Dấu ấn tình nguyện viên chữ thập đỏ
Việc phát triển lực lượng tình nguyện viên chữ thập đỏ những năm qua được các địa phương, các cấp hội chú trọng. Lực lượng tình nguyện viên phát triển cả về số lượng và chất lượng, khẳng định vai trò bằng những cách làm hay, sáng tạo.
Nở rộ mô hình tình nguyện
Theo Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Quảng Nam, những năm qua, công tác tình nguyện trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả. Quảng Nam hiện có 7.978 tình nguyện viên (TNV), được tổ chức thành 395 đội, nhóm, câu lạc bộ (CLB), chủ yếu tham gia các hoạt động hiến máu nhân đạo (HMTN), sơ cấp cứu, ứng phó thiên tai tại cộng đồng và cứu trợ nhân đạo... Nhiều cá nhân, tập thể có những đóng góp cho cộng đồng với tinh thần “Vì mọi người ở mọi nơi”.
Lực lượng TNV CTĐ đã xung kích, tình nguyện đến với những người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng dễ bị tổn thương trong cộng đồng, xã hội. Ở lĩnh vực HMTN, toàn tỉnh có 258 CLB HMTN hoạt động hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động và sẵn sàng tham gia hiến máu cấp cứu, điều trị, cứu chữa người bệnh.
Điển hình có CLB Máu nóng “Hiểu và thương”, CLB Máu nóng “Từ Tâm Nhiên”; CLB Ngân hàng máu sống “Trái tim hồng” xã Duy Phước; CLB Ngân hàng máu sống phường Tân Thạnh; CLB Ngân hàng máu sống xã Quế Xuân 2…
Đội ngũ TNV ở lĩnh vực sơ cấp cứu và phòng ngừa thảm họa ngày càng lớn mạnh, phát triển cả lượng và chất. Toàn tỉnh có 53 đội ứng phó cộng đồng các cấp với 1.224 thành viên.
Các thành viên đã xung kích tham gia các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ người dân sơ tán, chằng chống nhà cửa, tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra.
Điển hình có Đội ứng phó thiên tai, thảm hoạ cấp tỉnh (hơn 20 TNV); Đội TNV CTĐ xung kích xã Tiên Mỹ (Tiên Phước); Đội TNV xung kích tỉnh; Đội TNV xã Đại Đồng (Đại Lộc); Đội xe ôm sơ cấp cứu Hà Lam (Thăng Bình)… Nhiều CLB, đội nhóm đã nỗ lực gây quỹ nhân đạo, hỗ trợ cộng đồng...
Tại Đại Lộc, theo ông Phan Xuân Chiến - Chủ tịch Hội CTĐ huyện, Đại Lộc có nhiều điển hình về TNV trong cộng đồng. Có thể kể đến anh Trần Rê (Đại Cường), Nguyễn Văn Cảm (Đại Hồng), Dương Tấn Tình (Đại Quang), Lê Ngọc Anh (Đại An), Văn Quý Đông (Đại Hòa)…
Gia đình anh Trần Rê là một “ngân hàng máu sống” nhỏ, là hạt nhân tích cực trong các hoạt động, phong trào HMTN. Thôn Quảng Đại 2 cũng được gọi là “thôn hiến máu”.
Còn theo bà Hoàng Thị Mỹ Lan - Chủ tịch Hội CTĐ huyện Duy Xuyên, toàn huyện xây dựng được 5 CLB TNV. “Phong trào HMTN là hoạt động lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và qua đó, số lượng TNV tăng theo từng năm. Các đơn vị làm tốt hoạt động này gồm Hội CTĐ xã Duy Hòa, Duy Phú, Duy Châu, Duy Trinh, thị trấn Nam Phước, Duy Phước, Duy Vinh, Trường THPT Sào Nam...” - bà Lan nói.
Kết nối và lan tỏa
Điện Bàn phát triển được 500 TNV gồm đoàn viên, thanh niên, sinh viên, giáo viên, công an, y bác sĩ… Các TNV là những người không quản ngày đêm, sẵn sàng hiến máu cấp cứu khi người bệnh cần, hầu như tháng nào cũng hiến máu để phục vụ cấp cứu người bệnh.
Năm 2022, thị xã có 2.210 TNV, được tổ chức thành 27 đội, nhóm, CLB. Toàn thị xã có 71 trường THPT, THCS, tiểu học và mẫu giáo có tổ chức hội, với 1.200 thanh thiếu niên CTĐ.
Ông Đoàn Thanh Tâm - Chủ tịch Hội CTĐ thị xã cho rằng: “Để nâng cao hiệu quả của lực lượng TNV, từng ngành, từng địa phương, đặc biệt là ở cấp xã, phường, thôn, khối phố cần nâng cao trách nhiệm trong công tác phối hợp vận động hiến máu nhân đạo, có các hình thức tuyên truyền, tích cực hỗ trợ cho TNV để họ có động lực tham gia. Cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên dương, khen thưởng người HMTN và vận động HMTN, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng”.
Theo ông Lê Tấn Minh - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Quảng Nam, bên cạnh những kết quả nêu trên, hoạt động của đội ngũ TNV CTĐ còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nhiều CLB, đội nhóm thành lập, hoạt động riêng lẻ, tự phát.
Hội CTĐ các cấp chưa thật sự kết nối, thu hút và tiến hành được các thủ tục cần thiết trong điều hành hoạt động cũng như để bảo vệ quyền lợi, nâng cao trách nhiệm với cộng đồng cho các CLB và các thành viên.
Giai đoạn 2022 - 2027, toàn tỉnh phấn đấu phát triển trên 8.000 TNV; mỗi huyện, thị, thành hội thành lập ít nhất một đội TNV. Thường xuyên tổ chức gặp mặt, biểu dương, khen thưởng cá nhân, đội, nhóm, CLB TNV kịp thời. Kết nối, duy trì, nhân rộng mô hình hay, hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Tham mưu tạo cơ chế, chế độ chính sách hỗ trợ cho TNV tham gia hoạt động.
“Việc kết nối, quản lý điều hành hoạt động của TNV là cộng đồng trách nhiệm để hướng đến xây dựng thành chuỗi các hoạt động nhân đạo của Hội CTĐ tỉnh thông qua lực lượng nòng cốt là những TNV.
Qua đó góp phần thực hiện tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của Hội CTĐ Việt Nam, xứng đáng là tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp, đóng vai trò nòng cốt, cầu nối, đầu mối, điều phối trong hoạt động nhân đạo, từ thiện; truyền cảm hứng, lan tỏa lòng nhân ái và giá trị cốt lõi là nhân đạo, vô tư, tự nguyện, minh bạch, thích ứng, hiệu quả” - ông Minh nói.