Một hòa bình cho lương tri chúng ta

ĐOÀN HỒNG LÊ 17/12/2022 04:34

Một hành trình đòi hỏi công bằng cho sự thật, lương tri và phẩm giá - là những giá trị phổ quát mà nhân loại theo đuổi - hành trình ấy sắp được nhìn thấy kết quả.

Họp báo trên đường phố Seoul.
Họp báo trên đường phố Seoul.

“Chiều 5/12/2022, ngay sau cuộc hội đàm tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã có cuộc họp báo, cho hay hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác chiến lược toàn diện”. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính bước ngoặt, mở ra những cơ hội to lớn trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc thời gian tới”.

Đó là một dòng tin ấm áp trên bản tin tôi đọc được sáng nay, khi đang xem lại những cảnh đã quay trong dự án phim tài liệu “Đường đến Hòa Bình” hồi tháng 8.

Trong một cuộc họp báo nhân dịp nguyên đơn - nạn nhân Nguyễn Thị Thanh vừa đến Hàn Quốc để dự phiên tòa xét xử vụ thường dân Việt Nam kiện đòi Chính phủ Hàn Quốc xin lỗi và bồi thường vì thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị hồi năm 1968 trong chiến tranh Việt Nam, phóng viên hỏi: “Bây giờ cô nghĩ như thế nào về đất nước và con người Hàn Quốc?”;

cô Thanh trả lời: “Trước năm 2000 tôi rất căm thù Hàn Quốc, nhưng từ đó đến nay, nhiều người Hàn đã đến gặp gỡ, trò chuyện, an ủi, đã làm vơi bớt nỗi đau trong tôi nhiều lắm, bây giờ tôi coi họ là những người bạn”.

Luật sư Lim Daesung tiếp: “Nếu ra tòa mà được hỏi: “Mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc nay đang rất tốt đẹp, trong khi câu chuyện thảm sát ấy xảy ra đã từ rất lâu rồi, tại sao lại phải khơi nó dậy, đào xới nó lên để làm gì?”, cô sẽ trả lời như thế nào?”.

Bằng giọng quả quyết của người tin tưởng rằng con đường mình đang đi là đúng, cô Thanh đáp: “Tôi nghĩ rằng nếu Chính phủ Hàn Quốc thừa nhận sự thật này, rằng binh lính Đại Hàn xưa đã gây ra một vụ thảm sát như thế ở làng Phong Nhị, thì sẽ làm cho mối quan hệ ấy càng tốt đẹp hơn nữa mà thôi”.

Bà Nguyễn Thị Thanh (bìa trái) làm việc với luật sư Jaesung Lim
Bà Nguyễn Thị Thanh (bìa trái) làm việc với luật sư Jaesung Lim.

Tôi là một người làm phim tài liệu Việt Nam, lớn lên sau chiến tranh. Những gì tôi biết về quân đội Đại Hàn trong chiến tranh là qua lời kể của cha tôi, một phóng viên chiến trường. Tôi chỉ thật sự biết đến nỗi đau của những nạn nhân các vụ thảm sát khi bắt đầu đi sâu vào đề tài này.

Kể từ khi dấu giày những người lính viễn chinh Đại Hàn cuối cùng biến mất khỏi Việt Nam sau cuộc chiến, năm nay kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, cũng là 30 năm người Việt lại nhìn thấy người Hàn đi lại, làm ăn, yêu đương, kết hôn, du lịch trên đất nước mình.

Giới trẻ hồ hởi đón nhận làn sóng K-pop và điện ảnh Hàn mà ít người biết rằng trong quá khứ, lịch sử quan hệ hai nước đã từng có những gập ghềnh thảm khốc. Ký ức của thế hệ lớn tuổi về quân đội Đại Hàn cũng dần phai nhạt, chỉ còn lại chăng ký ức tập thể về những vụ thảm sát trong những ngôi làng xa xôi ở miền Trung Việt Nam được giữ lại qua mấy từ “giỗ Đại Hàn” vào tháng Giêng hàng năm.

Vậy trong khi những người Hàn tiến bộ đang đặt ra câu hỏi về sự thừa nhận sự thật lịch sử gắn liền với phẩm giá của một quốc gia, đòi hỏi chính phủ Hàn thừa nhận các vụ thảm sát và xin lỗi Việt Nam, người Việt có cần điều đó không?

Năm năm trước, trong một buổi lễ ở Seoul, khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu vinh danh những “người có công” Hàn Quốc đã tham chiến tại nước ngoài, trong đó có chiến trường Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã “giao thiệp nghiêm khắc” với đại sứ Hàn Quốc tại Hà Nội: “Chúng tôi đề nghị Chính phủ Hàn Quốc không có các hành động và phát ngôn gây tổn thương tới tình cảm của nhân dân Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ hợp tác hữu nghị hai nước”.

Không phải như người ta nghĩ rằng cuộc chiến đã xa và người Việt đã quên, người Việt khép lại quá khứ, nhưng không hề quên. “Tình cảm của nhân dân Việt Nam” hay ký ức về quân đội Đại Hàn là một phức cảm sâu kín, một vết thương có thể đã thành sẹo với thời gian, nhưng vẫn nhức nhối mỗi khi thời tiết chuyển mùa.

Tác giả (bìa trái) giúp bà Nguyễn Thị Thanh họp báo qua mạng trong dịch Covid-19
Tác giả (bìa trái) giúp bà Nguyễn Thị Thanh họp báo qua mạng trong dịch Covid-19.

Cô Nguyễn Thị Thanh và người dân làng Phong Nhị đang chờ đợi kết quả của phiên tòa sơ thẩm vào trung tuần tháng 1/2023, trùng với dịp “giỗ Đại Hàn” lần thứ 55. Với họ, thắng kiện không chỉ an ủi cho linh hồn những người đã chết trong thảm sát, khép lại một nỗi đau quá khứ đã dai dẳng hơn nửa thế kỷ, mà đó còn là một thắng lợi của sự thật, của lương tri, của phẩm giá con người.

Trong nhiều năm qua, cô Thanh đã cùng mạng lưới xã hội dân sự Hàn Quốc bền bỉ theo đuổi vụ kiện này, với cả hai bên, đó không phải một vụ kiện giữa người Việt với người Hàn nữa, mà là một hành trình đòi hỏi công bằng cho sự thật, lương tri và phẩm giá.

Họ gặp nhau ở điểm chung đó, vì chẳng phải đó cũng là những giá trị phổ quát mà nhân loại theo đuổi hay sao? Một hòa bình như vậy giữa hai quốc gia cũng chính là một hòa bình cho lương tri của chúng ta, đó mới là thứ hòa bình đẹp đẽ nhất, nhân văn nhất.

Tất cả chúng ta đều có quá khứ, trong con mắt nhìn nhận quá khứ đó có phản chiếu bóng hình của tương lai.

ĐOÀN HỒNG LÊ