7 cách phòng bệnh viêm đường hô hấp trên cho trẻ

V.THU (Theo phunuvietnam.vn) 18/12/2022 15:15

(QNO) - Bệnh viêm đường hô hấp trên là tình trạng thường gặp đối với trẻ nhỏ. Bệnh này nếu không biết cách chăm sóc đúng sẽ kéo dài dai dẳng, triệu chứng nặng và hay tái phát.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1. Bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ là gì?

Theo các bác sĩ, bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ bao gồm các bệnh viêm nhiễm xảy ra ở các bộ phận từ thanh quản đến mũi, cụ thể gồm: thanh quản, xoang, hầu, họng, mũi. Các cơ quan này chịu trách nhiệm trong việc thu nhận không khí, làm ấm, làm ẩm và lọc phần lớn tạp chất lạ trước khi không khí được đưa đến phổi.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Phó Chủ tịch Liên chi Hội Truyền nhiễm TP.HCM), viêm đường hô hấp trên là tổng hợp nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm viêm họng, cảm lạnh, viêm xoang, viêm mũi, viêm thanh quản, viêm tai giữa… Hệ hô hấp trên chính là cơ quan đầu tiên tiếp xúc với mọi điều kiện bất lợi từ môi trường, kể cả vi khuẩn, nấm mốc… do đó cơ quan này vô cùng nhạy cảm và dễ mắc bệnh.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm đường hô hấp trên

Nguyên nhân của bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ do một số virus và vi khuẩn lành tính gây nên. Với trẻ dưới 5 tuổi thì đa số các trường hợp mắc đều do nhiễm virus (virus hợp bào hô hấp, virus cúm, virus cúm, sởi, và một số loại nấm...).

Một số vi khuẩn gây viêm đường hô hấp trên: Hemophilus influenzae tuýp B (viết tắt là Hib), phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, tụ cầu, vi khuẩn Bordetella...

Bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác như như: dị ứng với thời tiết, dị ứng với các tác nhân khác trong không khí, trong bụi, dị ứng với các hóa chất,...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

3. Bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ có triệu chứng thế nào?

Thông thường khi mắc bệnh viêm đường hô hấp trên, trẻ thường có các biểu hiện như sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, đau rát họng, khàn tiếng, ho nhiều, cơ thể mỏi mệt...

Ngoài ra còn kèm theo 1 số triệu chứng khác như hơi thở hôi, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Các cơn ho cũng nhiều dạng như ho khan kéo dài, ho có đờm, ho theo cơn…

Khó thở là triệu chứng không đặc thù của viêm đường hô hấp trên mà là triệu chứng của viêm đường hô hấp dưới (trẻ bị viêm thanh quản trẻ có thể sẽ bị khó thở). Khó thở là triệu chứng rất ít gặp nhưng đã gặp thường là dấu hiệu của bệnh nặng. Khi trẻ bị khó thở, thở nhanh, thở co rút lồng ngực, thở có tiếng bất thường hoặc trẻ bị sốt cao co giật. Trẻ nhỏ hơn mà bỏ bú hoặc tím tái là trường hợp nặng, cần phải cấp cứu ngay.

4. Điều trị bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ thế nào?

Khi thấy con có biểu hiệu ho, sổ mũi, nghẹt mũi… phải làm thông thoáng đường thở bằng việc lau mũi, hút mũi, nhỏ mũi cho con thường xuyên. Cha mẹ cần thường xuyên nhỏ mũi cho con bằng dung dịch nước muối sinh lý trước, sau đó hút sạch bằng dụng cụ hút mũi. Nếu trẻ lớn thì cha mẹ hướng dẫn con hỉ mũi ra.

- Nếu con ho khan gây kích thích nhiều thì mới cần sử dụng thuốc giảm ho. Các thuốc giảm ho nên dùng loại chứa thảo dược vì hiếm khi gây tác dụng phụ, nhưng tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Nếu thấy con sốt trên 38,5 độ thì cho con uống hạ sốt và nhiều nước. Con vẫn cần bú (đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ), ăn bình thường. Cha mẹ nên chia nhỏ các cữ ăn trong ngày giúp tăng khả năng tiêu hóa và giảm bớt nôn trớ. Nếu bắt trẻ ăn kiêng, trẻ sẽ không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để có sức đề kháng chống lại bệnh tật.

5. Phòng bệnh viêm đường hô hấp trên thế nào?

- Trước tiên cần tạo cho bé miễn dịch chủ động như thực hiện đầy đủ chương trình tiêm chủng quốc gia. Trẻ mới sinh ra cần tận dụng nguồn dinh dưỡng quý giá từ sữa mẹ

- Phụ huynh không nên đưa trẻ đến nơi đông người trong mùa dịch bệnh. Hạn chế cho trẻ ra ngoài khi thời tiết chuyển mùa.

- Giữ đôi bàn tay luôn sạch sẽ (rửa tay bằng xà phòng) sẽ loại trừ virus khỏi bàn tay. Để virus không có cơ hội xâm nhập vào đường hô hấp.

- Đeo khẩu trang cách ly với mầm bệnh.

- Tránh cho trẻ chơi, học tập trong môi trường đông đúc nhiệt độ quá cao, quá lạnh, không cho quạt xoáy thẳng vào trẻ khi chơi hoặc ngủ.

- Tạo thói quen cho trẻ uống nước ấm vào buổi sáng sớm sau khi ngủ dậy, để cổ họng trẻ không bị khô, giữ ấm cổ cho trẻ khi ngủ tránh nhiễm lạnh, giữ nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ.

- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để chủ động tăng sức đề kháng cho trẻ.

V.THU (Theo phunuvietnam.vn)