Đi tìm hạnh phúc
(VHQN) - Những người bạn Hàn Quốc mà tôi gặp, họ đã đi tìm hạnh phúc cuộc sống, tại Việt Nam.
Người Hàn ở thành phố sông Hàn
Trước khi có dịch Covid-19, mỗi sáng, Kwang Hoon Lim thức dậy sớm, quét dọn quán cà phê nhỏ của mình ở tầng trệt khu chung cư Monarchy (Sơn Trà, Đà Nẵng). Chuẩn bị pha cà phê, sắp xếp bàn ghế, đúng 7 giờ, anh mở cửa đón khách. Khách là những người Hàn Quốc và người Việt sống trong chung cư, cả những người Hàn sống ở “Phố Hàn” gần đó.
Kwang đã làm việc cho Tập đoàn Keangnam tại Seoul, Hàn Quốc trong 27 năm, 5 năm cuối cùng làm việc tại chi nhánh Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Sau đó anh nghỉ việc và đi du lịch khắp Việt Nam, cuối cùng anh chọn dừng chân tại Đà Nẵng.
Hoon dạy tiếng Hàn cho sinh viên Việt Nam để hiểu thêm về người Việt và văn hóa Việt Nam, đồng thời dạy tiếng Việt cho các đồng hương Hàn Quốc vừa chân ướt chân ráo đến đây tìm kiếm cơ hội làm ăn.
Khu phố đường Phạm Văn Đồng đoạn từ bờ sông Hàn ra đến bờ biển và vùng lân cận đã trở thành một “Phố Hàn” sầm uất mấy năm trước. Với 10 nghìn người sinh sống làm việc ở Đà Nẵng, cộng đồng người Hàn đã trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai ở thành phố này trước khi có dịch Covid-19. Các ngành nghề du lịch, dịch vụ, bất động sản, khách sạn, nhà hàng là những ngành kinh doanh phổ biến nhất.
Lee Joon Hee đã làm việc ở các doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc tại một khu công nghiệp ở Núi Thành, Quảng Nam trong 12 năm trước khi định cư tại Đà Nẵng với một quán ăn vặt Hàn Quốc nhỏ trong khu dân cư ở quận Sơn Trà.
Bằng cách phát âm tiếng Việt chậm rãi, Lee nói: “Tôi vẫn trụ lại Việt Nam hai năm có dịch, dù nhiều bạn bè tôi đã trở về Hàn Quốc. Sống ở đây tôi mới thở chậm được. Sống ở Hàn Quốc rất áp lực, không ai gây áp lực nhưng tôi tự cảm thấy bị áp lực. Tôi không muốn về, chỉ muốn ở đây đến chết”.
Bứt ra vòng xoay áp lực
Mười hai năm trước, ở Tập đoàn Keangnam, Kwang Hoon Lim làm việc 12 - 14 giờ mỗi ngày. Một vị trí ở những tập đoàn lớn như thế là khao khát của nhiều thanh niên Hàn Quốc, với mức lương tốt và địa vị trong xã hội. Nhưng Kwang tự giới thiệu về mình trên trang cá nhân: “Đã từng mong muốn trở thành một dị nhân, sống cuộc đời tự do, nghiên cứu lịch sử con người”.
Cuối cùng, anh trở thành một viên chức ngân hàng mẫn cán và dù kiếm được nhiều tiền, vẫn không cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống của mình: “Tan sở lúc 6 giờ chiều, ngày nào tôi cũng phải đi uống rượu, tiếp khách đến 12 giờ đêm mới được về nhà. Sáng ra lại đi làm, mỗi ngày vòng quay ấy khiến tôi kiệt sức”.
Nhờ sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc, người dân có đời sống sung túc hơn các thế hệ trước rất nhiều. Vì sao nhiều người vẫn muốn rời khỏi quốc gia với GDP bình quân đầu người rất cao, để đến sống ở Việt Nam, một nước đang khao khát vươn lên tầm cao như vậy?
Kwang Hoon Lim kể: “Con cái đến trường học, bạn bè hay hỏi nhau: Nhà ở biệt thự hay chung cư? Căn hộ lớn nhỏ? Diện tích bao nhiêu? - rồi từ đó hình thành thứ hạng trong cư xử. Con cái lại về nhà hỏi bố mẹ: “Sao mình chưa mua nhà to?”, “Sao bố không đổi xe lớn? Xe nhà mình vừa nhỏ vừa cũ”. Muốn mua nhà mua xe phải vay tiền ngân hàng, đã vay ngân hàng thì phải làm việc nhiều hơn, nặng hơn để trả nợ”.
Từ vựng Hàn Quốc khoảng một thập kỷ trở lại đây xuất hiện thêm hai từ tiếng Anh là “house-poor” và “car-poor”, nghĩa là người mượn tiền rất nhiều để mua nhà, mua xe sang trọng, tăng vị thế trong mắt người khác, nhưng thực chất không có tiền.
Tỷ lệ vay nợ của hộ gia đình ở Hàn Quốc đứng thứ hai châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Áp lực trả nợ dẫn đến những nan đề xã hội và đưa đẩy con người tới nhiều bi kịch cá nhân chẳng khác mấy những gì khán giả khắp thế giới đã thấy trong bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Trò chơi Con mực”.
Đến để tìm hạnh phúc
Lee Joon Hee tiếp tục câu chuyện với giọng của người từng trải: “Tôi quen một bác sĩ, một gia đình nhìn bên ngoài thì rất hạnh phúc, kiếm được rất nhiều tiền. Anh ấy là bác sĩ nổi tiếng, rất giỏi nên lúc nào cũng có ca mổ.
Theo tiêu chuẩn xã hội Hàn như vậy là người rất thành đạt, nhưng hai con gái và vợ không lúc nào thấy mặt anh. Và tiền nhiều nên vợ con đi du lịch hết châu Âu đến Mỹ, còn anh vẫn ở trong phòng mổ, như vậy là có hạnh phúc không? Tôi chắc là đến khi già rồi, anh ấy sẽ tiếc nuối tự hỏi tại sao mình lại sống cuộc đời như thế. Cho nên tôi chưa đến tuổi nghỉ hưu, còn 3 năm nữa nhưng sống ở đây, mở một quán ăn vặt món Hàn, trông vào thì rất nghèo, nhưng không ai quan tâm.
Ở đây không ai hỏi tôi mức lương bao nhiêu, địa vị xã hội ra sao, con học trường nào, hè này đi du lịch ở đâu, thậm chí đã giải phẫu thẩm mỹ chưa… Vợ chồng tôi sống giản dị, không phải là mô hình kiểu một gia đình, một căn hộ, một chiếc xe, không cần phải chứng tỏ cái gì, với ai. Đi bộ cũng được, hoặc đi xe đạp, xe máy cũ cũng chẳng sao, chỉ cần thấy hạnh phúc là được”.
Theo thống kê, người Hàn Quốc xếp hạng thấp về hạnh phúc so với hầu hết quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Trong khi đó Việt Nam năm 2020 được bình chọn xếp vị trí thứ 10 trong số những quốc gia mà người nước ngoài muốn đến sống và làm việc nhất. Rất nhiều người Hàn như Lee và Kwang đã đến đây để làm một công việc thu nhập thấp hơn nhưng được tự do sống theo ý mình, mà theo định nghĩa của họ, đó chính là hạnh phúc.
Việt Nam và Hàn Quốc có rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa, truyền thống, xã hội... Và khao khát hóa rồng của quốc gia, cũng như khao khát mức sống cao của từng gia đình Việt hiện nay, chẳng phải cũng là giấc mơ của người Hàn 40 - 50 năm trước đó sao?
Vì vậy, với một đất nước đang phát triển như chúng ta, câu chuyện của xã hội Hàn Quốc là một soi chiếu đáng kể.