Nam mà cho cả miền Trung.

Tháng 10/2021, chính quyền Quảng Nam và THACO đã cùng mở cuộc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia công cuộc xây dựng mô hình mới về cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trong chiến lược đầu tư của THACO. Cuộc hợp tác này như cột mốc đánh dấu việc xúc tiến hình thành một trung tâm, cứ điểm phát triển ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tại Quảng Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tuyên bố, việc thành lập THACO Industries, khánh thành Trung tâm công nghiệp cơ khí, khởi công Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) đã khẳng định quyết tâm, sự kiên định của THACO, sự thống nhất của THACO và chính quyền địa phương trong thực hiện chiến lược phát triển cơ khí và công nghiệp hỗ trợ quy mô lớn, tạo động lực phát triển ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Kết nối hay hợp tác không chỉ mang lại cơ hội cho THACO hay Quảng Nam mà cơ hội cho tất cả doanh nghiệp, cho những người “yêu” cơ khí và công nghiệp hỗ trợ khi dự phần vào tính khả thi của một mô hình sản xuất, kinh doanh mới, khởi đầu từ Quảng Nam để doanh nghiệp chủ động đón đầu cơ hội đầu tư chiều sâu hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

TRỊNH DŨNG