Phụ nữ hợp tác - kiến tạo tương lai
Qua 6 tháng triển khai tại Quảng Nam, chương trình “Phụ nữ hợp tác - kiến tạo tương lai” năm 2022 do Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF) khởi xưởng đã hỗ trợ phụ nữ tự tin khởi nghiệp và định hình con đường phát triển bền vững.
Hiệu quả từ chương trình
Bà Lê Thị Ngọc Tầm - Giám đốc HTX Nước mắm Ngọc Lan (xã Tam Thanh, Tam Kỳ) cho biết, khi tham gia các lớp học trong chương trình “Phụ nữ hợp tác - kiến tạo tương lai” được tiếp cận kiến thức cần thiết trong kinh doanh như tài chính, thị trường và truyền thông. Đồng thời rèn luyện kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giải quyết các vấn đề với khách hàng.
“Mỗi buổi học, chúng tôi được đứng lên trình bày về dự án, sản phẩm của mình. Đó vừa là cơ hội để hoàn thiện các kỹ năng, vừa được nghe chuyên gia phân tích, chỉ ra những vấn đề HTX gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường và định hình sản phẩm. Từ đó kịp thời điều chỉnh, thay đổi chiến lược phù hợp” - bà Tầm nói.
Vừa qua, trong lễ tổng kết chương trình “Phụ nữ hợp tác - kiến tạo tương lai” tại Quảng Nam, bằng dẫn chứng thuyết phục về định hướng kinh doanh, 3 dự án do phụ nữ làm chủ bao gồm Công ty CP Caromi, HTX Nước mắm Ngọc Lan và HTX Quế Trà My Minh Phúc đã xuất sắc vượt qua 10 dự án khác để đoạt giải Nhất.
Các dự án đạt giải sẽ nhận gói hỗ trợ tiền mặt trị giá 50 triệu đồng/doanh nghiệp (gồm tiền mặt trị giá 40 triệu đồng và gói hỗ trợ truyền thông 10 triệu đồng). Cạnh đó, dự án Lò Gạch cũ Farmstay của chị Lê Thị Thanh Nga (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) đã được một thành viên trong Ban cố vấn chương trình trao tặng gói thiết kế thương hiệu trị giá 60 triệu đồng, nhờ hiệu quả sinh kế và bản sắc địa phương mà dự án mang đến.
Cũng theo bà Tầm, hỗ trợ lớn nhất bà nhận được từ chương trình là hoạt động cố vấn 1-1. Các chuyên gia trực tiếp tư vấn, định hướng cho bà từng bước phát triển, xử lý những khó khăn gặp phải và đặt HTX trong quy mô phát triển lớn hơn.
“Qua những kiến thức đã học, tôi đặt quyết tâm phát triển sản phẩm gắn với làng nghề nước mắm Tam Thanh và sản phẩm nước mắm Ngọc Lan. Tuy nhiên, thực tế ở làng nghề chỉ còn vài người lớn tuổi bám trụ, trong khi người trẻ không thực sự mặn mà.
Nếu không kịp thời lan tỏa dự án trong giới trẻ thì làng nghề sẽ mai một, kéo theo sản phẩm không thể phát triển bền vững. Do đó, bên cạnh phát triển sản phẩm phù hợp yêu cầu thị trường, tôi đang tổ chức hoạt động trải nghiệm làng nghề cho giới trẻ. Qua đó, nuôi dưỡng tình yêu làng nghề và nghề truyền thống cho lớp trẻ” - bà Tầm nói.
Bà Nguyễn Thị Hồng Lê - thành viên HTX Quế Trà My Minh Phúc (huyện Bắc Trà My) cho biết, tham gia chương trình đã tạo ra bước ngoặt mới trong sản xuất, kinh doanh của HTX.
Dự án chiết xuất tinh dầu vỏ quế Trà My được HTX ấp ủ từ lâu nhưng không mạnh dạn sản xuất do giá thành cao, chỉ dành cho đối tượng khách hàng cao cấp. Sau khi nhận được tư vấn, thúc đẩy của các chuyên gia trong chương trình, HTX đã cho ra đời sản phẩm này và được các cấp, ngành đánh giá rất cao.
“Trước đây chúng tôi đầu tư dàn trải ở nhiều sản phẩm nhưng chưa xác định sản phẩm chủ lực nên sản xuất, kinh doanh không hiệu quả. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia, chúng tôi đang từng bước đẩy mạnh kinh doanh online, đổi mới bao bì sản phẩm và hướng đến những khách hàng tiềm năng” - bà Lê nói.
Đồng hành với phụ nữ
Bà Đào Thị Hoài Phương - Giám đốc chương trình “Phụ nữ hợp tác - Kiến tạo tương lai” cho biết, Quảng Nam là một trong 2 địa phương được SVF chọn triển khai chương trình trong năm 2022.
Qua tiếp xúc, phụ nữ Quảng Nam khiến những người làm chương trình vô cùng ấn tượng bởi tính năng động, dám nghĩ dám làm. Đó là thế mạnh để phụ nữ hoàn toàn có thể làm chủ dự án khởi nghiệp của mình.
Tuy nhiên, vấn đề nhiều phụ nữ kinh doanh, khởi nghiệp hiện nay vướng phải chính là tâm lý. Do đó, chương trình “Phụ nữ hợp tác - Kiến tạo tương lai” bằng những hoạt động thực tiễn giúp phụ nữ ổn định tâm lý kinh doanh, tiếp xúc khách hàng và quyết đoán trong những tình huống cụ thể. Và quan trọng nhất là giúp phụ nữ vượt qua những định kiến trong gia đình, xã hội.
Sau khi đã hoàn toàn khai mở được tâm lý, chương trình sẽ đào tạo sâu các kỹ năng kinh doanh. Chẳng hạn, kỹ năng về tài chính để phụ nữ biết cách quản lý, tính toán doanh thu hiệu quả. Kỹ năng marketing, bán hàng online và các kỹ năng thuyết trình để phụ nữ tự tin, đủ khả năng thuyết phục các đối tác về sản phẩm, dự án của mình.
“Sau 6 tháng, chúng tôi rất vui mừng khi nghe chủ dự án khởi nghiệp tại Quảng Nam chia sẻ những thay đổi đáng kể về tâm lý. Từ người chỉ chuyên tâm sản xuất, hay rụt rè thì giờ đã mạnh dạn đứng lên chia sẻ dự án trước đám đông. Và có những dự án xuất phát từ những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình đã mạnh dạn thành lập HTX, doanh nghiệp” - bà Phương nói.
Cũng theo bà Phương, “Phụ nữ hợp tác - kiến tạo tương lai” là dự án dài hạn của SVF. Sau khi được đào tạo, hỗ trợ, chị em sẽ được kết nối vào cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của SVF. Tại đây luôn có đội ngũ cố vấn, chuyên gia và được kết nối với các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước. Chỉ cần phụ nữ tâm huyết, muốn khởi nghiệp, kinh doanh sẽ được tư vấn, hỗ trợ.