Sau loạt bài tệ nạn học đường: Cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng

HOÀNG ĐẠO 20/12/2022 16:42

(QNO) - Tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử và sử dụng các đồ chơi có tính chất độc hại có xu hướng gia tăng nhưng thực tế các ngành chức năng và trường học hầu như chỉ mới dừng lại ở biện pháp tuyên truyền và chưa có hành động ngăn chặn hữu hiệu. 

Một buổi tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá trong học đường. Ảnh: H.Đ
Một buổi tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá trong học đường. Ảnh: H.Đ

Tuyên truyền tác hại của thuốc lá

Ngày 9/4/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân ký công văn về việc tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha). Trong đó chỉ rõ, Sở Y tế phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thuốc lá điếu truyền thống và kịp thời phổ biến thông tin về tác hại thuốc lá mới tới cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên và người dân trên địa bàn tỉnh.

Sở GD-ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá mới tới sinh viên, học sinh các cấp. Và có biện pháp phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh, sinh viên...

 

Tài liệu của Sở GD-ĐT cung cấp, cuối tháng 11/2021, sở này ban hành kế hoạch phòng chống tác hại thuốc lá giai đoạn 2021 – 2022 nhưng hoàn toàn không nhắc đến loại hình thuốc lá mới. Phải đến tháng 7/2022 mới có văn bản triển khai sử dụng “Tài liệu hướng dẫn truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới” dành cho học sinh phổ thông do Bộ GD-ĐT phát hành.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam, giai đoạn 2021 - 2022, đơn vị này đã tổ chức hơn 20 buổi truyền thông, hội thi… phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử cho học sinh. Ngoài ra, truyền thông trên các cơ quan báo chí, truyền thông.

Giám đốc CDC Quảng Nam Trần Văn Kiệm nói: “CDC Quảng Nam sẽ tham mưu Sở Y tế tăng cường phối hợp với Sở GD-ĐT tiếp tục tổ chức các đợt cao điểm về truyền thông trực tiếp phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử trong trường học”.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan trong việc phòng chống thuốc lá điện tử xâm nhập học đường. Ảnh: H.Đ
Cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan trong việc phòng chống thuốc lá điện tử xâm nhập học đường. Ảnh: H.Đ

Cần vào cuộc đồng bộ

Ông Ngyễn Văn Lộc – Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ cho biết, ngay sau khi nắm thông tin và chỉ đạo của Sở GD-ĐT, đơn vị đã yêu cầu các hiệu trưởng phải trung thực, khách quan khi xảy ra vấn nạn hút thuốc lá tại trường mình, báo cáo ngay cho phòng, địa phương và gia đình để phối hợp giúp đỡ các học sinh. 

Ngày 16/12, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phùng Văn Huy đã ký công văn tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng hút thuốc lá, thuốc lá điện tử và sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trong học sinh.Theo đó, yêu cầu thực thi nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tuyên truyền thường xuyên Tài liệu hướng dẫn truyền thông về Phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông đến cán bộ, giáo viên, học sinh.

Có biện pháp cấm học sinh mua và sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử và các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tăng cường công tác phối hợp với Đoàn thanh niên, cha mẹ học sinh trong việc theo dõi, giám sát học sinh có nguy cơ sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử...

“Ngành giáo dục chỉ có chức năng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các học sinh và cán bộ, giáo viên chứ không thể ngăn chặn hay xử lý theo pháp luật các hành vi bán thuốc lá, các sản phẩm đồ chơi ngoài phạm vi của trường học. Nên chúng tôi rất cần các cơ quan chức năng cùng vào cuộc và quan trọng nhất vẫn là sự đồng hành của quý phụ huynh” – ông Huy nói.

Học sinh trường THPT Nguyễn Thái Bình mít tinh tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá. Ảnh: H.Đ
Học sinh trường THPT Nguyễn Thái Bình mít tinh tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá. Ảnh: H.Đ

Xử lý nghiêm việc bán thuốc lá điện tử, đồ chơi trẻ em nhập lậu

Liên quan đến tình trạng buôn bán thuốc lá điện tử, các sản phẩm đồ chơi trẻ em có tính chất độc hại xuất hiện tràn lan trên thị trường, phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Lương Viết Tịnh – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường Quảng Nam.

PV:Cục Quản lý thị trường Quảng Nam đã kiểm soát hoạt động buôn bán thuốc lá điện tử, các sản phẩm đồ chơi trẻ em như thế nào, thưa ông?

Ông Lương Viết Tịnh: Trong những năm qua, việc kiểm tra mặt hàng như thuốc lá điện tử, đồ chơi trẻ em có tính chất độc hại, xâm hại sức khỏe, kích động bạo lực luôn được thực hiện thường xuyên. 

Việc xử lý kinh doanh hành lậu, hàng giả, hàng cấm trên môi trường thương mại điện tử và trên nền tảng số, mạng internet khác như Zalo, Facebook cũng thường xuyên trong các kế hoạch kiểm tra định kỳ, kế hoạch chuyên đề và các văn bản chỉ đạo có liên quan.

Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch số 268 về việc đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

PV: Giải pháp sắp đến của Cục Quản lý thị trường tỉnh là gì?

Ông Lương Viết Tịnh:Qua phản ánh của báo chí và nhân dân, Cục Quản lý thị trường Quảng Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm bắt thông tin về việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu đồ chơi trẻ em trên địa bàn quản lý và các điểm bán hàng thực phẩm xung quanh khu vực trường học.

Tăng cường kiểm tra các quầy tạp hóa gần các trường học, kiên quyết xử lý theo quy định đối với loại hàng hóa này nếu người bán không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Đồng thời, chúng tôi xử lý nghiêm đối với cáccác tổ chức, cá nhân kinh doanh trên mạng thương mại điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di độngcó hành vi kinh doanh chào bán các sản phẩm như đồ chơi trẻ em mang tính chất bạo lực, thuốc lá điện tử nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Mặt hàng thuốc lá điện tử hiện nay chưa có những quy định cụ thể điều chỉnh tới khái niệm “thuốc lá điện tử” mà chỉ có khái niệm về “thuốc lá” và chế tài xử lý các hành vi vi phạm đối với thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam kiến nghị các cơ quan chức năng có liên quan hướng dẫn rõ chính sách quản lý mặt hàng thuốc lá điện tử bao gồm cả linh kiện, bộ phận lắp ráp thành phẩm, hương liệu, hóa chất sử dụng để đốt nóng và sản phẩm hoàn chỉnh của mặt hàng này, thời điểm áp dụng và chế tài xử lý.

HOÀNG ĐẠO