Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2030: Nâng chuỗi giá trị liên kết lâm nghiệp bền vững

ALĂNG NGƯỚC 22/12/2022 07:32

Bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, các địa phương miền núi trong tỉnh đang định hướng xây dựng hệ sinh thái phát triển lâm nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết giúp huy động nguồn lực, nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng của sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững.

Sâm Ngọc Linh được kỳ vọng mang lại giá trị chuỗi khép kín sản phẩm cao cấp phục vụ người tiêu dùng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Sâm Ngọc Linh được kỳ vọng mang lại giá trị chuỗi khép kín sản phẩm cao cấp phục vụ người tiêu dùng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Chuỗi khép kín ngành dược liệu

Là địa phương được biết đến với danh xưng “thủ phủ sâm Ngọc Linh”, huyện Nam Trà My có nhiều lợi thế và tiềm năng thực hiện các mô hình phát triển, khai thác dược liệu dưới tán rừng, cũng như lâm sản ngoài gỗ.

Trong đó, sâm Ngọc Linh đóng vai trò quan trọng, tạo điểm tựa giúp các hoạt động khai thác được triển khai sâu rộng, tạo nền tảng để xây dựng chuỗi giá trị liên kết lâm nghiệp một cách hiệu quả và bền vững.

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, với diện tích rừng tự nhiên hơn 42.000ha, độ che phủ đạt khoảng 60%, địa phương được đánh giá cao về mật độ đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên.

Nơi này là địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), sống chủ yếu dựa vào rừng nên việc giữ rừng luôn được cộng đồng quan tâm, nhất là từ khi sâm Ngọc Linh mang lại giá trị kinh tế cao giúp người dân làm giàu nhanh chóng.

Những năm qua, bằng các nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ, người dân Nam Trà My chuyển đổi dần phương thức canh tác nương rẫy sang phát triển rừng cây dược liệu dưới tán rừng. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng có độ ẩm cao, lượng mưa kéo dài, thảm thực vật dày ở tầng đất với độ mùn lớn… vùng đất Nam Trà My rất phù hợp trồng các loại dược liệu dưới tán rừng.

“Tận dụng lợi thế này, chúng tôi khuyến khích mở rộng trồng và phát triển các loại dược liệu quý bản địa như sâm Ngọc Linh, quế Trà My, đảng sâm, đương quy… góp phần quan trọng trong giảm nghèo, nâng cao thu nhập ổn định cho người dân địa phương” - ông Mẫn chia sẻ.

Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Trên cơ sở cụ thể hóa các nghị quyết của tỉnh, đặc biệt là cơ chế chính sách hỗ trợ miền núi, Nam Trà My xây dựng chiến lược trồng rừng, bảo vệ rừng gắn với đầu tư phát triển vùng chuyên canh quế Trà My; bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu quý.

Trong mục tiêu phát triển của huyện, chính sách quản lý, bảo vệ và trồng rừng được xác định là yếu tố quan trọng giúp nâng độ che phủ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên đạt chất lượng các bon.

Các tiêu chí này sẽ là “thước đo” đánh giá mức độ phát triển rừng bền vững, cũng như phát huy tối đa lợi thế so sánh của rừng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“Chúng tôi xác định bảo tồn và bảo vệ tốt một số loại cây dược liệu quý phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng sẽ góp sức vào mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu dược liệu ổn định, hướng đến cải thiện sinh kế bền vững cho người dân.

Trên cơ sở xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành các ngành sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị khép kín hiện đại, tạo sản phẩm mang tính cạnh tranh ra thị trường” - ông Mẫn nói.

Người dân hưởng lợi

Theo kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tổng mức vốn đầu tư phát triển giai đoạn 1 (2021 - 2025) tại Quảng Nam khoảng hơn 1.491 tỷ đồng.

Năm 2023 dự kiến phân bổ vốn đầu tư phát triển hơn 416 tỷ đồng và vốn sự nghiệp 468 tỷ đồng triển khai thực hiện các dự án thành phần quan trọng, đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân miền núi về chỗ ở, nước sinh hoạt, phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững…

Tại Đông Giang, Trưởng phòng NN&PTNT huyện - Nguyễn Văn Bình cho biết, địa phương quan tâm đặc biệt đến hoạt động đầu tư phát triển chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp, nhất là mở rộng vùng dược liệu dưới tán rừng. Để đáp ứng nhu cầu phát triển theo hướng liên kết mới, địa phương kêu gọi nguồn lực hỗ trợ giúp người dân thực hiện dự án kết nối, hình thành vùng nguyên liệu tập trung mang chuỗi giá trị sản xuất bền vững.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu xúc tiến thành lập trung tâm trưng bày sản phẩm lâm nghiệp tại các làng du lịch cộng đồng nhằm thu hút khách du lịch, mở hướng phát triển kinh tế, ổn định thu nhập cho người dân.

Ngoài ra, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nông - lâm nghiệp, giúp người dân hưởng lợi hiệu quả từ các dự án hỗ trợ, nhằm cải thiện sinh kế một cách lâu dài và bền vững” - ông Bình nói.

Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Viết Tích cho rằng, để các dự án phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, bên cạnh đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị các vùng trồng dược liệu quý, cần thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS.

Đối với các chuỗi giá trị phải thu hút sự đầu tư, tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng để phát triển bền vững, giúp nâng cao đời sống của người dân miền núi. Các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, cũng như xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng, từ đó giúp người dân hưởng lợi một cách hiệu quả nhất.

ALĂNG NGƯỚC