Kinh tế - xã hội Nam Trà My năm 2022: Khả quan ở nhiều lĩnh vực

PHÚ THIỆN 19/12/2022 09:32

Năm 2022, phát huy thế mạnh của địa phương, cả hệ thống chính trị huyện Nam Trà My tập trung tổ chức thực hiện chương trình công tác năm 2022 của Huyện ủy đạt nhiều kết quả quan trọng.

Dấu ấn năm 2022 là huyện Nam Trà My đã ký kết thỏa thuận và tiến hành đưa lao động địa phương đi làm việc thời vụ tại quận Hamyang (Hàn Quốc). Ảnh: N.Đ
Dấu ấn năm 2022 là huyện Nam Trà My đã ký kết thỏa thuận và tiến hành đưa lao động địa phương đi làm việc thời vụ tại quận Hamyang (Hàn Quốc). Ảnh: N.Đ

Vượt nhiều chỉ tiêu

Trong công tác xây dựng Đảng, toàn huyện Nam Trà My đã kết nạp 94 đảng viên mới, đạt 110,6% chỉ tiêu Tỉnh ủy giao, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 1.885 đảng viên.

Ở lĩnh vực kinh tế, theo UBND huyện Nam Trà My, ước tính tổng giá trị sản xuất của huyện năm 2022 đạt 1.167 tỷ đồng, tăng 10,07% so với năm 2021, vượt chỉ tiêu nghị quyết Huyện ủy đề ra. Đáng chú ý là sự đóng góp giá trị kinh tế cao của các lĩnh vực được xem là thế mạnh địa phương như nông nghiệp, sản phẩm OCOP…

Tổng sản lượng lương thực cây có hạt của huyện đạt hơn 5.220 tấn, đạt 101,4%. Diện tích trồng các loại cây ăn quả, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao tiếp tục được mở trộng; trong đó, đã trồng 72ha cây ăn quả, đạt 114,3%; gần 53ha cây dược liệu các loại, đạt 105,2% và hơn 22ha sâm Ngọc Linh, đạt 101,3%.

Đến nay, tổng đàn gia súc của huyện là 16.169 con, đạt 108,5% chỉ tiêu. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đạt được nhiều kết quả tích cực, trong năm toàn huyện trồng mới 1.438ha rừng, đạt 109,7% so với chỉ tiêu.

Ông Hồ Văn Thể - Chủ tịch UBND xã Trà Linh, cho hay dù thời tiết thuận lợi nhưng dịch bệnh đã gây thiệt hại lớn cho người trồng sâm. Dù vậy, diện tích trồng sâm ngày càng được mở rộng, thu nhập từ sâm và dược liệu, đặc biệt qua các phiên chợ và lễ hội sâm đều tăng.

Đối với xã Trà Dơn, theo ông Hồ Văn Nương - Phó Bí thư Đảng ủy xã, ngoài phát triển mới diện tích trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn, xã cũng tiếp tục mở rộng và nâng cao sản lượng quế gốc Trà My.

“Địa bàn rộng, giao thông đi lại còn hạn chế, để tạo động lực cho nhân dân tận dụng và phát huy lợi thế, xã đã chủ trương hướng dẫn thực hiện mô hình lấy ngắn nuôi dài, trồng sắn và dược liệu ngắn ngày xen canh quế Trà My, được sự đồng thuận cao trong nhân dân” - ông Nương nói.

Ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện nói, UBND huyện đã tập trung điều hành phát triển kinh tế theo định hướng của Huyện ủy về thực hiện Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong đó trọng tâm phát triển nông nghiệp gắn cây dược liệu và phục vụ du lịch. Đồng thời phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo hướng bền vững, bước đầu đã phát huy được các thế mạnh vốn có của địa phương.

Đánh giá mô hình hỗ trợ sinh kế

Bên cạnh những điểm sáng, tình hình kinh tế - xã hội của huyện vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức.

Theo ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, đến nay còn một số chỉ tiêu chưa đạt như: tỷ lệ hộ nghèo, giao thông nông thôn, tỷ lệ sử dụng điện, quy hoạch sắp xếp dân cư… Nguyên nhân, hầu hết đều có sự tác động của yếu tố khách quan như thời tiết, các chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ nguồn vốn chậm...

“Một số tiêu chí dù chưa đạt, song tỷ lệ hoàn thành tương đối cao. Đối với sắp xếp dân cư, chúng tôi thực hiện dựa trên Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh, tuy nhiên chỉ tiêu phân bổ nguồn vốn ít. Còn thực tế, giai đoạn 2021 - 2022, huyện Nam Trà My đã hoàn thành sắp xếp dân cư cho 202 hộ, đang tiếp tục triển khai cho 16 hộ tại xã Trà Leng và Trà Dơn. Như vậy về cơ bản việc sắp xếp dân cư được thực hiện đảm bảo” - ông Mẫn nói.

Một tín hiệu tích cực là chương trình xuất khẩu lao động gặp nhiều thuận lợi, đến nay, huyện Nam Trà My đã đưa 23 lao động sang Hàn Quốc làm việc và được đối tác hỗ trợ nhiệt tình.

Bên cạnh đó, huyện cũng đang chỉ đạo các xã tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân giai đoạn 2016 - 2022 và đề xuất kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn các xã. Báo cáo đánh giá cụ thể những mặt làm được, các hạn chế, tồn tại, khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để có phương hướng chỉ đạo trong thời gian tiếp theo.

Theo bà Phùng Thị Thương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Trà My, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra, an ninh - quốc phòng được đảm bảo, đời sống nhân dân thay đổi rõ rệt, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc tích cực.

Đó là kết quả của sự vượt khó, cùng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể, từ tuyên truyền vận động và tổ chức thực hiện dưới sự điều hành của UBND huyện.

“Trong năm 2023, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp để khắc phục chỉ tiêu chưa đạt được. Trong đó, tập trung làm việc với các ngành về lĩnh vực điện và giao thông, đề xuất cấp trên cho phép thực hiện cơ chế tận thu, tăng cơ chế hỗ trợ theo nhu cầu thực tế của địa phương” - bà Thương nói.

PHÚ THIỆN