Phân bổ nguồn lực chống dịch COVID-19: Thu hồi do... vướng chính sách
Nhiều địa phương phải nộp lại ngân sách nhà nước số tiền đã chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19 vì... vướng chính sách. Chưa kể, nhiều bệnh viện, cơ sở y tế cũng phải truy thu với cán bộ y tế sau khi đã chi kinh phí hỗ trợ chống dịch từ... năm trước.
Thu hồi tiền hỗ trợ
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.Tam Kỳ) vừa nộp lại cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 203 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh Thảo - Giám đốc Bệnh viện cho biết, năm 2020, đơn vị này chi hỗ trợ phân luồng khám chữa bệnh cho nhân viên thực hiện sàng lọc trước bệnh viện với mức 80 nghìn đồng/ngày/người. Tuy nhiên, việc chi hỗ trợ này lại không có chế độ quy định tại Nghị quyết số 37 năm 2020 của Chính phủ.
Tiếp tục, năm 2021, bệnh viện chi cho nhân viên hành chính tham gia chống dịch, từ 40% theo lương lên 60% do đây là đơn vị được chỉ định là bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 của Quảng Nam. Việc chi phụ cấp ưu đãi nghề theo tỷ lệ này chưa đúng quy định của Nghị định số 56 năm 2011 của Chính phủ.
Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam (thị xã Điện Bàn) cũng phải nộp lại ngân sách nhà nước hơn 46,9 triệu đồng vì đã chi hỗ trợ cho bộ phận gác cổng bệnh viện cũng như bộ phận phân luồng khám chữa bệnh - đây là thành phần theo Nghị quyết số 37 là không tham gia cách ly, điều trị nên không có chế độ hỗ trợ theo quy định.
Tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Quảng Nam, đơn vị này phải nộp lại 6,9 triệu đồng đã chi cho một cán bộ xét nghiệm với lý do chính sách quy định chưa rõ ràng. Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC Quảng Nam cho rằng, do cách hiểu về thực hiện chế độ phụ cấp đặc thù của đơn vị và Kiểm toán Nhà nước là khác nhau.
Cụ thể, tại thời điểm dịch căng thẳng, cán bộ có chuyên môn về xét nghiệm, ban ngày được phân công đi giám sát, ban đêm về CDC vẫn tiếp tục điều động làm thêm nhiệm vụ tách mẫu và xử lý mẫu theo ca.
Trong quá trình phòng chống dịch, nhiều lực lượng đã đi trực 24/24 giờ, nhưng khi thanh toán, thì được hướng dẫn mỗi người chỉ trực 8 giờ/ngày và cấp phát chế độ cho 8 giờ. Điều này khiến cả cơ sở y tế lẫn địa phương gặp lúng túng trong quá trình làm hồ sơ cấp phát chế độ, chính sách cho các trường hợp tham gia trực.
Tại thị xã Điện Bàn, địa phương này đã thực hiện thu hồi 437 trường hợp trùng đối tượng theo Nghị quyết của HĐND với tổng số tiền hơn 666 triệu đồng. Hiện Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Điện Bàn phải thu thuế thu nhập cá nhân đối với các hộ cung cấp suất ăn tại các khu cách ly, với tổng số tiền 904 triệu đồng.
Lãnh đạo thị xã Điện Bàn cho biết, ngành chức năng của thị xã đang tổng hợp tất cả trường hợp thanh toán chi phí thuê cá nhân nấu ăn tại các tổ chốt chặn, khu cách ly không có hóa đơn để báo cáo UBND thị xã xem xét, chỉ đạo thực hiện.
Tuy nhiên, việc truy thu thuế thu nhập cá nhân theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước đối với các hộ cung cấp suất ăn tại các khu cách ly, với tổng số tiền 904 triệu đồng khó thực hiện được vì trên thực tế, trong cao điểm dịch bệnh COVID-19, người nấu ăn hầu như là những người tự nguyện, vận động hỗ trợ các suất ăn cho các khu cách ly, khu điều trị.
Vướng chính sách
Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng, rất nhiều địa phương đang gặp tình trạng chi trùng đối tượng như tại thị xã Điện Bàn vì... không hiểu Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh.
“Liên quan tới Nghị quyết 45, chính sách tỉnh hỗ trợ cho lao động tự do và một số đối tượng khác, tại đây, đã nêu phạm vi và đối tượng thụ hưởng là lao động tự do nhưng phải ở trong khu vực phong tỏa và giãn cách. Nhiều địa phương khi xác định thì lại thiếu một trong 2 yếu tố này. Đây chính là điều vướng mắc gặp hầu hết ở các địa phương” - ông Nguyễn Quí Quý nói.
Tại Sở Y tế, đại diện các đơn vị y tế cho rằng, việc thanh toán chế độ phụ cấp đặc thù cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 16/2021/NQ-CP, còn một số nội dung chưa phù hợp thực tế và chưa rõ ràng.
Theo đó, chưa có hướng dẫn phụ cấp cho lực lượng tham gia các điểm chốt chặn tại các đường mòn, lối mở của địa phương (không phải toàn tuyến biên giới), các tổ giám sát cộng đồng, các tình nguyện viên (sử dụng ngân sách địa phương).
Chính sách cũng chưa làm rõ nếu được hưởng các chế độ phụ cấp đặc thù thì các chế độ khác (công tác phí; phụ cấp độc hại hiện vật cho đối tượng lấy mẫu tại cộng đồng hoặc bộ phận xét nghiệm…) có được hưởng nữa không. Cạnh đó, quy định cũng chưa làm rõ trường hợp huy động lực lượng tham gia phòng chống dịch dài ngày thì chế độ thanh toán ăn, ở cho các đối tượng này như thế nào.
Công tác triển khai thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch, đại diện Sở Y tế cho rằng, khi dịch bùng phát rộng, nguồn vật tư, sinh phẩm dự trữ không đảm bảo, do đó, bằng mọi cách phải có vật tư, sinh phẩm, hóa chất, thuốc… để xét nghiệm, truy vết, điều trị phục vụ phòng chống dịch.
Các đơn vị (dự phòng, điều trị COVID-19) phải vất vả trong việc tìm kiếm huy động, mượn các nguồn hàng trên để thực hiện phục vụ kịp thời cho phòng chống dịch và gặp nhiều vướng mắc khi triển khai mua sắm đúng quy định để trả nợ hàng mượn cho công tác này.