Lối đi từ du lịch lễ hội nông nghiệp

PHẠM QUỐC 15/12/2022 10:35

(VHQN) -  Lễ hội “Tam Kỳ - mùa hoa sưa” hay “Ngày hội quật cảnh Cẩm Hà - Hội An” có thể tạm xem là những sự kiện đã gắn được sản phẩm nông nghiệp vào phát triển du lịch. Việc mở lối cho loại hình này phát triển rộng trong tương lai liệu có khả thi?

Việc tổ chức ngày hội quật Cẩm Hà góp phần lan tỏa thêm thương hiệu cây quật và du lịch địa phương. Ảnh: P.Q
Việc tổ chức ngày hội quật Cẩm Hà góp phần lan tỏa thêm thương hiệu cây quật và du lịch địa phương. Ảnh: P.Q

Nương vào tự nhiên nên dễ thấy là hình thức lễ hội này phụ thuộc diễn biến thời tiết. Qua các năm tổ chức lễ hội sưa, lãnh đạo UBND TP.Tam Kỳ cho rằng, cái khó nhất trong tổ chức lễ hội chính là “canh” đúng thời điểm bởi loài hoa này có thời gian nở rộ khá ngắn. Năm nay, lại thêm hoa vừa bung thì xác xơ trong mưa gió dị thường.

Quay lại với hoa sưa, làng sinh thái Hương Trà đã được định hướng phát triển du lịch từ trước khi xuất hiện lễ hội hoa sưa, nhưng thực sự thì từ khi có lễ hội này nơi đây mới định vị được một chút dấu ấn trên bản đồ du lịch Quảng Nam. Nhiều người lấy “hoa sưa” làm lý do để đến Hương Trà, rộng hơn là đến Tam Kỳ. Đấy cũng là một thành công nho nhỏ trong việc định vị thương hiệu.

Thực ra, sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp ở Quảng Nam có triển vọng rất lớn. Đơn cử như sản phẩm “bữa tiệc trên cánh đồng” mỗi khi vào vụ lúa chín của nhà hàng The Field (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) từ lâu đã tạo ra giá trị gia tăng rất cao cho cây lúa, người nông dân canh tác lúa ở khu vực này.

Khách muốn trải nghiệm phải “đặt hàng” trước bởi số lượng có hạn. Ở một quy mô rộng lớn hơn, Quảng Nam liệu có nông sản gì để “dựng” thành lễ hội, từ đó tạo ra sự hấp dẫn mời gọi khách tham quan, trải nghiệm?

Dự kiến tháng 8 này, huyện Tiên Phước sẽ tổ chức lễ hội trái măng cụt. Chương trình nằm trong khuôn khổ các hoạt động Năm du lịch quốc gia 2022. Đây cũng là một ý tưởng độc đáo, nhiều triển vọng có thể quảng bá rộng rãi hơn về vùng đất đang canh tác vựa trái cây được mệnh danh là “nữ hoàng” này.

Mấy năm qua, Nông Sơn cũng từng tổ chức ngày hội văn hóa - du lịch làng Đại Bình (Quế Trung) hay Nam Trà My định kỳ hàng tháng duy trì phiên chợ sâm Ngọc Linh. Hiệu ứng về quảng bá hoặc hiệu quả kinh tế là có nhưng để trở thành sản phẩm du lịch thực thụ, hấp dẫn thì chưa. Vấn đề phải chăng vẫn còn thiếu chuỗi sản phẩm có tính liên kết từ điểm nhấn đó.

Mới đây, lãnh đạo tỉnh có gợi ý làng mắm Cửa Khe hoàn toàn có thể tổ chức lễ hội nước mắm để nâng tầm thương hiệu sản phẩm bản địa. Ý tưởng đã có, khó hay dễ tùy ở góc nhìn, cách tiếp cận. Quan trọng những người làm du lịch từ nông nghiệp có dẫn dắt được du khách đi sâu hơn, thú vị hơn ngoài chủ thể nông sản hay không.

Nguyên liệu nông nghiệp bản địa xứ Quảng không thiếu để làm lễ hội và lại rất phù hợp với định hướng phát triển du lịch xanh. Nhưng có vẻ vẫn phải chờ những ý tưởng đột phá, mới mong định vị được thương hiệu ở dòng sản phẩm này...

PHẠM QUỐC