Hào phóng với quê hương

ALĂNG NGƯỚC 17/12/2022 10:00

“Có tiền đền bù, bao nhiêu rồi cũng hết. Mình suy nghĩ kỹ rồi, nhiều đứa con của mình bây giờ là cán bộ nhà nước, nên chuyện hiến đất cũng là để các con, các cháu sau này nhìn vào phấn đấu, tự hào” - ông Ating Đhí mở đầu câu chuyện đầy cởi mở. Hẳn không phải để khoe, bởi trong ánh mắt của già, tôi nhìn thấy ẩn chứa điều gì đó rất hào sảng…

Vợ chồng ông Đhí bên giấy khen được UBND huyện Đông Giang tặng vì có thành tích trong việc hiến đất, giải phóng mặt bằng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Vợ chồng ông Đhí bên giấy khen được UBND huyện Đông Giang tặng vì có thành tích trong việc hiến đất, giải phóng mặt bằng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Cơn rét buốt cuối mùa. Không thể thăm rẫy như mọi khi, vợ chồng già Ating Đhí (dân tộc Cơ Tu, ở thôn P’rao, thị trấn P’rao, Đông Giang) đành ở nhà chăm sóc đàn gà, chuẩn bị cho tết.

Nhưng, phía bên kia dòng A Vương, vẫn còn một đàn heo cỏ đang đói, nên chỉ sau cuộc gặp, người đàn ông trạc tuổi 65 đã vội vã lên đường, trên vai mang chiếc gùi mây đựng đầy thức ăn đến khu chăn nuôi của gia đình.

Ông Đhí nói, khu vực chuồng trại này là miếng đất duy nhất ông để lại… làm kỷ niệm. Trước đó, gần như toàn bộ phần đất canh tác của gia đình đều đã hiến tặng cho Nhà nước làm các công trình phúc lợi, phục vụ mục tiêu phát triển quê hương miền núi, sau này.

“Tiếc, nhưng… không tiếc lắm!”

Tôi không thể nhịn cười khi nghe ông Ating Đhí buột miệng nói như vậy, lúc kể về chuyện hiến đất cho chính quyền địa phương. Là bởi, ông rất thật khi thuật lại suy nghĩ lúc quyết định gật đầu đồng ý hiến gần 5ha đất vườn cho Nhà nước làm các dự án mới. Trong đó, có cả khu nhà làm việc của Huyện ủy, sân vận động thể thao, công viên văn hóa Cơ Tu, Tượng đài chiến thắng…

Dù sau vài năm triển khai xây dựng nhưng mọi thứ chừng như vẫn còn nguyên mới, mùi đất thoảng nghe trong cơn gió chiều đông giá như gợi lên niềm nhớ về một thị trấn “cây chò” (P’rao - theo tiếng Cơ Tu).

Tôi theo chân ông Đhí đến khu vườn cũ. Trước mặt là rừng cây lòn bon phủ rộng, mọc thoai thoải trên những vạt đồi. Ông Đhí chỉ tay một vòng cung, bao hàm diện tích đất gia đình ông vừa hiến. Rất rộng. Thế đất nằm phía tây của thị trấn này không khác gì một quỹ đất xanh đầy tiềm năng cho hành trình phát triển đô thị kiểu mới của núi.

Điều đó không có gì lạ, khi mới đây tôi nghe một lãnh đạo huyện Đông Giang nói, trong quy hoạch phát triển của địa phương, ngoài chỉnh trang bộ mặt “thị trấn cũ” sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất về phía tây dòng A Vương, phát triển các khu dân cư kết nối dọc bờ sông lịch sử.

Một góc diện tích hộ ông Ating Đhí hiến tặng cho chính quyền địa phương. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Một góc diện tích hộ ông Ating Đhí hiến tặng cho chính quyền địa phương. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nhưng, đó là chuyện của tương lai, còn bây giờ P’rao bắt đầu hiện diện hình hài mới khi “chiếc áo cũ” được nới lỏng từ diện tích đất mà gia đình ông Ating Đhí hiến tặng. Nhìn vẻ mặt hào hứng của người đàn ông Cơ Tu này, tôi đoán ông Đhí đang nghĩ về một cuộc đổi khác ở tương lai gần.

“Hiến đất xong, bây giờ ông có cảm thấy tiếc không?”. “Cũng có một phần tiếc, vì đất canh tác lâu năm của gia đình. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, mình thấy hiến đất cho Nhà nước là để phát triển, cũng đâu có mất gì. Huống hồ chi cả 8 đứa con của mình, bây giờ đang làm công việc nhà nước, đều là cán bộ đảng viên” - ông Đhí bộc bạch.

Cả 8 người con đều ủng hộ việc làm của cha, vì thế ông Đhí luôn vui khi nhắc đến chuyện hiến đất. Ông kể, vài năm trước, khi phần đất đầu tiên được chính quyền vận động hiến, vì chưa hiểu chuyện nên ông nhất quyết không đồng ý.

Sau dần, qua những lần tiếp xúc, rồi lắng nghe đủ đầy câu chuyện về các dự án mới từ chính quyền địa phương, cuối cùng ông… xiêu lòng. Vậy là đồng ý hiến. Đầu tiên là hiến hơn 16.500m2 đất đồi để huyện tạo không gian mặt bằng xây dựng trụ sở làm việc của Huyện ủy.

Rồi khu vực Tượng đài chiến thắng; đường nối dọc bờ sông A Vương; các công trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện… lần lượt được hộ ông Ating Đhí hiến tặng, với tổng cộng diện tích hiến lên đến 5ha, giúp chính quyền địa phương có thêm quỹ đất mở rộng thị trấn và các khu trụ sở hành chính.

Nhà nước có hỗ trợ bồi thường, ông Đhí dùng toàn bộ số tiền đó chia đều cho các con làm ăn, xây dựng nhà cửa. Ông nói, xem đó như “lộc trời”, vì thế vui vẻ đón nhận tình cảm của chính quyền địa phương sau những hiến góp của gia đình. “Mình dành ít tiền hỗ trợ đó mua đúng 2 chiếc ché làm kỷ niệm, coi như của để dành tuổi già của hai vợ chồng” - ông Đhí cười hiền.

Học Bác, rộng mở tấm lòng

Tôi đi dạo một vòng thị trấn P’rao, hướng tây nam dòng A Vương, trước mặt là những công trình mới. Khu Tượng đài chiến thắng nằm ngay bờ sông, phía trước trụ sở Huyện ủy. Vị trí đắc địa, rất đẹp, nằm giữa hai nhánh đường lớn, bên kia là trục đường Hồ Chí Minh chạy xuyên theo góc hình tam giác.

Niềm vui của ông Ating Đhí khi quyết định hiến đất cho Nhà nước để học theo gương Bác. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Niềm vui của ông Ating Đhí khi quyết định hiến đất cho Nhà nước để học theo gương Bác. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Hồi dăm bảy năm trước, khu vực này là vườn rẫy của hộ ông Đhí. Đất canh tác lâu năm, chừng đâu trước thời điểm giải phóng đến giờ. Ông Đhí nói, trước đây, vị trí này một phần là đất ở của gia đình.

Trước khi thị trấn P’rao được tách ra từ xã Tà Lu, quê ông Đhí ở tận xã Ka Nung cũ, giáp ranh với huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế). Năm 1970, chiến tranh ác liệt, những cư dân ở xã Ka Nung được chính quyền vận động di dân về sinh sống tại vùng thấp, thuộc xã Tà Lu cũ.

Hồi mới chuyển đến, hộ ông Đhí chọn khu đất phía tây sông A Vương để sinh sống, canh tác. Ở khu đất rộng lớn, ngoài làm rẫy và trồng cây ăn quả, vợ chồng ông còn làm thêm mô hình ruộng lúa nước, sau này trồng keo, cùng một số hoa màu khác. Mãi đến năm 2000 mới chuyển đi, về sống tại thôn P’rao, như bây giờ.

Hồi trẻ, ông Đhí có thời gian phụ trách văn hóa xã và tham gia phong trào “Ba sẵn sàng” phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhờ thời gian hoạt động cách mạng nên giúp ông có thêm tiếng nói trong cộng đồng.

Điều tiến bộ nhất của mình, ông nói, là khi thời điểm khó khăn nhất vẫn tìm mọi cách để các con ăn học. Nhiều người nay trở thành cán bộ công chức nhà nước, góp thêm tiếng nói trong hành trình xây dựng đời sống mới ở địa phương.

“Mình hiến đất cho Nhà nước cũng nhờ sự động viên của các con, nên xem đó như cách để học theo gương Bác làm việc tốt cho cộng đồng” - ông Đhí tâm sự.

Nói chuyện với ông Đhí làm tôi nhớ đến câu chuyện của ông Alăng Kiah, một cán bộ hưu trí ở xã Ch’Ơm (Tây Giang). Nhiều năm trước, khi xã Ch’Ơm tái lập, chính quyền địa phương đang chưa biết kiếm đâu ra mặt bằng để xây dựng trụ sở làm việc ủy ban, cùng trường học và trạm y tế thì bất ngờ, gia đình ông Kiah đề đạt nguyện vọng xin được… hiến đất. Hơn 3ha đất ngay sau đó được hiến tặng cho Nhà nước mà không đòi hỏi bất kỳ tiền bồi thường nào, khiến nhiều người ngạc nhiên.

Hơn 20 năm trôi qua, câu chuyện về hộ ông Alăng Kiah hiến đất cho Nhà nước làm các công trình phúc lợi vẫn còn nghe dân làng kể, tấm gương ấy như một bài học về tinh thần nêu gương trong cộng đồng mà người Cơ Tu học theo gương Bác.

Hôm trước, tôi ngồi với Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - Đỗ Hữu Tùng. Ông Tùng kể về 3 lần đến nhà vận động để ông Ating Đhí đồng ý hiến đất cho địa phương. Lần đi cuối cùng, có đủ cả con cháu trong nhà, lúc đó ông Đhí gần như đã đồng ý nhưng còn lấn cấn về khu chuồng trại.

Sau khi “thông” hết mọi chuyện, ông Đhí gật đầu đồng ý bằng câu lý, ngỏ ý chuyện hiến đất là để xây dựng tương lai phát triển của địa phương cũng như tương lai của các con, cháu sau này.

“Theo phong tục Cơ Tu, chúng tôi sắm một con heo cùng một số lễ vật cần thiết khác để cúng. Đây vừa là lễ vật để hộ ông Đhí cúng báo tổ tiên, vừa là món quà động viên gia đình tổ chức bữa tiệc liên hoan ý nghĩa. Cả đêm hôm ấy, chúng tôi cùng gia đình ông Đhí và các già làng ngồi quây quần bên mâm rượu cần, ngồi hát lý trong không gian ấm cúng của tình người vùng cao” - ông Tùng kể.

ALĂNG NGƯỚC